Ông Lê Hoàng Dũng - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Tham dự hội thảo có đại diện nhà trường, các khoa bộ môn và nhiều nhà báo từ các cơ quan báo đài. Chủ đề tham luận tại hội thảo xoay quanh các giải pháp, phát triển báo chí đa nền tảng và phương hướng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng.
Trong đó nổi bật với tham luận "Mô hình phân phối thông tin đa nền tảng" từ nhà báo Đặng Văn Sinh, báo Thanh Niên.
Nêu ra các con số cụ thể như: 78 triệu lượt người Việt Nam sử dụng mạng xã hội; hơn 70 triệu tài khoản Facebook; 62,5 triệu tài khoản YouTube… theo nhà báo Đặng Văn Sinh, sự phổ biến của thiết bị di động và sự phát triển "vũ bão" của mạng xã hội dẫn đến sự thay đổi thói quen tiếp cận tin tức từ báo chí.
"Từ xu hướng thay đổi hành vi người dùng Internet cùng thúc bách từ yêu cầu kinh tế khiến các tờ báo luôn tìm cách đổi mới để tiếp cận công chúng trên các nền tảng và tìm kiếm nguồn thu mới", ông Sinh chia sẻ.
Một tham luận thú vị khác về chủ đề "Podcast", diễn giả Huỳnh Sang nhấn mạnh: "Podcast là thực tế, không còn là xu hướng".
Theo ông, hiện nay tại Việt Nam số lượng cơ quan báo chí sản xuất podcast không nhiều trong khi thực tế podcast phải được thừa nhận như một tất yếu phát triển để đáp ứng nhu cầu nghe trong một xã hội bận rộn.
Và để bắt kịp thực tế trên, nhằm đa dạng hóa nội dung, kênh phân phối.
Bên cạnh đó, khi báo chí đang trong quá trình "bắt tay" với truyền thông xã hội, TS Huỳnh Văn Thông - trưởng bộ môn truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - đã nêu nhiều ý kiến về góc nhìn có tính chất cảnh báo và khẳng định "điều lớn hơn của báo chí là giá trị nội dung và sứ mệnh đặc biệt của nó".
Theo TS Thông, khi bắt đầu xuất hiện, truyền thông xã hội trở thành đối thủ rất quan trọng, đặt báo chí vào các thử thách vô cùng nghiêm trọng để có thể phát triển. Nhưng rất may báo chí đã kịp tích hợp với truyền thông.
"Đặt ra câu chuyện nếu như nội dung báo chí chịu sự điều hướng đáng kể từ các dữ liệu thống kê, xu hướng của người dùng và chạy theo giá trị thương mại của tin tức thì điều gì xảy ra đối với chất lượng?
Với tư cách là những người nghiên cứu về ngành, chúng tôi cũng tạo cho mình một trách nhiệm gọi là canh giữ giá trị báo chí, phải dựng được các hàng rào cần thiết để bảo vệ bản chất của báo chí, nếu không sẽ mất đi giá trị thật sự mà chúng ta mong đợi", TS Huỳnh Văn Thông nói.
Phát biểu tại hội thảo, phó hiệu trưởng nhà trường, ông Lê Hoàng Dũng cho rằng những năm gần đây hoạt động báo chí, truyền thông đã có nhiều thay đổi để thích ứng với quá trình chuyển đổi số. Từ đó cũng đặt ra những vấn đề thách thức, nhất là việc phải khai thác các nền tảng mạng xã hội từ bên thứ ba.
"Hội thảo ngày hôm nay chính là cơ hội để quý đại biểu tham dự cùng thảo luận và đề xuất những giải pháp hiệu quả cho hoạt động báo chí trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời cũng nằm trong những nỗ lực tiếp cận với đời sống báo chí truyền thông sinh động theo triết lý "toàn diện - khai phóng - đa văn hóa" của nhà trường", ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận