14/10/2022 14:02 GMT+7

‘Chuyển đổi số mà không có dữ liệu như xe không có xăng’

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dữ liệu trong quá trình xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP.HCM.

‘Chuyển đổi số mà không có dữ liệu như xe không có xăng’ - Ảnh 1.

Trải nghiệm các ứng dụng số tại khu triển lãm của tuần lễ WHISE 2022 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ngày 14-10 diễn ra hội thảo "Nền tảng số trong mối quan hệ chính quyền - doanh nghiệp", một trong nhiều sự kiện trong ngày cuối cùng của Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) năm 2022.

Tại hội thảo, ông Albert Atonie - giám đốc điều hành Avaiga, công ty tham gia nhiều chương trình tư vấn chuyển đổi số cho Chính phủ Singapore - cho rằng một trong những trụ cột của quá trình chuyển đổi số nằm ở khu vực công. 

Các thủ tục hành chính, các hoạt động quản lý của chính quyền nếu thông thoáng sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức hao phí cho các bên, đồng thời tạo được sức bật đổi mới sáng tạo cho người dân và doanh nghiệp.

Muốn làm được điều này, theo ông Albert Atonie, đòi hỏi sự lắng nghe và quan sát của chính quyền để luôn thấy được những khó khăn của người dân và doanh nghiệp nhằm tìm hướng áp dụng công nghệ giải quyết. 

Chẳng hạn tại Singapore, từ việc thấy người dân phải vất vả xếp hàng làm hộ chiếu, chính quyền đã xây dựng một phần mềm cho người dân có thể nộp hồ sơ, làm hộ chiếu ngay tại nhà.

"Với khu vực công, chính quyền cần có một lộ trình rõ ràng, được phân theo từng giai đoạn ưu tiên, nhằm liên tục tạo sự thông thoáng và xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo cho người dân, doanh nghiệp", ông Albert Atonie nói.

‘Chuyển đổi số mà không có dữ liệu như xe không có xăng’ - Ảnh 2.

Ông Albert Atonie chia sẻ tại hội thảo sáng 14-10 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ngoài ra, ông Albert Atonie cho rằng chính quyền sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội chuyển đổi số. 

Trước hết, chính quyền cần xây kho dữ liệu để người dân và các chuyên gia về khoa học, công nghệ có thể khai thác nhằm tạo ra những giải pháp công nghệ có thể triển khai ngay vào thực tế.

Trong các cơ quan nhà nước cần có các chuyên gia chuyên phân tích dữ liệu, biến nguồn dữ liệu của các sở ban ngành trở thành nguồn tài nguyên dễ khai thác và sử dụng. 

Tôi nghĩ TP.HCM cần đào tạo thêm những cán bộ, chuyên gia chuyên về phân tích dữ liệu. Chuyển đổi số mà không có dữ liệu như xe không có xăng.

Ông Albert Atonie


Trong khi đó, ông Lê Trí Thông - CEO của Công ty PNJ - cho rằng dữ liệu và các nền tảng của cơ quan nhà nước cần có sự đồng bộ. Không thể dữ liệu hay công nghệ của quận này khi sang quận khác lại không thể tương thích. Vai trò của chính quyền là làm cho những nguồn tài nguyên số này có "chung một tiếng nói".

Theo ông Thông, trong chuyển đổi số, công nghệ chỉ là công cụ, giống như những viên gạch khi xây nhà. Trước đó, cần có những khung sườn về chuyển đổi số, cũng hệt như một bản thiết kế trong xây dựng. 

Do vậy, muốn chuyển đổi số thành công, TP.HCM cần có một chiến lược thật cụ thể và chi tiết trước khi tìm kiếm và áp dụng công nghệ.

Trao giải thưởng I-Star 2022

photo-2

Trao giải thưởng I-Star 2022 ở hạng mục "Tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Cũng trong khuôn khổ WHISE, ngày 14-10 đã diễn ra lễ trao giải Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2022 (I-Star 2022). Đây là giải thưởng thường niên của UBND TP.HCM vinh danh các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP.

Ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, trưởng ban tổ chức I-Star 2022, cho biết: "I-Star 2022 xuất hiện hàng loạt giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp, tài chính, du lịch, giáo dục, y tế.

Bên cạnh đó còn có nhiều giải pháp cho thành phố thông minh, giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain, IoT, AI, VR".

Kết quả, ở hạng mục "Tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", giải thưởng thuộc về Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Expara Vietnam.

Ở hạng mục "Các tác phẩm truyền thông có tác động tích cực đến cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", giải thưởng được trao cho các tác phẩm của Đài tiếng nói TP.HCM (VOH) và báo Người Lao Động.

Giải thưởng cho hạng mục "Các giải pháp đổi mới sáng tạo giải quyết những vấn đề của cộng đồng và mang lại hiệu quả thiết thực cho TP.HCM" thuộc về giải pháp đẩy mạnh giáo dục STEM vào tiết học và câu lạc bộ của Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (TP.HCM).

Ở hạng mục "Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu 2022", giải thưởng được trao cho Công ty Vietnam Blockchain, Công ty Cohota, ứng dụng sách nói Voiz FM.

Top 3 Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam sẽ nhận hơn 5 tỉ đồng (225.000 USD) Top 3 Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam sẽ nhận hơn 5 tỉ đồng (225.000 USD)

Chung kết Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC) 2022 sẽ diễn ra ngày 14-9-2022 tại GEM Center, với sự tranh tài của Top 10 startups để chọn ra Top 3 xuất sắc nhất nhận giải thưởng bằng tiền mặt hơn 5 tỉ đồng.


TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên