Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi đối thoại, gặp gỡ doanh nhân trẻ - Ảnh: TỰ TRUNG
Sáng 24-3, Thành đoàn TP.HCM, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ thành phố phối hợp tổ chức chương trình Lãnh đạo TP.HCM đối thoại, gặp gỡ doanh nhân trẻ năm 2021.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận xét từ thực tiễn phát triển kinh tế 35 năm đổi mới cho thấy chính các doanh nghiệp, doanh nhân đã tạo nên "làn gió mới" cho sự phát triển của TP.HCM.
Tầm nhìn năm 2045 TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á
Tại chương trình, ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ nhiều chiến lược, mục tiêu của thành phố trong trung và dài hạn.
Theo đó, đến năm 2025, TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.
Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số. GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 đôla, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao. GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Với trên 440.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chiếm 32% cả nước, đóng góp 54,7% quy mô nền kinh tế và 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, TP.HCM là điểm sáng về khởi nghiệp. Doanh nghiệp, doanh nhân là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số, nhất là cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số.
Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo sẽ là "từ khóa" của thành phố thời gian tới để theo kịp thời đại.
"Thường trực UBND thành phố đã giao Sở Kế hoạch và đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, trình UBND thành phố ban hành trước ngày 31-3-2021 như một cam kết mạnh mẽ của thành phố đối với doanh nghiệp, doanh nhân", ông Phong cho biết.
Đầu tư công nghệ là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp
Đồng tình với chủ trương của thành phố, đại diện các doanh nghiệp trẻ có nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể.
Bà Trần Phương Ngọc Thảo, giám đốc chuyển đổi số Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng ứng dụng chuyển đổi số trong điều hành, sản xuất kinh doanh có vai trò rất quan trọng, nên áp dụng trước hết ngay tại các công ty thành lập tại Việt Nam, có pháp nhân Việt Nam. Bà đánh giá các công ty Việt Nam hoàn toàn có thể lớn mạnh và vươn ra thế giới.
Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan (nhà khoa học về môi trường) cho rằng các cơ quan, ban ngành TP.HCM đã đề cập nhiều đến chính sách thu hút người tài, thu hút nguồn chất xám. "Trước hết cần thu hút những người đang học tập và làm việc Việt Nam. Chúng ta hiện không thiếu người tài", tiến sĩ Lan nói.
Ông Lại Đức Nhuận, tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ ATALINK, góp ý thành phố rất cần quy hoạch, triển khai kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị từng ngành hàng.
Bà Trương Lý Hoàng Phi - Ảnh: TỰ TRUNG
Bà Trương Lý Hoàng Phi, phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, khẳng định đầu tư công nghệ là nhu cầu rất cấp thiết hiện nay của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp. Thành phố cần có chiến lược dài hạn, chính sách thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Trong buổi đối thoại, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Hội Doanh nhân trẻ thành phố, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 4 cá nhân thuộc Hội Doanh nhân trẻ thành phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận