Tại phiên họp của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia vào chiều 10-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: "Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm và mục tiêu. Các cơ quan không chỉ lắng nghe phản ánh mà còn phải nói thật, làm thật, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả do chuyển đổi số mang lại theo tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau".
"Không để ai bị bỏ lại phía sau" là một thông điệp chính sách quan trọng cho thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây không chỉ là cam kết về công bằng xã hội mà còn là chiến lược toàn diện để phát triển kinh tế bền vững và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế.
Một trong những thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là khoảng cách số giữa các nhóm dân cư khác nhau.
Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM có mạng Internet tốc độ cao, nhưng các vùng nông thôn vẫn còn thiếu thốn về hạ tầng này. Giới trẻ và những người có trình độ học vấn dễ dàng tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới, nhưng người cao tuổi và ít học vấn gặp nhiều khó khăn.
Các doanh nghiệp lớn có khả năng đầu tư mạnh vào công nghệ số, nhưng các doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều trở ngại do thiếu vốn và kỹ năng. Tạo điều kiện để tất cả mọi người đều có cơ hội tiếp cận công nghệ, bao gồm cả việc hỗ trợ đặc biệt cho các nhóm yếu thế như người già, người khuyết tật, người dân vùng sâu, vùng xa, sẽ giúp nước ta bảo đảm công bằng xã hội tốt hơn trong thời đại số.
Khi tất cả các tầng lớp xã hội đều tham gia vào quá trình chuyển đổi số, nền kinh tế sẽ phát triển đồng đều hơn.
Điều này không chỉ làm tăng năng suất lao động mà còn mở rộng thị trường và cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi mọi người đều có cơ hội tiếp cận công nghệ sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp mới ra đời, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế.
Khi mọi người dân đều được trang bị kỹ năng số, quốc gia cũng sẽ có lực lượng lao động chất lượng cao và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Việc đảm bảo mọi người đều được tiếp cận và sử dụng công nghệ mới sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng bắt kịp các xu hướng công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế.
Để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số, cần phải có những phản ứng chính sách toàn diện và hiệu quả.
Trước tiên, cần đầu tư mở rộng hạ tầng mạng, đặc biệt ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa, giúp cho mọi người dân đều có thể truy cập Internet tốc độ cao. Quan trọng không kém là thúc đẩy triển khai mạng 5G để hỗ trợ các ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Thứ hai, cần tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ cho mọi đối tượng, đặc biệt là người cao tuổi và người khuyết tật. Phải xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các nhóm yếu thế, đảm bảo cho mọi người dân có thể tiếp cận thiết bị công nghệ và Internet với chi phí hợp lý.
Ngoài ra cần đưa các khóa học về công nghệ thông tin vào các cấp học để xây dựng nền tảng kỹ năng số vững chắc cho thế hệ trẻ.
Thứ ba, phải đảm bảo các dịch vụ công như y tế, giáo dục, hành chính công đều có thể được truy cập trực tuyến một cách dễ dàng.
Thứ tư, phải có các gói hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để áp dụng công nghệ số, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Thứ năm, cần tạo cơ hội cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng và triển khai các chính sách chuyển đổi số, khuyến khích sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Những phản ứng chính sách nói trên, như những viên gạch xây nên ngôi nhà chuyển đổi số, không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách số mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững cho tất cả mọi người và cho đất nước. Chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ mà còn là sự đồng lòng và sự tích cực tham gia của toàn xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận