Sáng 6-12, tại Cần Thơ, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị "Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của điều lệ giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Nam".
Tuổi Trẻ là tờ báo tiên phong mô hình tòa soạn hội tụ
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết những năm gần đây, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp báo chí, truyền thông.
Sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là sự ảnh hưởng của chuyển đổi số đã thay đổi tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo để tạo ra các tác phẩm báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện.
Thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như định hướng thông tin và định hướng dư luận.
"Cá nhân tôi nhớ lại thời gian khoảng năm 2010 và trước đó khi còn công tác ở TP.HCM, lúc đó báo Tuổi Trẻ là tờ báo đi tiên phong, cử cán bộ đi học mô hình của Tổ chức Sida (Thụy Điển), sau đó về đã xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ (superdesk).
Tôi nhớ các anh đi phải xin ý kiến cơ quan chủ quản, lúc đó đã hình thành những ý tưởng về sử dụng các công cụ, phương tiện hiện đại phục vụ cho sản xuất các tác phẩm báo chí và một nội dung sản xuất ra được nhiều sản phẩm.
Từ đó một sự kiện có thể tạo ra nhiều sản phẩm cùng lúc để tạo ra sức hấp dẫn cũng như sự lan tỏa của đơn vị báo chí. Mô hình đó rất mới, gặp nhiều trở ngại, song Tuổi Trẻ đã quyết thay đổi và làm được. Trong thời gian qua đã chứng minh và khẳng định đó là một trong những cách tiếp cận rất mới", ông Hiếu chia sẻ.
Theo ông Hiếu, việc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của điều lệ giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đây cũng là dịp nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm áp dụng chuyển đổi số, đảm bảo tác phẩm báo chí chất lượng cao gắn với mục tiêu tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững của khu vực phía Nam, trong đó có thành phố Cần Thơ.
Từ năm 2024, giải báo chí quốc gia có điểm gì mới?
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến tại hội nghị tổng kết 17 năm giải báo chí quốc gia và sơ kết triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao tổ chức năm 2023 tại Hòa Bình, Nghệ An và Tiền Giang, hội đồng giải báo chí quốc gia đã chỉnh sửa, hoàn thiện và ban hành điều lệ giải báo chí quốc gia sửa đổi.
Từ năm nay giải có nhiều điểm mới, đặc biệt là hai nhóm giải mới là giải báo chí đa phương tiện và giải báo chí sáng tạo.
Việc bổ sung này đã thể hiện sự chủ động bám sát quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển chung của báo chí truyền thông.
Trình bày tham luận chủ đề "Sáng tạo tác phẩm báo chí đa phương tiện chất lượng cao", nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết chủ đề này có hai từ khóa "sáng tạo" và "đa phương tiện".
Hai từ khóa trên đáp ứng yêu cầu của giới làm báo khi năm 2025 có hai giải báo chí quốc gia mới như nêu trên.
Theo nhà báo Lê Xuân Trung, báo chí đa phương tiện đang mở ra không gian sáng tạo vì khi nói tới báo chí đa phương tiện là nói tới tất cả các thể loại báo chí, các loại hình báo chí trên các nền tảng báo chí.
Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển rất nhanh, báo chí cũng phải phát triển để đảm bảo thu hút công chúng như mạng xã hội.
Do đó báo chí cũng phải sáng tạo như những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, bởi "nếu chúng ta không sáng tạo được nội dung báo chí thì chúng ta không thu hút được công chúng trên mạng xã hội".
Ông Trung cho rằng có thể đúc kết báo chí đa phương tiện chất lượng cao cần phát huy thế mạnh của "ba đa" và "ba truyền".
"Ba đa" gồm đa ngôn ngữ (không chỉ ngôn ngữ chữ viết, hình ảnh, đồ họa mà còn ngôn ngữ mới như audio, video, thậm chí là livestream), đa loại hình (báo in, báo mạng, báo nói, báo hình, thậm chí kết hợp các thể loại này với nhau), đa nền tảng (xuất bản trên giấy, trên mạng gồm web và app).
"Ba truyền" gồm không "truyền tải thông tin" như cách làm truyền thống nữa mà nội dung phải đủ sức trở thành "truyền tải thông điệp".
"Nếu truyền tải thông tin thì quá đơn giản, thông tin sẽ trôi đi nhưng thông điệp sẽ đọng lại. Và chính thông điệp là điều mà nhà báo khó khai thác hơn, khó phát triển hơn, khó phân tích hơn so với thông tin.
Và thứ ba là "truyền cảm hứng", làm sao cho công chúng tiếp nhận và hành động cùng với những thông điệp mà chúng ta muốn truyền đi cho công chúng.
Nếu họ xem, nghe xong mà trôi qua, không có cảm hứng, kích thích để cùng hành động thì chúng ta không thành công.
Chẳng hạn như vừa rồi cơn bão Yagi gây thiệt hại rất lớn cho đồng bào phía Bắc, một GS.TS ở TP.HCM mang sổ tiết kiệm đến báo Tuổi Trẻ chuyển 1 tỉ đồng ủng hộ đồng bào.
Chính điều đó đã gây cảm hứng rất rộng trong xã hội, tạo thành một luồng cảm hứng truyền đi cho công chúng mà trong vòng hơn một tháng báo Tuổi Trẻ đã nhận được đóng góp của nhà hảo tâm, đến nay là 25 tỉ đồng.
Nếu chúng ta phát huy thế mạnh "ba đa, ba truyền" thì có thể xem như chúng ta làm được tác phẩm báo chí đa phương tiện chất lượng cao, vì chất lượng cao đánh giá trên cơ sở hiệu quả xã hội", nhà báo Lê Xuân Trung phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận