22/11/2019 10:10 GMT+7

Chuyện đời sau tay lái - Kỳ 5: Vợ chồng cùng cầm lái

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - 13h45. Ở quán cà phê nhỏ mặt tiền đường Trương Công Định (quận Tân Bình, TP.HCM), một nhóm các tài xế đang tranh thủ ăn cơm. Trong đó có hai người là vợ chồng.

Chuyện đời sau tay lái - Kỳ 5: Vợ chồng cùng cầm lái - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Trương Tuấn Anh và Võ Thị Thắm cùng chuẩn bị đi giao hàng - Ảnh: MY LĂNG

Trưa nay giao hàng ở gần khu vực đường Trương Công Định nên vợ chồng anh Trương Tuấn Anh và chị Võ Thị Thắm hẹn nhau cùng ăn cơm ở quán cà phê quen thuộc này.

Hạnh phúc của vợ chồng cùng nghề

"Hai vợ chồng mình đều chạy GrabFood (dịch vụ giao thức ăn - PV). Việc này chủ yếu nhờ giờ cao điểm nên các tài xế đều cố gắng chạy. Sau giờ cao điểm là 13h30-14h thì tụi mình mới tranh thủ ăn được", chị Thắm cho hay.

Khá bất ngờ khi biết vợ chồng chị, một người quê Cà Mau, một quê Đồng Tháp, giờ thuê nhà ở Đức Hòa (Long An) và làm việc tại Sài Gòn. Ngày nào vợ chồng chị cũng sáng đi Sài Gòn, khuya về Long An.

Trước khi làm công việc này, anh Tuấn Anh là nhân viên cơ khí ở Long An, còn chị Thắm làm quản lý một công ty may.

"Hồi trước thu nhập của mình trên 10 triệu đồng một tháng. Ảnh cũng vậy. Nhưng nặng đầu lắm. Chạy cái này thu nhập ổn định và cao hơn mà mình lại được chủ động hơn về thời gian", chị Thắm bảo.

Chị Thắm mỉm cười bảo hồi đầu chị phản đối vì sợ anh suốt ngày chạy ngoài đường nguy hiểm. Hai năm trôi qua, càng ngày càng thấy áp lực trong công việc, chị xin nghỉ. Không có việc làm, chị xin đi theo anh. 

Lúc đầu anh không chịu vì thương vợ vất vả mưa gió, nắng nôi, bụi bặm. Chị vẫn nài nỉ đòi đi theo.

"Mình thấy công việc cũng cực, nhưng tự do và được đi đây đi đó, trải nghiệm nhiều tình huống mà ở công ty mình chưa từng gặp. Theo ảnh hai tháng thấy thích quá, mình quyết định theo anh luôn", chị Thắm cho hay.

Những ngày đầu mới chạy, không biết đường Sài Gòn, bản đồ coi chưa rành, mở ứng dụng lên có cuốc chị cứ chạy vòng vòng hoặc gọi cho anh "cầu cứu". Chạy gần hai tháng nay, chị không còn mấy bỡ ngỡ đường sá Sài Gòn nữa.

"Hồi mới chạy có lúc nản lắm - chị Thắm nói - Nhiều khi hơi chậm hơn so với tài cũ. Nản, tính bỏ nhưng nghĩ làm cái gì cũng có sự thử thách, mình phải cố gắng. Hồi mới làm chạy được có 13 - 14 cuốc, đạt mức 2 thôi. Bây giờ đều đều 18 - 20 cuốc một ngày".

Chị Thắm mỉm cười kể có khi hai vợ chồng vô tình gặp nhau trong quán, gặp nhau trên đường. Anh chạy bên kia, chị chạy bên này, giơ tay chào nhau. Giờ ăn trưa nếu xa quá thì mạnh ai nấy ăn. Nếu ở gần nhau thì đặt ứng dụng gọi đồ ăn về cùng ăn.

Từ khi cùng làm công việc này, hai vợ chồng chị làm gì cũng được làm chung với nhau.

"Tụi mình đồng hành với nhau trên mọi nẻo đường. Sáng làm đi cùng nhau. Tối về cũng về cùng nhau. Hai vợ chồng thủ thỉ chuyện nhà chuyện cửa, chuyện con chuyện cái, chuyện cha mẹ hai bên. Trên đường về kể cho nhau nghe những chuyện hôm nay gặp", chị rạng rỡ nói, đôi mắt ngập tràn hạnh phúc.

Anh ngồi bên cạnh mỉm cười nhìn vợ, bảo: "Từ hồi có vợ chạy cùng, mình thấy hạnh phúc hơn, ấm áp hơn hồi đi một mình".

Chuyện đời sau tay lái - Kỳ 5: Vợ chồng cùng cầm lái - Ảnh 2.

Vợ chồng tài xế Nguyễn Thu Linh và Phan Văn Chiến vui vẻ bên hai chiếc xe làm nghề - Ảnh: MY LĂNG

Luôn đồng hành cùng nhau

Trước khi cầm vôlăng, chị Nguyễn Thu Linh (33 tuổi, Hà Nội) từng là giáo viên mầm non rồi làm kinh doanh tự do.

"Khi chồng mình đi làm tài xế taxi và mình có em bé, không có thời gian dành cho con, nên mình phải nghỉ công việc yêu thích để chuyển sang kinh doanh tại chỗ. Dần dần mình chán cái cảnh cứ ngồi ở nhà bán hàng online, bó tay chân mình lại, cứ quanh quẩn ở nhà, không biết thế giới ngoài kia thế nào.

Đến tháng 11-2018, khi quyết định ra khỏi nhà và chạy GrabCar, đó là bước ngoặt của mình", nữ tài xế Thu Linh nói.

Chị Linh và chồng, anh Phan Văn Chiến, cùng là thành viên đội Thần Tốc. Chồng chị là đội phó đội Thần Tốc.

Hỏi lý do sao lại thích nghề này, chị Linh bảo: "Mình thấy chồng lái xe cùng anh em trong đội nhóm rất vui. Mình là người năng động, thích đi đây đó như các anh, được đi chỗ này chỗ khác, thử trải nghiệm nên thấy thích cái nghề này. Kinh doanh suốt ngày cắm mặt vào điện thoại, ngồi một chỗ thấy chán nên mình muốn thay đổi".

Ngay ngày đầu tiên đi làm về, chị bảo với chồng rằng mình đã hiểu anh đi làm vất vả như thế nào rồi. Vì ngay ngày đầu tiên, chị đã gặp khách hàng khó tính. "Nhưng khách không thể khó mãi với mình được. Mở cửa ra nhìn thấy khách là mình đã cười rồi. Ai nỡ cau có tiếp chứ", chị Linh mỉm cười bảo.

Thời gian đầu chị mới chạy, anh Chiến là "Google chỉ đường" của vợ.

Làm tài xế taxi 13 năm, nhiều kinh nghiệm, anh hướng dẫn vợ kinh nghiệm đi đường: chú ý những cung đường hay bị tắc, ở những tuyến đường nào cần phải chú ý những khung giờ để tránh bị tắc đường, vào giờ cao điểm nên chạy những khu vực nào, khu nào tắc quá thì có thể chọn cung đường xa hơn nhưng đi nhanh hơn và đỡ mệt...

Lúc đầu chị Linh chưa biết đường phố nhiều, anh Chiến thường xuyên gọi điện hỗ trợ vợ. Có những chuyến đi vào giờ cao điểm, tắc đường, anh gọi điện liên tục hướng dẫn vợ đi đường này đường kia.

Chưa rành đường nên chị đi chậm, không kịp đón con. Anh Chiến dặn vợ cứ tập trung lái xe cho an toàn, nhiệm vụ đón con cứ để cho anh.

"Hai vợ chồng là đồng nghiệp thì hỗ trợ nhau được nhiều lắm. Khi vợ chở khách đi xa, hoặc tắc đường thì chồng về nấu cơm, đón con. Chồng mà về muộn, công việc vất vả thì vợ trong nghề cũng hiểu, không thắc mắc hỏi sao về trễ. Tụi mình thông cảm, chia sẻ với nhau được nhiều hơn", chị Thu Linh nói.

Từ khi trở thành đồng nghiệp, vợ chồng chị Linh luôn rủ nhau cùng đi làm, trưa cùng nhau ăn cơm, luôn luôn đồng hành cùng nhau.

"Nhà mình ở khu vực trung tâm nên thuận lợi là ra khỏi cửa đã gặp khách rồi. Buổi sáng hai vợ chồng 5h dậy, 5h30 mở máy đi làm để tránh khung giờ tắc đường. Hai đứa cùng mở máy đua xem ai được mở hàng trước. Đứa nào được đi trước là vui lắm, đứa kia phải rửa bát, giặt quần áo, gấp quần áo", chị Thu Linh cười giòn tan, tâm sự.

"Làm nghề tài xế thực ra vất vả, căng thẳng nhưng mình không thấy cực mà thấy rất vui. Mỗi chuyến xe, mỗi khách hàng lại kể cho mình những chuyện khác nhau, mình có thêm kiến thức.

Chở khách như đi cùng người nhà, người bạn của mình vậy. Hôm nọ mình chở một gia đình trẻ, bạn nhỏ thích bài "Độ ta không độ nàng", mình mở lên và hát cùng bạn ấy. Mình dạy bạn ấy cách mở khẩu hình nữa. Bạn ấy thích lắm.

Bố mẹ bạn ấy bảo chả nhẽ giờ đổi điểm để hai cô cháu đi một vòng nữa vì thấy vui quá. Bạn nhỏ còn xin số điện thoại để nhờ mình dạy hát", chị Thu Linh nói.

_________________

Kỳ tới: Bác tài sos

Chuyện đời sau tay lái -  Kỳ 4: Chuyện đời sau tay lái - Kỳ 4: 'Chuyện nhỏ' mà các tài xế giờ mới kể

TTO - "Căng thẳng lắm. Năm phút lúc đó dài kinh khủng. Mình sốt ruột, không biết xe lúc nào mới đi được vì xe cộ cứ dồn lại một cục".


MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên