Thầy giáo Hoàng Long Trọng (bìa phải) cùng với học sinh khối lớp 9 Trường THCS Văn Lang giới thiệu về dự án “Chuyện đời quanh em”, đồng thời bán sách (là những truyện ngắn do học sinh viết sau khi tham gia dự án) tại Ngày hội giáo viên sáng tạo năm 2017 để gây quỹ từ thiện - Ảnh: NGUYỄN HẢI VINH |
“Tôi muốn hướng học sinh đến với cuộc đời thực, cảm nhận cuộc sống và chia sẻ yêu thương" |
“Trước đây em cứ nghĩ: học theo kiểu làm dự án chỉ có ở các trường lớn. Khi thầy Trọng công bố nội dung dự án, em rất bất ngờ và tò mò, nhiều bạn khác trong lớp em cũng vậy. Chúng em rủ nhau, và cuối cùng cả lớp cùng đăng ký tham gia dự án Chuyện đời quanh em” - Trần Ngọc Yến Khanh, học sinh lớp 9/4 Trường THCS Văn Lang, nói về lý do đến với dự án.
“Lớp chúng em chia ra thành nhiều nhóm, nhóm em có 13 bạn. Nhiệm vụ của các nhóm là tìm những mảnh đời khốn khó thông qua sách báo, người thân... rồi cùng nhau đi thực tế, gặp gỡ nhân vật, phỏng vấn, quay phim, viết truyện ngắn, nhật ký hành trình. Mới nghe qua cứ tưởng đơn giản, khi bắt tay vào việc rồi mới thấy gian nan...” - Lý Minh Trân, học sinh lớp 9/4, bày tỏ.
Những trải nghiệm có một không hai
Trân kể: “Nhóm 1 của em chọn nhân vật và đánh số ưu tiên 1, 2, 3... Tụi em đi bằng xe buýt, nên mới đầu xác định gặp nhân vật ở quận 1 cho gần. Nhưng đi lòng vòng hết quận 1 rồi sang quận 5 đều thất bại: nhân vật không có thật, hoặc gặp được nhưng nhân vật không đến mức khốn khó như thông tin ban đầu. Bữa đi thực tế đó tụi em rất nản, vì khi sang tới quận 5 là gần 11h trưa, trời nắng gắt, đứa nào cũng mệt, định bỏ về. Nhưng rồi cả nhóm nhìn nhau: chẳng lẽ mình bỏ cuộc?”.
Bàn một hồi, nhóm 1 thống nhất mở điện thoại ra xem bản đồ và tìm tuyến xe buýt để đi cầu Rạch Bàn, quận 7. Theo lời Minh Trân: “Cũng may khi cả nhóm xuống xe buýt, chỉ đi vài bước đã gặp được chú thương binh Lê Văn Đực bán vé số ở chân cầu Rạch Bàn - nhân vật mà cả nhóm cần gặp”.
“Tụi em đã đi qua quận 7 nhiều lần để tiếp xúc với chú Đực và vợ con của chú. Tấm gương của chú đã để lại trong nhóm em những bài học, mà nếu ngồi trong khuôn viên nhà trường sẽ không thể nào có được.
Chú Đực chỉ còn một chân, nhưng chú tự chạy xe đạp để đi bán vé số, chở con gái đi học... Những người khuyết tật thường tự ti nhưng chú Đực thì ngược lại, chú sống rất lạc quan và hóm hỉnh, thường xuyên chọc cười cả nhóm, khiến cho những giây phút phỏng vấn, quay phim luôn rộn rã, vui vẻ” - Yến Khanh tường thuật.
Minh Trân còn bổ sung: “Gia đình chú Đực sống dưới ghe, ghe đậu gần cầu Rạch Bàn. Trước giờ em không thể hình dung nổi cuộc sống của cả một gia đình lại gói ghém trên một chiếc ghe như thế. Nhóm chúng em đã xuống ghe, đứa nào cũng tròn xoe mắt ngạc nhiên. Nhất là những lúc nước lên, mình bước đi trên ghe còn khó, huống chi là ăn ngủ, học bài, sinh hoạt trên ghe. Điều dễ sợ hơn là mùi hôi của rác từ dạ cầu bốc qua.
Những lần sang thăm gia đình chú Đực, nhóm chúng em đều thấy cô chú dọn rác ở chân cầu để giảm bớt mùi hôi thối và ruồi muỗi. Nhưng khổ thay, rất nhiều người cứ vô tư đổ rác ngay chân cầu. Có đi thực tế mới thấy hối hận cho những hành động của bản thân, lâu lâu tiện tay em cũng xả rác ngoài đường. Có thể chỉ là một sự vô tình nhưng khiến cho nhiều người khác vất vả”.
Trong khi đó, nhóm 3 của lớp 9/4 đã quyết định đi Củ Chi khi nhận được sự giới thiệu của người quen về hoàn cảnh khó khăn của một gia đình: bà nuôi 4 người cháu, trong đó có người bị ảnh hưởng của chất độc da cam.
Học sinh Đặng Nguyễn Thúy Vi cho biết: “Chúng em không thể ngờ, ở ngay tại TP.HCM vẫn có những gia đình nghèo khó như thế. Nhà bà cụ không có gì đáng giá, trống huơ trống hoác, trời mưa thì cả 5 bà cháu phải chạy ra ngoài hiên để trú mưa, vì trong nhà chỗ nào cũng dột. Có lẽ tài sản đáng giá nhất là những tờ giấy khen của người cháu thứ hai, anh ấy năm nay đang học lớp 11. Nhà nghèo thế mà anh ấy học rất giỏi, thi đậu vào trường THPT nổi tiếng của Củ Chi”.
Nguyễn Trần Phương Nhi, thành viên nhóm 3, bộc bạch: “Nhờ dự án, tụi em trưởng thành hơn rất nhiều. Đi gặp những mảnh đời bất hạnh mới thấy mình may mắn hơn nhiều người, mới biết trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Sau khi đi Củ Chi lần 1 về, nhóm em vận động cha mẹ, ông bà, những người thân của mình để lấy tiền mua dụng cụ học tập tặng cho hai người cháu của bà cụ; mỗi thành viên trong nhóm cũng tiết kiệm tiền ăn sáng, bỏ ống heo để góp vào quỹ. Nếu không có dự án, tụi em đâu có nghĩ đến chuyện chia sẻ như vậy”.
Từ sợ văn thành thích văn
Theo thầy giáo Hoàng Long Trọng: “Chương trình văn tự sự ở bậc THCS đòi hỏi học sinh có khả năng kể những câu chuyện trong cuộc sống một cách hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nếu chỉ học trong bốn bức tường lớp học rồi đi thi, các em sẽ không có nhiều trải nghiệm. Tôi muốn hướng học sinh đến với cuộc đời thực, cảm nhận cuộc sống và chia sẻ yêu thương”.
Trước mỗi chuyến đi thực tế, các nhóm phải lên kế hoạch: đi bằng phương tiện gì, thời gian, địa điểm, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên trong nhóm... rồi gửi cho thầy giáo góp ý.
“Tôi duyệt kế hoạch nhưng không đi theo các em. Mỗi chuyến đi sẽ có một giáo viên của trường tình nguyện đi theo làm giám sát viên, chứ không cầm tay chỉ việc. Học sinh khối 8 tham gia dự án với tinh thần tập dượt, nhưng với khối 9 thì bắt buộc các em phải có sản phẩm để lấy điểm kiểm tra 15 phút và 1 tiết. Qua dự án, tôi rất bất ngờ về sự tự lập và trưởng thành của các em. Một số em viết văn rất tốt, mặc dù trước đó em học văn chỉ trung bình” - thầy Trọng nhận định.
Có lẽ vì thế mà Lý Minh Trân mong ước: “Trước đây em rất sợ môn văn, nhưng sau khi tham gia dự án, em thấy môn văn nhẹ nhàng và thú vị chứ không đáng sợ như trước. Không chỉ mình em mà hầu như tất cả các bạn trong lớp em đều ước: giá như môn nào cũng học theo dự án, để chúng em được va chạm với cuộc sống. Trong nhóm của em có bạn còn chưa bao giờ đi xe buýt, nên khi học theo dự án bạn nào cũng thích thú”.
Dự án mang lại cho học sinh nhiều kỹ năng tích cực “Thầy giáo Hoàng Long Trọng là một giáo viên dạy văn có “chất” của Trường THCS Văn Lang. Mặc dù mới về công tác tại Văn Lang gần 2 năm, dù Văn Lang là trường THCS khó khăn của quận, nhưng thầy Trọng đã chủ động, mạnh dạn đề xuất và thực hiện dự án “Chuyện đời quanh em” được phụ huynh ủng hộ, học sinh hứng khởi. Thầy là một trong những giáo viên tâm huyết và sáng tạo của trường. Dự án mang lại cho học sinh rất nhiều kỹ năng tích cực, đặc biệt là trái tim biết rung động và sẻ chia với những người xung quanh”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận