03/06/2011 08:55 GMT+7

Chuyện đời qua máy ATM

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA
ĐỖ THỊ HUỲNH HOA

TT - Những câu chuyện kể dưới đây cho thấy có nhiều cách để đối xử với một hành vi xấu. Khoan dung và tha thứ sẽ gieo nhân gặt quả tốt lành.

iaVG5n3g.jpgPhóng to

Chị Trần Thị Hoa khi nhận lại chiếc ví cùng tài sản bị mất - Ảnh: H.HoA

Thời gian ấy, tôi đang làm trưởng phòng giao dịch của Vietcombank tại Khu chế xuất Linh Trung 2 (Q.Thủ Đức, TP.HCM).

Buổi chiều đó, một khách hàng vào quầy giao dịch làm thủ tục định chuyển cho người thân số tiền 17 triệu đồng. Nhân viên ngân hàng kiểm tra thấy tài khoản chỉ còn mấy chục ngàn đồng nên trả lệnh lại cho khách, anh này cự: “Tôi mới ra máy ATM kiểm tra xong còn hơn 17 triệu mà chị nói gì vậy” và lấy ví ra, lúc đó mới phát hiện thẻ ATM bỏ quên ngoài máy. Anh chạy vội ra thì thẻ còn trên khe máy nhưng đã bị rút mất 17 triệu đồng.

Gương mặt cúi gằm

Điều 141 Bộ luật hình sự quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:

Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Những ngày đó, camera bị trục trặc, đang được sửa chữa, tuy vậy chúng tôi có cách để kiểm tra. Chỉ bằng vài biện pháp nghiệp vụ đơn giản, tôi đã xác định thủ phạm là anh T., nhân viên bảo vệ của công ty vệ sĩ mà ngân hàng chúng tôi thuê. Anh này thấy thẻ ATM của khách hàng vẫn còn trong máy và đang hiện dòng chữ “Bạn có muốn thực hiện giao dịch khác không?” nên bấm “có” rồi chuyển 17 triệu đồng sang tài khoản của mình.

Mỗi khi ra về, tôi thường nán lại trò chuyện và hỏi thăm gia cảnh từng bảo vệ nên biết anh T. nhà ở Đồng Tháp, nhà nhiều người nhưng ruộng ít, cày cuốc mãi không đủ sống nên để gia đình dưới quê, lặn lội lên đây làm bảo vệ, lương ít ỏi phải chừa ra một khoản gửi về quê cho vợ phụ nuôi con nhỏ. Số tiền 17 triệu đồng anh chiếm đoạt qua ATM đủ cấu thành tội phạm hình sự, nếu tôi báo công an, cuộc đời anh coi như tạm đóng lại, gia đình bị ảnh hưởng; còn báo cơ quan thì anh bị đuổi việc ngay.

Trong năm phút suy nghĩ, tôi bước ra gọi anh vào phòng, khép cửa lại và nhìn anh, anh cúi gằm mặt, xanh mét. Tôi nói với anh vì thấy tội cho anh và vợ con nên tôi xử lý bằng cách chuyển trả lại 17 triệu đồng cho khách hàng và câu chuyện chỉ có tôi và anh biết, khuyên anh đừng bao giờ làm những chuyện như vậy nữa.

Anh chỉ lí nhí cảm ơn, mắt đỏ lên và bước ra ngoài. Anh làm thêm một tuần và sau đó xin chuyển công tác.

Cầm tiền người khác làm chi!

Người phụ nữ, mãi sau này tôi mới biết tên là Trần Thị Hoa, đến máy ATM của chúng tôi rút tiền, lơ đễnh thế nào mà để quên cái ví trên bệ máy. Đến chỗ để xe, nhớ ra, chị vội vã quay vào thì cái ví đã biến mất. Trong ví có hơn 4 triệu đồng, một số thẻ, sim điện thoại, tổng trị giá hơn 6 triệu đồng, số tiền quá lớn đối với một công nhân may nên chị hoảng loạn, khóc lóc và nài nỉ những người xung quanh có cầm thì cho xin lại.

Chị nhớ có thấy một phụ nữ mặc áo hồng chen vào máy ATM nên nhờ bảo vệ can thiệp. Anh bảo vệ yêu cầu mọi người không được ra về và đề nghị người phụ nữ áo hồng mở cốp xe móc hết các túi ra để kiểm tra nhưng không có gì. Lúc đó đang duyệt chứng từ, nghe tiếng khóc la nên tôi bước ra xem.

Nghe báo cáo vụ việc, tôi yêu cầu anh bảo vệ xin lỗi chị áo hồng và bảo người mất ví (chị Hoa) để lại số điện thoại để tôi kiểm tra sau, vì nếu chị mất ví ở đâu đó thì khác nhưng đã đến khu vực do ngân hàng tôi quản lý thì tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình tìm cho chị.

Làm xong việc, tôi ở lại thêm mấy tiếng đồng hồ rà trên camera, dùng mọi biện pháp nghiệp vụ để dò nhưng giữa chừng thì đường truyền bị ngắt để kết số cuối ngày. Đến giờ nghỉ trưa hôm sau, tôi lại mò mẫm tiếp và xác định được người phụ nữ lấy ví là chị B., công nhân công ty F. Camera cho thấy chị này đang có thai với bụng khá lớn.

Lúc đó, nếu tôi báo cho công ty F thì có nguy cơ rất cao là chị B. - dù có bầu - cũng sẽ bị đuổi việc ngay. Mò mẫm tiếp một số giao dịch của chị B., tôi tìm thấy chị này có mối quan hệ với một anh công nhân làm công ty giày ở Khu công nghiệp Bình Chiểu gần đó. Tôi gọi cho người phụ trách nhân sự của công ty giày nhờ nhắn với anh này - chồng chị B. - rằng anh nói vợ đem cái ví ra ngân hàng nộp lại.

Hôm sau chồng chị B. và một người bạn đến ngân hàng yêu cầu cho xem camera nhưng tôi từ chối và khuyên nên nộp trả những gì không thuộc của mình trước khi sự việc đi xa hơn. Tôi nói vanh vách quê quán, hộ khẩu, số CMND hai người, lý do vì sao tôi không báo việc này cho công ty chỗ chị B. làm. Anh ngồi im một lát rồi xác nhận là vợ có cầm chiếc ví và xin gặp người chủ chiếc ví để nếu trả lời chính xác những gì trong ví, vợ chồng anh sẽ trả.

Chị Hoa có lẽ cầm chắc mất ví 100% nên không để lại số điện thoại liên lạc cho bảo vệ như tôi yêu cầu. Thẻ ATM chị sử dụng lại của ngân hàng khác. Muốn biết họ tên và tìm được chỗ chị làm việc, tôi phải vận dụng đủ mối quan hệ vì ngoài số thẻ ATM hiện trong nhật ký máy ATM, không còn bất kỳ thông tin gì khác. Cuối cùng tôi cũng tìm được chị. Chị ngỡ ngàng không tin ngân hàng đã tìm lại được tài sản giùm chị.

Từ lúc bắt đầu cho đến khi chị Hoa và chị B. gặp nhau ở phòng làm việc của tôi mất gần tám ngày do tôi phải giải quyết hết công việc hằng ngày cho khách hàng xong mới có thời gian lo tới chuyện mất ví. Chiều hôm đó chị B. tới trước rồi đến chị Hoa. Chị B. vẻ mệt mỏi với cái thai khá to, dáng dấp khắc khổ, hỏi cặn kẽ chị Hoa trong ví có gì.

Khi chị Hoa trả lời chính xác, chị B. mới từ từ kể: chị thấy cái ví trên bệ máy ATM nên bỏ vào túi và đi thẳng ra cổng. Về đến nhà, thấy tiền nhiều hơn cả tháng lương nên mừng quá. Chị tính dùng tiền đó mua sắm chuẩn bị cho đứa con sắp ra đời. Đến khi chồng về nói ngân hàng đã gọi cho công ty và biết rõ gốc tích của cả hai vợ chồng thì chị hoảng hồn không ngờ ngân hàng tìm được và tìm nhanh đến vậy.

Chị Hoa gửi lại chị B. 500.000 đồng nhưng chị B. không nhận. Chị nói: “Sao đi cầm cái ví chi để rồi hai vợ chồng mất ngủ mấy đêm, lo lắng ăn không ngon ngủ không yên, còn tốn tiền khao trong nhà, giờ như cất được gánh nặng nên không dám cầm gì không phải của mình nữa”.

Và còn rất nhiều câu chuyện nữa tương tự xung quanh chiếc thẻ ATM... Như chuyện cô công nhân rút mất 500.000 đồng trong chiếc thẻ để quên của anh Nhựt, bảo vệ Công ty Sepzone Linh Trung. Tôi nhờ phòng nhân sự nhắn cô qua gặp. Tôi chỉ nói ngắn gọn là qua camera, ngân hàng nắm rõ sự việc nhưng do số tiền đã được trả lại nên ngân hàng sẽ không báo công ty làm gì. Sau đó tôi tặng cô bé quyển lịch để mỗi lần cô thấy tờ lịch là nhớ đừng làm chuyện như vậy nữa.

Rồi chuyện một cô bé từ miền Bắc vào ở nhờ nhà người chị họ, được chị giúp đi làm nhưng đã lấy CMND và giả chữ ký người chị họ đến ngân hàng rút trộm 8 triệu đồng. Nhìn camera, người chị họ bật khóc khi nhận ra thủ phạm là em bà con của mình.

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên