12/12/2021 11:12 GMT+7

Chuyện đời ở những chung cư xưa cũ - Kỳ 2: 100 năm vọng người xưa ở góc chung cư cổ

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TTO - Ở chung cư Tôn Thất Đạm xưa cũ 3 thế kỷ hôm nay chỉ còn bà Ba Kia đã 98 tuổi là 'cố nhân' hiu hắt ở lại.

Chuyện đời ở những chung cư xưa cũ - Kỳ 2: 100 năm vọng người xưa ở góc chung cư cổ - Ảnh 1.

Cô Ba Kia bán cà phê vợt hơn 20 năm ở chung cư cổ xưa - Ảnh: LÊ VÂN chụp lại

Một đời bóng lẻ đợi chồng

Chuyện cô Ba Kia ở khu chung cư cổ nhất nhì Sài Gòn được bà con ở đây đồn thổi ly kỳ. Họ bảo ngày xưa ở chung cư này ai nhiều hột xoàn hơn cô Ba Kia thì "cứ chặt đầu tui đi".

Truyền kỳ về cô Ba Kia thường nghe là: Hồi đó bả đẹp lắm, nghiêng nước nghiêng thành, làm lẽ ông toàn quyền nào đó của chế độ cũ, lại đẻ được hai thằng con trai nên lướt mặt bà vợ lớn chỉ có cô con gái. Ai bằng bả đây? 

Họ còn truyền tai nhau ái mộ bởi cô Ba Kia thời ấy nổi tiếng đánh máy bằng chữ nhanh có bằng của người Pháp, nói tiếng Pháp như gió. 

Rồi sau năm 1975, cô Ba Kia bán cả biệt thự, bán hết những lon sữa Guigoz của Pháp mà cô có hột xoàn đầy nhóc nhà. Và cả chuyện cô Ba Kia bị chồng bỏ lại để đi định cư bên Pháp lâu rồi...

Câu chuyện đồn thổi ly kỳ ấy dần bị lãng quên, khi cô Ba Kia năm xưa thành bà Ba Kia chuyên bán cà phê vợt ở cổng chung cư Tôn Thất Đạm ngày càng già yếu. Khoảng hơn chục năm nay, bà chỉ còn nằm, ngồi một chỗ ở tuổi bóng xế. 

Nhưng trong câu chuyện của những cư dân sống hơn nửa thế kỷ ở chung cư này thì vẫn rôm rả khi nhắc về lịch sử khu chung cư cổ này.

Chuyện của bà Ba Kia xưa với nhiều lời đồn đại hư - thực cho đến khi tôi được gặp bà nay nhưng dễ mến, lịch thiệp đến bất ngờ ở cái tuổi gần 100.

Nhà bà Ba Kia là một trong số ít cư dân từ trước 1975 còn ở lại chung cư này. Căn hộ nằm sâu trong một ngách ở tầng 1, giữa những lối rẽ ngang dọc rộng mênh mông ở chung cư. Chiều muộn cuối tháng 11, 

Sài Gòn se lạnh những ngày cuối năm, lối vào nhà bà Ba Kia cũng vắng lạnh hắt hiu sau những xô bồ náo động của khu phố tài chính sầm uất ở Sài Gòn. Đã lâu rồi nhà bà chẳng có khách và hơn chục năm nay bà không còn bán cà phê vợt ở cổng chung cư nữa.

Trong căn hộ chừng gần 60m2 có một cái gác lửng chỉ để đựng đồ cũ. Dưới sàn là hai chiếc giường đơn kê sát nhau, ngay chính giữa nhà. Căn hộ vẫn giữ nguyên nét xưa cũ 130 năm, chỉ thay đổi chút ít do những lần gia cố lại. 

Nhà bà Ba Kia hôm nay chỉ còn ba người phụ nữ gồm con dâu bà năm nay đã hơn 70 tuổi, bà Ba Kia và một người giúp việc chăm sóc cả hai mẹ con bà suốt 14 năm nay là cô Đoàn Thị Ngọc Điệp cũng đã 66 tuổi.

Trái với lời đồn thổi bà Ba Kia giờ chỉ nằm một chỗ và lẫn nặng, khi tôi đến, bà Ba Kia vẫn rất minh mẫn, bà có thể ngồi được và nói chuyện bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. 

Cô Điệp khoe: "Bác sĩ đến thăm khám cho bà còn nói chuyện với bà bằng tiếng Pháp". Ngôi nhà có ba người phụ nữ vắng lặng lâu lâu có khách đến chơi bỗng rôm rả những câu chuyện xưa về bà Ba Kia, vốn nổi danh với tài đánh máy bằng tiếng Pháp, được người Pháp cấp bằng nhất nhì trong các cuộc thi đánh máy. 

Cũng từ ấy, cô Ba Kia gắn với cái tên "Cô Ba đánh máy". Bà trò chuyện bằng chất giọng nhỏ nhẹ, lịch thiệp một dạ hai thưa với cả người lớn lẫn người nhỏ tuổi hơn như những cô gái Sài Gòn con nhà gia giáo xưa kia mà tôi thường nghe trên những thước phim cũ. Người phụ nữ ấy trong mắt tôi vẫn giữ nét thanh lịch và tao nhã trong dáng người nhỏ nhắn ở tuổi gần 100.

Bà kể lại: "Xưa tôi con nhà nghèo, chỉ được mê học, tôi học Trường Gia Long rồi thi lấy bằng của người Pháp. 

Lớn lên làm nghề đánh máy cho các công ty Pháp. Rồi tôi được ông xã thương. Ổng tốt lắm, mua nhà phố cho tôi với con cái ở. Hai đứa con trai tôi ngày đó học trường Tây cũng nói tiếng Pháp tài lắm... Tôi thi tốc ký 300 chữ mà đánh máy có mấy phút thôi".

Những lời đồn về bà Ba Kia xưa có đầy lon "ghi gô" hột xoàn là có thật? Bà bảo: "Đâu có cô, hồi đó rẻ chỉ có ba chục ngàn là mua được hột xoàn à".

Chuyện đời ở những chung cư xưa cũ - Kỳ 2: 100 năm vọng người xưa ở góc chung cư cổ - Ảnh 2.

Bà Ba Kia (người đứng) thuở xuân thì

Một đời ba lần tiễn biệt người đi...

Những năm 1990, bà Ba Kia bắt đầu từ bỏ việc tìm đường ra nước ngoài. Khi bà tỉnh ra thì biệt thự, hột xoàn trong nhà tích cóp trước đó cũng chẳng còn một xu. Bà mang xô, chậu xuống góc cầu thang ngồi bán cà phê vợt từ 5h sáng mỗi ngày. Bà bán được hơn gần 20 năm rồi nghỉ vì tuổi già sức yếu.

Hàng xóm của bà còn có lời đồn hồi đó bà Ba Kia vốn rất đẹp lại giỏi nên được ông toàn quyền nào đó lấy làm lẽ. Bà ở tuổi gần 100 chỉ mỉm cười khi nghe lời kể ấy. 

Cô Điệp bảo: "Ôi, người ta đồn về bà ngoại đủ chuyện cô ơi. Chỉ đúng là bà đẹp và giỏi nên truân chuyên lắm thôi". Lời đồn làm lẽ rồi bị ông toàn quyền bỏ lại thực hư ra sao? Bà Ba Kia kể về người chồng đã lạc bốn bể, trùng dương xa cách từ năm bà chưa được 30 tuổi: 

"Hồi ổng đi, tôi còn trẻ, mới hai mấy tuổi à. Ông xã lớn hơn tôi có một tuổi. Ổng là Bộ trưởng Bộ Lao động trước 1975. Sau ổng đi cải tạo rồi về qua Pháp luôn, thi thoảng có gửi thơ về, rồi cũng gửi chút tiền cho con ăn học".

Cô Điệp lấy tập ảnh cũ thời bà Ba Kia còn con gái và mới cưới "ông bộ trưởng" ra xem lại. Đó là cô gái trẻ trong tà áo dài, mái tóc xoăn tân thời bồng bềnh. 

Trong ký ức của mình, bà Ba Kia luôn biết ơn người chồng xưa đã cưu mang bà thời trẻ, người cha tài ba và hào hoa của hai đứa con mà bà tự hào là rất giỏi tiếng Pháp, học trường Tây.

Thăng trầm của cô Ba Kia tiếp nối mãi đến những năm 1990. Hai con trai bà dù rất giỏi nhưng lại lần lượt qua đời khi chưa tới 30 tuổi. Bà có hai đứa cháu giờ cũng lưu lạc đâu không rõ, chỉ có một cô cháu gái hiện làm thông dịch ở Nhật, hằng tháng gửi tiền về trả lương cho cô Điệp. 

Trong cuốn sổ tay nho nhỏ từ những năm sau 1975 của bà Ba Kia, tôi tình cờ bắt gặp một bài thơ tình ai đó gửi mà bà cũng quên rồi. Khi nghe tôi đọc lại bài thơ, bà chỉ cười thật giòn. Cô Điệp bảo lâu rồi bà mới vui như thế. 

Bài thơ như tán tỉnh một người phụ nữ thật đẹp của ai đó si mê bà hồi xưa: "Đã bao lần anh định nói yêu em/ Vì ngại ngùng em quay đầu bước vội/ Để lại riêng anh một mình bối rối/ Trên đường về nói mãi tiếng yêu em...".

Bà Ba Kia kể hồi còn bán cà phê ở cầu thang chung cư, chồng bà có về Sài Gòn vài lần và đi ngang qua. Sau ông biên thư về có nói: "Anh thấy em vẫn mạnh khỏe, anh mừng. Nhưng không gặp chào được...". 

Bà giải thích thêm: "Chắc ảnh ngại, vì mấy chục năm rồi không gặp". Rồi những lá thư ăm ắp tình thương bà gửi cho ông. Bà nhờ bạn bè ở Pháp tìm ông mãi cho đến khi hay tin ông đã yên ổn cùng người vợ bên Pháp thì mới thôi, bà ở vậy nuôi hai con đến tuổi trưởng thành.

Đứa cháu gái và trai lưu lạc của bà Ba Kia cũng chưa hẹn ngày về. Cuối đời, bà chỉ mong ngày đoàn tụ, nhưng có lẽ ước mong ấy cũng trùng dương xa cách khi bà ngày một tàn hơi ở góc chung cư cổ xưa...

Cô Điệp, người Khánh Hòa, từng nuôi tôm thất bại nên vào làm nghề chăm bệnh ở bệnh viện rồi gặp bà Ba Kia nhiều năm nay. Cô thương bà nên về làm luôn.

Mỗi tháng cô lãnh 6 triệu đồng mà chăm sóc cả hai bà già yếu. "May có người ở nước ngoài hằng tháng vẫn gửi về cho bà chút tiền. Tui thì thương bà nên nhiều lần muốn về mà không về được. Nhưng năm tới đây chắc phải từ biệt hai bà vì ông xã tôi ở quê cũng đau cột sống nặng, tôi phải về chăm ổng".

--------------------

Đó là tòa nhà xưa mà nhiều bạn trẻ chẳng ngại leo bộ 10 tầng lầu để "check-in" hay tìm một góc "chill" hoài cổ giữa phố đi bộ sầm uất Nguyễn Huệ.

Kỳ tới: Nửa thế kỷ ở "chung cư kim cương"

Chuyện đời ở những chung cư xưa cũ - Kỳ 1: Chung cư 130 tuổi ở phố tài chính Sài Gòn Chuyện đời ở những chung cư xưa cũ - Kỳ 1: Chung cư 130 tuổi ở phố tài chính Sài Gòn

TTO - Sài Gòn có rất nhiều chung cư xưa cũ, thậm chí hơn cả trăm năm. Ở những nơi bạc màu thời gian ấy, lịch sử như dừng lại để vọng kể mãi chuyện nhà xưa, người cũ...

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên