Chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) - chợ nổi hiếm hoi còn sung túc ở ĐBSCL - Ảnh: C.Q
Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) vẫn duy trì hoạt động. Còn chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long), Phong Điền (Cần Thơ) và Cái Bè (Tiền Giang)… đã cho thấy giảm sức sống.
Trong khi chợ nổi cũng là điểm thu hút trong du lịch sông nước.
Câu hỏi đặt ra là môi trường sinh kế như vậy sẽ còn tồn tại trong bao lâu nữa? Người thương hồ khi lên bờ sẽ gặp những khó khăn gì? Liệu họ có thể được tái trang bị để chuyển ngành và tiếp tục cuộc sống?
Tôi cho rằng phải xây dựng một mô hình để duy trì và chuyển đổi hoạt động chợ nổi, hình thái kinh tế, văn hóa đặc biệt miền sông nước này.
Tham khảo những nghiên cứu các mô hình tại Thái Lan (hiện có bảy chợ nổi như Samuan Damnoak, Amphawa, Bangkok Noi…), Indonesia và Hong Kong, thấy rằng có thể áp dụng cho Việt Nam một mô hình sinh kế mới, linh hoạt hơn.
Ví dụ như việc thay đổi thời gian và không gian hoạt động, xây dựng thêm nhiều tiết mục và sản phẩm khác, kết hợp với việc mở rộng hoạt động du lịch liên kết với những vùng khác nhau trong mục đích du lịch chậm, đem đến nhiều trải nghiệm khác nhau trong khung hình văn hóa sông nước.
Đặc biệt, cần thí điểm một số bè di động để khách du lịch chuyển từ ghe sang bè dọc theo tuyến, qua đó đẩy mạnh các mô hình chợ thủ công, nếm thử nước trái cây, nông sản, đồ lưu niệm, quán ăn hay cà phê ngay trên chợ nổi.
Nếu liên kết được với những điểm khác dọc theo dòng Hàm Luông, Cổ Chiên hay với những phụ lưu trong hệ thống kênh rạch thì văn hóa thương hồ chợ nổi và các hoạt động du lịch trên sông sẽ hấp dẫn và thú vị hơn.
Thời gian hoạt động và không gian chợ nổi cần thiết kế lại. Giờ hoạt động dài hơn, có thể tìm thêm những không gian cù lao chưa được biết đến cũng như chưa được triển khai như Cù Lao Giêng (An Giang), Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có thể là câu trả lời cho bài toán sinh kế mới của đồng bằng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận