TTCT - Đẹp thế này sao lại phơi mặt ra nắng ra gió của cái nghề thể thao đầy khắc nghiệt? Đó là câu hỏi của không ít người dành cho Nguyễn Thị Ngọc Tâm thuở ngày xưa… VĐV điền kinh Nguyễn Thị Ngọc Tâm hướng dẫn học viên nhí khởi động tại CLB thể dục Bằng Tâm -NGỌC DƯƠNG Ngày xưa ấy là những năm giữa thập niên 1990. Hồi ấy, đội tuyển nhảy cao có ba nữ, hai nam. Cả ba nữ đều là dân Hải Phòng, cái xứ chẳng hiểu sao lại sản sinh ra những cô gái rất giỏi món nhảy cao. Đó là Vũ Mỹ Hạnh, ngôi sao thời SEA Games 1991, sau đó trở thành HLV. Sau Hạnh là Bùi Thị Nhung - vô địch châu Á, cùng Ngọc Tâm. Trong ba cô trò, Tâm nổi trội hơn cả về chiều cao lẫn nhan sắc, được gọi là “hoa khôi” làng điền kinh VN. Hai nhân vật nam của đội nhảy cao là chuyên gia Nga cùng chàng trai xứ dừa Nguyễn Duy Bằng. Nhân vật số một của lịch sử nhảy cao nam VN dễ gì bỏ qua cơ hội “nhất cự ly, nhì tốc độ” khi ngày ngày cùng ăn cùng tập với “hoa khôi”. Thế là họ trở thành một đôi thật đẹp trong làng thể thao Việt và cả hai đã chọn Sài thành làm nơi lập nghiệp. Ngọc Tâm và những học trò đặc biệt 15g ở sân vận động Quân khu 7 (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), một góc sân chộn rộn bởi những tiếng cười, tràng vỗ tay cổ vũ đầy phấn khích của nhóm gần 20 đứa trẻ mặc áo in dòng chữ “Lớp thể dục kích thích phát triển chiều cao Bằng Tâm”. Gây chú ý với chiều cao lêu khêu 1,74m, tóc tém cột một chùm kiểu đuôi gà, cô giáo Ngọc Tâm nổi bật trong chiếc áo giáo viên màu vàng của trung tâm thể dục mang tên vợ chồng cô. Đưa tay lau mồ hôi liên tục, hò hét đám học trò quậy tưng bừng nhưng nụ cười vẫn tươi rói trên gương mặt của Ngọc Tâm khi chỉnh sửa tư thế cho “đám con nhỏ”: “Con gập người qua đi. Đau không? Chân sai như thế này không xuất phát được đâu. Phải chân trước chân sau, gập người lại...”. Tiếng hô “xuất phát” vừa dứt, lập tức ba cô cậu mũm mĩm lao về phía trước. Đám trẻ hào hứng vỗ tay cổ động, có đứa nhao nhao: Cố lên béo phì! Cố lên béo phì! Những tràng cười giòn giã, hồn nhiên vang lên từ những cô bé cậu bé tròn um, đeo kính cận dày cộp. Chiều nay tại sân vận động Quân khu 7, Tâm đứng hai lớp. Lớp học chia theo nhóm tuổi, giới tính. “Học trò của mình rất nhiều bé béo phì, thừa cân hoặc chậm phát triển chiều cao. Nhiều bé đến đây rất lười tập, không thích vận động, chỉ nghĩ đến ăn. Trẻ con bây giờ học nhiều quá. Vì áp lực đó mà bố mẹ thấy học quan trọng hơn rèn luyện thể chất cho con” - Ngọc Tâm chia sẻ. Tiếp xúc hơn 2.000 học viên nhưng Tâm tự tin bảo cô nhớ được đặc điểm ngoại hình, cơ thể, nhớ mặt khoảng 1.800 bé dù không nhớ tên. Từ giã sự nghiệp thi đấu khi đang ở đỉnh cao, giờ đây một ngày của cựu vận động viên điền kinh người Hải Phòng luôn bận rộn với lịch dạy dày kín: bắt đầu lúc 6g sáng và kết thúc lúc 20g. Một ngày Tâm dạy 5 lớp, mỗi lớp gần 60 học viên, có 3 người trợ giảng. Cô chạy cả ba địa điểm: sân vận động Hoa Lư (Q.1), Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, sân vận động Quân khu 7 (Q.Phú Nhuận). Từ lớp học ban đầu ở sân vận động Hoa Lư với 60 học viên, 2 giáo viên đứng lớp là Duy Bằng - Ngọc Tâm, giờ đã có 3 điểm dạy học, tạo điều kiện cho 20 vận động viên đã từ giã sự nghiệp thi đấu đỉnh cao ổn định cuộc sống, với số lượng học viên ổn định khoảng 600 người. Nhiều phụ huynh biết đến lớp học kích thích phát triển chiều cao của vợ chồng Ngọc Tâm. Đã có hơn 2.000 lượt học viên đến với trung tâm của vợ chồng Ngọc Tâm. Hiện sân vận động Quân khu 7 có hơn 300 học viên, sân vận động Hoa Lư có gần 500 học viên. Ngày 1-6, cô liên kết với Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM mở phòng vận động và tiết chế cho cả người lớn và trẻ em. Nhưng để đạt được thành công đó là một hành trình không ít thử thách. Ngã rẽ cuộc đời Năm 2007, sau chuyến thi đấu Asiad không thành công, Ngọc Tâm nộp đơn xin nghỉ. Mùng 6 tháng giêng nghỉ, mùng 8 cô đã đi xe vào Sài Gòn. Tâm đi chỉ đơn giản để thử sức mình ở môi trường mới và một phần vì tiếng gọi tình yêu. Không còn là vận động viên, không còn trong khuôn khổ kỷ luật, được tự do tự lập... Tâm bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác. Sài Gòn được xem là miền đất hứa, nhưng không dễ để thành công nếu không tìm cho mình một hướng đi mới, phù hợp với thực tế. Đã vậy, theo lĩnh vực thể thao thì biết làm gì đây? Trước mắt phải kiếm sống để tồn tại. Cô dạy thể dục tại một trung tâm do người bạn mở. Công việc không phát triển, Tâm nghỉ, xin vào làm tại một trung tâm thể dục ở Q.5. Khi đó cô đang học ĐH Sư phạm thể dục thể thao. Không đủ thời gian vừa học vừa làm, Tâm một lần nữa quyết định nghỉ việc, dạy thể dục tại nhà cho người muốn giảm cân, những người bị đau cơ khớp. Sáng 5g dạy đến 6g về đi học, trưa dạy một tiếng rồi về học tiếp, đến tối dạy từ 19g-20g. Có lúc mệt quá, cô muốn dẹp hết cái nghiệp thể thao để đi theo nghề người mẫu khi mỗi buổi diễn được 1 triệu đồng. Nhớ lại, Tâm cười bảo may mà mình không bỏ cuộc giữa chừng... “Dạy kèm” thể dục được 6 năm, Ngọc Tâm bất ngờ mở lớp thể dục kích thích phát triển chiều cao. Tên lớp đánh quá trúng vào nhu cầu của phụ huynh. Ngã rẽ đến với Tâm khi cô được “nữ hoàng” dancesport Khánh Thi mời huấn luyện thể lực cho Mỹ An, Phan Hiển để tăng chiều cao. “Tôi nhận ra chiều cao hạn chế là vấn đề phổ biến của rất nhiều trẻ em VN. Bọn trẻ không được tập thể dục, bị béo phì, chiều cao phát triển chậm. Có lần sang Singapore tập huấn, thấy sân vận động có học sinh tập mỗi ngày, tôi thắc mắc sao lại có vận động viên nhỏ như vậy, hỏi ra mới biết các trường ở Singapore hằng tuần đều đưa học sinh đến sân vận động học thể dục”. Vợ chồng VĐV điền kinh Nguyễn Duy Bằng - Nguyễn Thị Ngọc Tâm cùng con gái theo dõi một giải đấu điền kinh trên sân Thống Nhất, TP.HCM -NGỌC DƯƠNG Cảm ơn đời, cảm ơn người... Anh Trịnh Công Phương (phó giám đốc Trung tâm TDTT Hoa Lư), người gắn bó với vợ chồng Ngọc Tâm - Duy Bằng nhiều năm nay, cho biết: “Tâm là người mạnh mẽ, kiên nhẫn và tự tin với những việc mình làm. Hồi đó, khi Tâm chia sẻ ý tưởng này, tôi ủng hộ ngay vì thấy nó hay, phù hợp với nhu cầu thực tế. Sân vận động Hoa Lư mùa hè này rất đông, có lớp hơn 100 em. Theo tôi biết, đây là mô hình đầu tiên ở TP.HCM”. Để có được chút thành công hôm nay, Tâm nhớ lại những ngày đầu: “Khoảng thời gian chuẩn bị việc mở lớp mọi thứ rất chật vật. Để tiết kiệm tối đa chi phí, chúng tôi tự thiết kế băngrôn, tự đi in, tự treo băngrôn, phát tờ rơi... Khi đó tôi mới sinh bé thứ nhất được một tháng, trưa chạy về cho con bú rồi đi phát tờ rơi giới thiệu với mọi người. Tôi được các anh chị ở sân Hoa Lư hỗ trợ rất nhiều, cho mượn dụng cụ tập, sân bãi lấy giá rất ưu đãi, khi lớp có học viên mới lấy tiền”. Lớp học khai giảng ngày 1-6-2013 với 60 bé, hai tháng sau có 200 em. Lúc đầu giáo viên chỉ có Ngọc Tâm và chồng, chị gái phụ điểm danh, thu học phí và một người bạn thời đại học phụ dạy. Một năm sau, Ngọc Tâm mở thêm trung tâm ở sân vận động Quân khu 7. Tâm nhận ra tập luyện mà không có dinh dưỡng thì chưa đủ. Cô chủ động tìm đối tác phối hợp. Sự liên kết với Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM là hướng đi mang tính chuyên nghiệp hơn. Lớp học có cả học viên người lớn, các bé, người đau khớp, xương, béo phì... Hiện trung tâm có gần 600 học viên ổn định nhưng Tâm vẫn đi tìm thêm học viên. Với cô, bây giờ làm không phải cho riêng mình nữa, đằng sau Tâm là 20 vận động viên giã từ sự nghiệp... Tâm bây giờ là mẹ của hai con gái. Vợ chồng Ngọc Tâm mua được căn hộ chung cư trên đường Bàu Cát (Q.Tân Bình) dù đang trả góp. Nhìn lại những ngày đầu vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, Tâm cười hiền: “Tôi may mắn vì trên đường đời đã gặp được nhiều người giúp đỡ. Tôi muốn cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi người bằng cách nỗ lực nhiều hơn, làm sao trung tâm của mình có thể giúp đỡ được thật nhiều vận động viên sau khi giải nghệ, bởi đời vận động viên thể thao đỉnh cao khắc nghiệt lắm…”.■ Chị Thiên Hương (42 tuổi, Q.11, TP.HCM), người đã theo các bài tập thể dục của Ngọc Tâm chín năm nay và hiện cả bốn mẹ con cùng “thọ giáo” cựu VĐV điền kinh này, nói: “Lúc mới sinh bé thứ hai tôi nặng 76kg. Trước đó tôi chưa bao giờ tập thể dục. Tôi không đến trung tâm vì thấy bài tập cho ai cũng giống nhau, sợ dễ nản, không theo đuổi lâu. Tâm biết liệu trình tập phải như thế nào để phù hợp với thể trạng, thể lực của mình. Sau một thời gian tập, tôi giảm từ 76kg còn 52kg mà không bị hốc hác, xanh xao. Tôi tin Tâm và cho cả ba con theo học tại lớp của Tâm”. Nhóm bài tập phát triển chiều cao trong giáo án do chính Ngọc Tâm soạn, được cô tổng hợp từ nhiều môn thể thao khác nhau và một số tài liệu nước ngoài. Các bé sẽ trải qua ba giai đoạn: giai đoạn đầu thích nghi với các dạng vận động khác nhau (đu xà, ném bóng, chạy, nhảy...), giai đoạn 2 thích nghi với các bài tập vận động có chu kỳ (gồm các bài giãn cơ, các bài tập để xương khớp chịu tải như bật, nhảy...), giai đoạn 3 là những bài tập nâng cao thể lực và củng cố, định hình cơ xương khớp thành một khung xương khỏe mạnh để có cơ thể khỏe mạnh và phát triển chiều cao. Xuyên suốt ba giai đoạn này là những bài tập bật, nhảy, chạy, giãn cơ nhưng khác nhau về cường độ vận động, độ khó, khối lượng bài tập và yêu cầu cao hơn về thể lực. Tags: Nguyễn Thị Ngọc TâmChuyện đời “hoa khôi”“hoa khôi” điền kinh đất Cảng
Bầu cử Mỹ: Trump ám chỉ có gian lận quy mô lớn ở Philadelphia DUY LINH 05/11/2024 Trên mạng xã hội Truth Social ngày 5-11, ông Trump tuyên bố "hiện có nhiều lời bàn tán về nạn gian lận quy mô lớn ở Philadelphia", nhưng không giải thích gì thêm.
Tin tức thế giới 6-11: Lính Triều Tiên và Ukraine đụng độ; Bộ trưởng quốc phòng Israel bị cách chức MINH KHÔI 06/11/2024 Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine xác nhận đã đụng độ lính Triều Tiên; Ấn Độ muốn dùng mưa nhân tạo để xử lý ô nhiễm không khí quá nặng.
Tin tức sáng 6-11: Giá USD 'chợ đen' tăng vọt; Lộ diện 'ngôi sao' tăng giá trên sàn chứng khoán TUỔI TRẺ ONLINE 06/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội thảo luận về các nhóm chính sách lớn sửa Luật Đầu tư công; 10 tháng đầu năm, thu bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế tăng gần 13% so với cùng kỳ; Việt Nam đạt kỷ lục 9 triệu tài khoản chứng khoán...
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.