Người dân tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đang lên liếp để chuyển đổi từ đất lúa sang đất trồng dừa - Ảnh: Mậu Trường
Các mô hình chuyển đổi này được đánh giá là hiệu quả, bền vững.
Cà Mau: Chuyển diện tích - nâng kỹ thuật
Ông Tiết Tiến Dũng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, cho biết trong thời gian vừa qua, trung tâm đã triển khai thực hiện rất nhiều mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả thiết thực như: mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, được triển khai vào năm 2016 -2017. Trong năm 2018 tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này.
Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết kế hoạch sản xuất năm 2017 vừa qua tỉnh giao chỉ tiêu xuống giống lúa - tôm trên 48.260ha, trong đó phấn đấu diện tích cho thu hoạch khoảng 35.000ha, chuyển đổi các giống lúa ngắn ngày có chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu lúa sạch, chất lượng cao quy mô khoảng 1.000ha.
Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai các mô hình nuôi vịt biển thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ Biofloc, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước, mô hình nuôi luân canh lúa - tôm, mô hình nuôi tôm sinh thái sử dụng chế phẩm sinh học… Đây là các mô hình đang được phát triển mang tính bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Các mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực như đã giúp nâng cao nhận thức của bà con nông dân, cung cấp các quy trình kỹ thuật tiên tiến, chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi mới cho người dân, nhằm đa dạng hóa vật nuôi và cây trồng trong tỉnh, đặc biệt là những giống thích ứng với biến đổi khí hậu", ông Dũng đánh giá.
Kiên Giang: Vì cái lợi lớn và lâu dài
Ông Đỗ Minh Nhựt - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, qua thực tiễn, có thể khẳng định mô hình luân canh lúa - tôm là mô hình tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt.
Theo ông Nhựt, dù cây lúa cần môi trường nước ngọt, con tôm cần nước mặn-lợ, nhưng khi luân canh 2 loại cây trồng - vật nuôi này lại không xảy ra xung đột.
Về mặt sinh học, chất thải hữu cơ của vụ tôm sẽ làm cho đất màu mỡ thêm. Ngược lại, gốc rạ từ vụ lúa sẽ tạo môi trường rong tải hữu cơ rất tốt cho con tôm. Tất nhiên, cả trồng lúa và nuôi tôm đều phải sử dụng chế phẩm vi sinh hữu cơ, không dùng hóa chất độc hại. Đây là cái lợi lớn và lâu dài nhất.
Ông Nhựt phân tích thêm, trước đây nông dân trong tỉnh chỉ tập trung trồng lúa năng suất trên dưới 3 tấn/ha, nhưng bây giờ đã chuyển sang mô hình lúa - tôm đạt từ 4-5 tấn/ha. Điều đáng nói ở đây là sản lượng lúa cao mà tỷ lệ rủi ro lại rất thấp. Cùng với đó, lợi nhuận cũng tăng gấp 2-3 lần so với độc canh cây lúa, vốn đầu tư ít, nông dân thu về hai nguồn lợi từ tôm và lúa.
Kiên Giang là tỉnh có diện tích nuôi tôm sú luân canh với trồng lúa khá lớn trong cả nước, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng U Minh Thượng là An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và hai huyện Hòn Đất, Kiên Lương của vùng Tứ giác Long Xuyên.
Năm 2018 này, diện tích luân canh lúa - tôm dự kiến sẽ tăng lên trên 90.000ha, năng suất tôm ước khoảng 53.000 tấn.
Sóc Trăng: Đa dạng để "bù" rủi ro
Đó là chia sẻ của ông Trương Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Đại Hải, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Theo ông Bình, trước đây, khi định hướng hay quy hoạch sản xuất nông nghiệp, thường dựa trên lợi thế sẵn có và không nhắc gì đến biến đổi khí hậu. Bây giờ hoàn toàn khác.
Từ nhận thức đó, trong vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, Đại Hải tập trung đầu tư hệ thống đê bao thủy lợi khép kín. Hệ thống cống bọng cũng được quan tâm. Nhờ vậy, khâu điều tiết nước ngăn mặn, giữ ngọt được đảm bảo quanh năm. Hơn 2.800ha sản xuất lúa lúc nào cũng cho năng suất cao, trong đó có trên 2.400ha làm được 3 vụ/năm mà không sợ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Vùng đất cao ráo được quy hoạch phát triển cây ăn trái. Đến nay đã được mở rộng lên con số trên 600ha. Ngoài một số cây truyền thống như nhãn, mận địa phương vận động nông dân trồng những loại cây trái thích ứng với biến đổi khí hậu gồm dừa, xoài và mãng cầu ta, bước đầu cho kết quả khả quan.
Bên cạnh thâm canh sản xuất lúa, trồng cây ăn trái, địa phương còn xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi heo thịt, gà thịt, gà đẻ và vịt thịt. Việc đa dạng sản xuất không chỉ tận dụng thời gian nông nhàn để tăng thu nhập mà còn "bù" rủi ro khi cây lúa bị thiệt hại do thời tiết hay giá cả bấp bênh.
Thu hoạch tôm bán cho thương lái ở xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) - Ảnh: K.NAM
Bến Tre: Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng dừa, trồng cỏ
Chỉ trong 2 năm 2016 và 2017, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 3.000ha diện tích đất nông nghiệp kém hiệu qua để trồng các loại cây thích ứng với sự biến đổi của khí hậu như trồng dừa, cỏ… bước đầu cho hiệu quả kinh tế hơn.
Hai năm trước, ông Năm Hậu 57 tuổi (huyện Giồng Trôm) trồng hơn 20 công lúa và bị mất trắng, đến rơm cho bò cũng không lấy được vì lúa bị nhiễm mặn nên sau đó ông chuyển hơn một nửa diện tích để lên liếp trồng dừa, phần còn lại ông trồng cỏ để nuôi đàn bò hơn 10 con.
"Dừa tuy chưa có thu hoạch nhưng tôi cũng trồng xen được một số loại rau màu nên cũng có đồng ra đồng vào. Quan trọng nhất là nhờ chuyển qua trồng cỏ nên đàn bò được đảm bảo đủ thức ăn quanh năm", ông Năm Hậu phấn khởi nói.
Những diện tích còn trồng lúa tại Bến Tre hầu hết cũng chuyển từ trồng 3 vụ sang trồng 2 vụ chắc ăn.
Theo lãnh đạo huyện Thạnh Phú, trong năm 2017 người dân đã chuyển từ trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây dừa, diện tích khoảng 300ha, trong giai đoạn cây dừa đang phát triển, người dân tận dụng đất này để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi con bò, dê.
Dự kiến đến năm 2020, tỉnh Bến Tre tiếp tục chuyển đổi 6.000ha đất trồng lúa 2 vụ hiệu quả thấp (do manh mún, đất gò cao, đất thường xuyên bị ảnh hưởng mặn vào mùa khô) sang những loại cây trồng, vật nuôi khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận