TTCT - Tuổi Trẻ Cuối Tuần tìm gặp admin của hai đơn vị phát hành để nghe họ kể về chuyện bán sách trong "thời social". Admin hay "ad" là tên gọi cũng như cách tự xưng của người điều hành các trang mạng xã hội. Tại nhiều công ty, vị trí này được giao cho bộ phận truyền thông phụ trách. Minh họa: MIKE ELLIS CHO PENGUIN "Chúng tôi cảm thấy mình cũng giống đầu bếp lắm"Tùy vào mỗi đơn vị phát hành sách mà các đầu việc sẽ có sự khác nhau, nhưng về cơ bản thì công việc của tôi là sáng tạo nội dung đa nền tảng với mục đích truyền thông cho sách. Quy trình làm việc cũng có nhiều, nhưng mọi con đường đều dẫn tới… đọc sách. Các admin sẽ "lăn lộn" với sách mới, nhặt ra những điểm hay và thú vị có thể khai thác nội dung được, biến chúng thành một content ngon miệng.Đôi khi chúng tôi cảm thấy mình cũng giống đầu bếp lắm. Bởi làm content cho sách cũng vẫn quay về câu chuyện căn bản: ai sẽ đọc nó và họ thích gì. Mỗi nền tảng mạng xã hội có nhóm đối tượng người dùng khác nhau, với sở thích khác nhau. Những người làm admin trước hết vẫn phải hiểu nền tảng, hiểu đối tượng theo dõi thương hiệu, từ đó "nấu" cho khán giả của mình những món ăn phù hợp, được bày biện đẹp đẽ theo thẩm mỹ của khán giả.Chính vì vậy, với mỗi kênh truyền thông, chúng tôi có một "menu" riêng. Với Facebook, các độc giả theo dõi trang có nhóm tuổi rất đa dạng, từ học sinh sinh viên đến các độc giả trung niên và lớn tuổi. Vì thế nội dung đăng tải trên kênh cần đa dạng, mới mẻ nhưng vẫn phải chỉn chu, đứng đắn và nghiêm túc. Với các kênh có nhóm đối tượng trẻ trung hơn như Instagram hay TikTok, nội dung sẽ có màu sắc cá tính, vui vẻ để phù hợp sở thích của các bạn trẻ.Một post về sách trên Instagram Nhã Nam. Ảnh chụp màn hìnhPhần lớn người dùng mạng xã hội sau một ngày làm việc mệt mỏi thường thích những nội dung vui vẻ và hài hước, hoặc nhẹ nhàng và tình cảm. Để có thể truyền thông sách thật hiệu quả, chúng tôi cũng thường đăng tải những nội dung liên quan đến sách theo cách nhẹ nhàng, giải trí và hài hước hoặc tâm sự gần gũi. Có rất nhiều bài đăng trong số đó đã lan truyền nhanh chóng chỉ trong vài tiếng đồng hồ.Nếu nói content là một loại thức ăn cho tinh thần thì chắc chắn là người xem cũng sẽ chán ngấy nếu phải "ăn" mãi một kiểu content. Vì thế nội dung được đăng trên một kênh truyền thông nhất thiết phải thật đa dạng, vừa đăng vừa đánh giá hiệu quả và đo lường phản ứng của người xem để có điều chỉnh ngay trong những bài đăng sau.Làm nội dung truyền thông sách cũng giống như bạn đang kể một câu chuyện, ở đó mỗi cuốn sách lại có một đời sống riêng thật đặc sắc: Hoàng Tử Bé tô màu ký ức một thời ấu thơ, Cây cam ngọt của tôi giúp bạn lắng nghe trái tim mình rung động, Nhà giả kim khơi dậy cảm hứng để kiếm tìm mục đích sống… Sách không tẻ nhạt nên truyền thông cho sách cũng phải muôn màu.Phạm Hoài Thu (Phòng truyền thông, Công ty văn hóa & truyền thông Nhã Nam) "Instagram cũng hên xui"Nhìn chung khi khai thác một cuốn sách, team truyền thông sẽ tập trung trước tiên vào nội dung, ý nghĩa, thông điệp của nó, sau đó mở rộng ra hoàn cảnh ra đời, tác giả, có được chuyển thể thành phim/kịch không... Bản thân tác giả cũng là một nguồn nội dung khá thú vị (ví dụ tác giả đăng lại bài viết hoặc chủ động chia sẻ phiên bản sách Việt Nam). Kể những câu chuyện đằng sau cuốn sách (chẳng hạn tác giả Kristin Hannah của Bốn Ngọn Gió viết sách trong thời đại Covid, nó cũng ảnh hưởng lên không khí câu chuyện đâu đó bạn đọc có thể cảm nhận được) cũng là một dạng content.Theo tôi, khó khăn nhất khi làm truyền thông sách là luôn phải cập nhật những nền tảng, xu hướng thật nhanh và "biến tấu" nội dung sách trên các nền tảng đó. Ngày càng nhiều người dùng TikTok, đa số ưa thông tin dưới định dạng ngắn, nhưng không có nghĩa là không còn ai đọc những bài dài. Là người sáng tạo nội dung, chúng tôi vừa phải cập nhật, vừa cân bằng các sản phẩm của mình.Chúng tôi thỉnh thoảng cũng có nội dung viral, thường là video ngắn Reels, nhờ đội ngũ thực hiện tận dụng thuật toán của Instagram và chịu khó quay dựng, chèn chữ sao cho khớp nhạc. Nhưng gì thì gì, nội dung cũng đóng vai trò quan trọng, mình xác định từ đầu nội dung muốn truyền tải là gì, có ích không (có xứng đáng để các bạn xem xong sẽ bấm "lưu"?). Tuy nhiên nhiều khi Instagram cũng hên xui lắm: một bài bình thường thì viral, còn bài mình chuẩn bị kỹ lưỡng công phu thì không được hiệu quả như vậy. Nhưng với người làm nghề, thế mới vui, chứ làm mà chắc thắng thì lại nhàm.Một buổi Greet&Meet của Huy Hoang Bookstore. Ảnh: Instagram Huy Hoang BookstoreBên cạnh các kênh online, chúng tôi cũng muốn kết nối với các độc giả qua các kênh offline như hội sách, ra mắt sách. Đây cũng là lý do để chúng tôi làm "Meet&Greet". "Meet&Greet" là những buổi gặp gỡ hằng tháng giữa các bạn yêu sách, theo từng chủ đề. Ban đầu là ba bạn, sau đó dần đông vui lên và có những buổi có tới 25 bạn tham gia.Tới nay, chúng tôi đã tổ chức 11 buổi Meet&Greet, trong đó có 1 buổi ở Đà Nẵng và mới đây là ở Huế. Chúng tôi vẫn hy vọng có thể gặp gỡ nhiều bạn đọc ở các tỉnh thành khác. Qua những buổi gặp gỡ này, lợi ích trực tiếp nhất là các bạn biết nhiều sách của công ty hơn, chúng tôi cũng được lắng nghe phản hồi (nếu có), xu hướng bạn đọc... Tôi cũng tin các bạn tham gia biết thêm nhiều sách hay ho của các đơn vị khác.Đỗ Kim Oanh (trưởng nhóm truyền thông Huy Hoang Bookstore) Người mua sách và mạng xã hộiTheo nghiên cứu "Vai trò của mạng xã hội trong việc mua sách: Bằng chứng thực nghiệm từ ngành xuất bản Việt Nam", người mua sách tìm đến các trang mạng xã hội của nhà sách hay công ty phát hành vì chúng giới thiệu sách mới (33,2%), tác giả mới (29,4%) và giúp họ đưa ra quyết định mua cuốn sách nào (26,5%).81,2% người được hỏi cho biết thông tin chủ yếu họ muốn tìm khi vào trang mạng xã hội của các nhà xuất bản và nhà phân phối là nội dung do người dùng tạo ra, chẳng hạn bài điểm sách hay bình luận dưới các bài đăng. Lý do là vì các nội dung này có độ tin cậy cao hơn thông tin do nhà xuất bản tự đưa ra.Các thông tin được tìm kiếm khác là chương trình khuyến mãi (68,4%), sách mới (51,1%) và hội chợ sách hoặc sự kiện (50,2%).Đa số những người được hỏi cho biết mạng xã hội đóng vai trò quan trọng nhất trong giai đoạn sau khi mua vì họ có thể so sánh ý kiến, độ hài lòng và trải nghiệm về các quyển sách đã mua với người khác.Nghiên cứu của nhóm tác giả do PGS.TS Nguyễn Hoàng Việt (Trường đại học Thương mại) dẫn đầu đăng trên Publishing Research Quarterly tháng 8-2019, khảo sát 313 người là khách hàng của bốn nhà sách lớn, đồng thời có tham khảo trang mạng xã hội của các nhà xuất bản và nhà sách trước khi quyết định có mua sách hay không.Vào thời điểm xuất bản, nhóm nghiên cứu cho biết đây có thể là công trình đầu tiên xem xét vai trò của mạng xã hội với ngành xuất bản sách ở Việt Nam.Dù mẫu không lớn, đây là một trong những nghiên cứu hiếm hoi về vai trò của mạng xã hội và ngành xuất bản sách như tăng cường nội dung do người dùng tạo - điều này cũng được áp dụng trong thực tế khi các đơn vị phát hành tích cực đăng lại review của độc giả hoặc các bookstagrammer, booktuber và booktoker (người làm nội dung sách trên Instagram, YouTube và TikTok). Tags: Bán sách trên mạngMạng xã hộiTrang mạng xã hộiPhát hành sáchSáchBán sáchTiktokInstagram
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.