TS Choi Young Suk trong một buổi tập huấn cho giáo viên Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội) về cách can thiệp cho trẻ khiếm thính bằng âm nhạc qua chiếc kèn ocarina...
Nếu ví nghề làm thầy như người "chở đò" đưa học sinh sang sông thì "chuyến đò" đặc biệt của ông bà Kwon ở Việt Nam đã kéo dài 10 năm (từ năm 2009) và vẫn đang tiếp diễn.
Khi ngôn ngữ cất lên từ trái tim
* Chọn Việt Nam để bắt đầu một hành trình mới với nhiều khó khăn khi sự nghiệp ở Hàn Quốc đang tốt đẹp, ông bà có phải suy tính nhiều không?
- Ông Kwon Jang Soo: Đó là một công việc có ý nghĩa, giúp đỡ những đứa trẻ thiệt thòi. Có người cho rằng chúng tôi không bình thường, nhưng chúng tôi hiểu điều chúng tôi muốn làm. Tôi chỉ suy nghĩ một chút thôi, rồi quyết định luôn. Dĩ nhiên việc giải quyết chuyển nhượng một khối tài sản lớn đang kinh doanh khá phức tạp, phải xử lý một thời gian. Xong việc đó, chúng tôi bay sang Việt Nam ngay.
- Bà Choi Young Suk: Năm 2007-2008, tôi có đến Lâm Đồng, kết nối để mời đại diện Sở GD-ĐT Lâm Đồng và hiệu trưởng trường khiếm thính và Trường thiểu năng Hoa Phong Lan ở Đà Lạt đến làm việc với lãnh đạo ngành giáo dục của thành phố Busan và Đại học Daegu - một trung tâm quan trọng nhất về giáo dục đặc biệt ở Hàn Quốc.
Sau sự kiện đó, tôi bàn với chồng nghỉ hưu sớm, dùng thời gian còn lại sang Việt Nam. Chúng tôi lên kế hoạch để sang Việt Nam vào năm 2009.
* Những ngày đầu ông bà mới sang Việt Nam thế nào?
- Bà Choi Young Suk: Chúng tôi dùng tiền nghỉ hưu mua giáo trình, giáo cụ, đóng thùng chuyển sang Lâm Đồng. Trường khiếm thính không đủ chỗ chứa đồ dùng học tập, phải thuê nhà để đồ. Tôi bắt đầu làm quen với môi trường mới.
Điều kiện dạy học cho trẻ khiếm thính ở Lâm Đồng còn rất khó khăn so với Hàn Quốc, đặc biệt là suy nghĩ trong việc chăm sóc, dạy trẻ khuyết tật. Mọi thứ phải dần dần, nhưng tôi luôn nghĩ phải làm mọi việc để có một sự thay đổi nào đó ở đây.
Tôi múa hát, trò chuyện với trẻ bằng mọi ngôn ngữ có thể như nhảy múa, vẽ, giao tiếp bằng tay, chơi game. Tôi dạy trẻ làm xà bông, làm trà, làm cây hoa. Tôi ghi lại hình ảnh hoạt động của bọn trẻ để cho chúng xem lại, đi dã ngoại... Tất cả để tìm sự gần gũi, để tạo cho trẻ phản ứng với ngôn ngữ.
Trường khiếm thính ở Lâm Đồng từng có những sản phẩm đặc biệt do bọn trẻ được hướng dẫn làm. Tôi mang những sản phẩm đó đi chào bán cho bạn bè, doanh nghiệp người Hàn. Những sản phẩm ấy bán chẳng đáng bao nhiêu tiền, nhưng điều quan trọng ở đây là bọn trẻ thấy mình có ích.
- Ông Kwon Jang Soo: Làm tình nguyện viên, giúp đỡ người khác không phải việc dễ. Tôi không có chuyên môn như vợ nên càng khó. Tôi phải đọc sách, quan sát hoạt động dạy học với trẻ khiếm thính để có thể hỗ trợ cô ấy.
Thời gian mới sang Việt Nam, không biết tiếng Việt, tôi đã dành 8 giờ/ngày để học, bây giờ tiếng Việt cũng kha khá. Vợ tôi cũng nghe nói được tiếng Việt, nhưng nhiều khi tôi vẫn phải phiên dịch.
Chồng bà Choi Young Suk - ông Kwon Jang Soo - luôn bên vợ trong mọi công việc giúp đỡ trẻ khiếm thính ở Việt Nam - Ảnh: CHU HÀ LINH
* Vậy bây giờ, sau 10 năm, "chuyến đò" của ông bà như thế nào?
- Bà Choi Young Suk: Chúng tôi cùng những tình nguyện viên ở Hàn Quốc đã hoàn thành được công trình Trung tâm giáo dục đặc biệt với trên 20 tỉ đồng, bao gồm tiền xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và kinh phí mời chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc đến dạy và tập huấn cho giáo viên Việt Nam.
Hiện trung tâm có 10 giáo viên cơ hữu đã được các chuyên gia tập huấn về giáo dục đặc biệt. Kinh phí là tiền tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc, nhưng việc các chuyên gia nhận lời sang Việt Nam là do thiện chí của họ với chúng tôi.
Hiện chúng tôi đã bàn giao trung tâm này cho Sở GD-ĐT Lâm Đồng quản lý. Chúng tôi cần sự chung tay của nhiều người mới giúp đỡ được nhiều trẻ em thiệt thòi.
Hãy là người mẹ
* Phương pháp bà dùng để can thiệp cho trẻ khiếm thính là gì?
- Bà Choi Young Suk: Rất đơn giản, đó là cho trẻ được hòa nhập với cuộc sống, để bọn trẻ được làm cùng nhau, làm cùng chúng ta mọi việc. Đừng nghĩ những đứa trẻ khiếm thính đó không thể nghe được ta nói gì, mà hãy nói chuyện, giao tiếp với chúng thật nhiều. Nói một lần không nghe được thì 10 lần, 20 lần, 100 lần, 1.000 lần.
Người có thể làm tốt nhất việc này không phải giáo viên đâu, mà là những người mẹ. Chỉ có mẹ mới ở bên trẻ nhiều nhất, mới kiên nhẫn. Vì thế, trong quá trình can thiệp cho trẻ, tôi chú tâm vào hướng dẫn những người mẹ.
Hãy hứa đến Việt Nam một lần trong đời
* Ông bà mang âm nhạc đến cho trẻ khiếm thính, thoạt nghe nhiều người sẽ cho rằng đó là chuyện khôi hài. Hoặc có thể ai đó chỉ nghĩ đó là hành động nhân văn, an ủi những đứa trẻ thiệt thòi...
- Bà Choi Young Suk: Năm 1988, khi tôi nói tôi có thể can thiệp để những đứa trẻ dưới 3 tuổi bị khiếm thính bẩm sinh có thể nghe nói được, nhiều người không tin. Cả những người là giáo sư trong chuyên ngành giáo dục đặc biệt cũng không tin.
Có người cho rằng tôi không bình thường khi thấy tôi có ý định cho trẻ khiếm thính tiếp cận với âm nhạc. Nhưng tôi đã làm được, và bây giờ ở Hàn Quốc việc can thiệp để trẻ dưới 3 tuổi có thể nghe nói được đã trở thành bình thường.
Tôi có thể khẳng định một đứa trẻ dưới 3 tuổi được can thiệp đúng cách có thể nghe nói được. Tỉ lệ thành công này là 80%
* Ở Việt Nam 10 năm, ông bà có cho rằng những đứa trẻ khiếm thính ở đây có thể hỗ trợ để trở nên bình thường được không?
- Bà Choi Young Suk: Điều kiện ở đây không được như Hàn Quốc, nhưng tôi nghĩ là làm được. Chúng tôi tập huấn cho giáo viên và cho cả những người mẹ. Khó khăn lại chính ở quan niệm của người lớn khi không tin trẻ có thể phục hồi.
Ở Việt Nam, bố mẹ có con khuyết tật chưa dành nhiều thời gian cho con. Trẻ đến trường thì giáo viên chưa có phương pháp can thiệp đúng, nhiều giáo viên không được đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Đó là những điều cần phải thay đổi.
- Ông Kwon Jang Soo: Nếu can thiệp đúng cách, 15 tuổi những trẻ khiếm thính - dù chưa thể hoàn toàn như bình thường - nhưng cũng có thể tự lập được. Nhưng nếu bỏ mặc, nghĩ rằng khuyết tật thì vô phương cứu chữa, những đứa trẻ lớn lên, 30-40 tuổi vẫn cần sự chăm sóc của người khác và trở thành gánh nặng cho các gia đình, cho xã hội.
* Ông bà đã mời được nhiều chuyên gia giúp sức suốt thời gian ở Việt Nam, bằng cách nào ông bà thuyết phục được họ đồng hành với mình?
- Bà Choi Young Suk: Trước khi sang Việt Nam, tôi có đến gặp nhiều trí thức, doanh nhân ở Hàn Quốc, mang theo một quyển sổ to. Trong quyển sổ đó có lời đề nghị đặc biệt: Hãy hứa một lần trong cuộc đời bạn đến Việt Nam và giúp trẻ khuyết tật ở đó. Nhiều người đã ký vào đó và họ giữ lời hứa với chúng tôi.
* Ông bà từ Lâm Đồng ra Hà Nội để tiếp tục một dự án mới cho trẻ khiếm thính?
- Bà Choi Young Suk: Chúng tôi đến Trường phổ thông Xã Đàn ở Hà Nội, nơi đang dạy trẻ khiếm thính. So với nhiều nơi chúng tôi đã đến, điều kiện dạy học, sự quan tâm của các giáo viên với trẻ khiếm thính ở đây tốt hơn.
Thầy Hoan (thầy Phạm Văn Hoan, hiệu trưởng) là người có năng lực, tâm huyết. Điều đó khiến chúng tôi tin tưởng và muốn hỗ trợ để Xã Đàn trở thành một trung tâm mẫu về việc dạy trẻ khiếm thính, như cách chúng tôi đã làm.
Qua Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, tôi được biết có một cặp vợ chồng người Hàn Quốc đến Lâm Đồng dạy nhạc cho trẻ khiếm thính. Với mong muốn học hỏi để có thể giúp những đứa trẻ ở Trường PTCS Xã Đàn, tôi đã vào Lâm Đồng tìm gặp họ.
Khi nghe tôi kể về Trường Xã Đàn, TS Choi Young Suk đã ôm tôi khóc. Họ nhận lời thu xếp thời gian ra Hà Nội.
TS Choi Young Suk là người yêu trẻ, hết lòng vì những đứa trẻ thiệt thòi nhưng lại rất nghiêm khắc trong việc tập huấn cho giáo viên. Còn ấn tượng của tôi về ông Kwon Jang Soo cũng đặc biệt. Ông ở bên, hỗ trợ vợ mọi việc và họ cực kỳ hiểu nhau. Chỉ một ánh mắt, một cử chỉ của bà trong lúc đang dạy cho trẻ hay tập huấn cho giáo viên là ông biết phải đưa cho bà nhạc cụ gì, chỉnh nhạc như thế nào...
Thầy giáo Phạm Văn Hoan (hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận