24/04/2014 08:14 GMT+7

Chuyến đi "trấn an" của ông Obama

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hạ cánh xuống Tokyo ngày 23-4, chính thức bắt đầu chuyến thăm dài cả tuần tới châu Á của ông.

NIea4LuQ.jpg
Tổng thống Barack Obama (bìa phải) được đại sứ Mỹ Caroline Kennedy (giữa) cùng các quan chức tiếp đón tại sân bay quốc tế Haneda ở Tokyo ngày hôm qua - Ảnh: Reuters

Nhưng trong chuyến thăm châu Á lần thứ năm này của ông Obama, những nghi ngờ về cam kết thật sự của Washington về chiến lược tái cân bằng vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Sau bốn năm tuyên bố về chiến lược lớn này, Nhà Trắng liên tiếp gặp những chỉ trích và nghi ngờ về chiến lược từ cả những đồng minh của mình tại khu vực cũng như ngay tại Washington. Nói như Philip Ewing của tờ Politico thì chính quyền Mỹ “thích nói về chuyện tập trung vào châu Á nhưng hành động thì không đi liền theo”.

Đại tướng Herbert Carlisle, tư lệnh không quân khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong một bài phỏng vấn với trang web của không quân Mỹ mới đây thừa nhận nguồn lực Mỹ đầu tư vào châu Á đã không song hành với các tuyên bố về tái cân bằng. Hai lý do mà ông đưa ra là tình hình ở Trung Đông còn nhiều bất ổn và việc cắt giảm ngân sách của Chính phủ Mỹ.

Bởi lý do này, chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới Nhật, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines được coi chủ yếu để trấn an đồng minh hơn là công bố các chính sách lớn mới. Lịch trình chuyến thăm tới hai nước Đông Nam Á thực tế chỉ là thực hiện lại chuyến đi bị hủy hồi tháng 10 năm ngoái do chuyện Chính phủ Mỹ đóng cửa.

Robert Hathaway, giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, nhận định: “Có những lo ngại về việc Mỹ đang bị phân tâm ở các nơi khác, dù đó là Trung Đông, Ukraine, Iran hay các vấn đề đối nội. Những người bạn ở châu Á đang tự hỏi liệu chúng ta có cam kết với tái cân bằng hay không”.

Tuy vậy, các quan chức Mỹ vẫn bác bỏ ý kiến cho rằng chiến lược tái cân bằng đang dang dở. Washington khẳng định tái cân bằng vẫn hiệu quả, kể cả khi thu nhỏ quân đội lại. Theo giải thích của Bộ Quốc phòng Mỹ thì dù quân Mỹ có thể giảm đi, hỏa lực của đồng minh Mỹ tại khu vực sẽ vẫn tương đương hoặc tăng thêm.

Với vấn đề “phân tâm”, Washington nói việc chuyến đi của ông Obama diễn ra ngay sau chuyến đi của Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel cho thấy các lãnh đạo cấp cao ở Washington rất quan tâm đến khu vực.

Nhưng những lo lắng không phải không có cơ sở khi mới tuần trước, Bộ trưởng quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak tuyên bố rằng với tình hình khủng hoảng Ukraine, giờ là lúc Mỹ nên “chuyển trục lại” về châu Âu.

Nhà báo Gideon Rachman của Financial Times cũng thừa nhận một cường quốc đã bớt mạnh mẽ như Nga vẫn gây khó khăn cho nước Mỹ là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng suy giảm của Washington. Theo nhà báo Rachman, nỗ lực và thái độ hiện tại của Mỹ ở khu vực chưa đủ để trấn an các đồng minh về sự vươn lên của Trung Quốc.

Douglas Paal, giám đốc chương trình châu Á tại quỹ Carnegie, thừa nhận: “Các nước trong khu vực rất lo sợ sau quyết định về Syria năm ngoái”. Rất nhiều người đã phê phán tổng thống Mỹ sau khi vạch “làn ranh đỏ”, tuyên bố chuẩn bị tấn công Syria để rồi rút lại quyết định ngay phút chót.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên