Đây là chuyến thăm thứ 18 của ông Blinken tới khu vực châu Á kể từ khi ông nhậm chức ngoại trưởng cách đây hơn ba năm.
Đây được xem là chuyến thăm dài nhất của ông Blinken tại châu Á khi dự kiến kéo dài 10 ngày với lịch trình dày đặc ở Lào, Việt Nam, Nhật Bản, Philippines, Singapore và Mông Cổ.
Thông điệp của Washington
Lo ngại hiện đang tăng lên ở khu vực châu Á, đặc biệt ở các quốc gia Đông Nam Á, về tương lai chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ như thế nào nếu ông Donald Trump đắc cử sau cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11 năm nay.
Do đó, chuyến công du châu Á của ông Blinken có ý nghĩa quan trọng để chứng tỏ rằng bối cảnh chính trị đang thay đổi ở Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến quỹ đạo chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực, ít nhất là khi ông Biden vẫn còn là tổng thống.
Báo chí Trung Quốc gọi chuyến công du của ông Blinken là "chuyến đi chia tay" châu Á của chính quyền ông Biden để trấn an các đồng minh lớn của mình trong khu vực, khi chính quyền hiện tại bước vào "thời kỳ vịt què" (tức giai đoạn sắp mãn nhiệm).
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định đang thúc đẩy mối quan hệ của họ với các quốc gia khu vực lên một tầm cao mới.
Trong cuộc họp báo về chuyến đi của ông Blinken, Trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho biết: "Tôi chưa bao giờ thấy nhu cầu mạnh mẽ hơn đối với sự tham gia của Mỹ trong khu vực".
"Chúng tôi đang làm sâu sắc thêm các mối quan hệ song phương, chúng tôi đang mở rộng các mối quan hệ đồng minh và đối tác vốn đã đạt đến những tầm cao chưa từng thấy và chúng tôi đang tạo ra một mạng lưới các mối quan hệ hợp tác cùng củng cố lẫn nhau", ông Kritenbrink nói thêm.
Ngoại trưởng Blinken đã đến thủ đô Vientiane của Lào vào sáng 27-7 để tham dự chuỗi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - nơi quy tụ ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN và các cường quốc khu vực như Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Tối cùng ngày 27-7, ông Blinken đến gặp Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Việc hai nhà lãnh đạo Việt Nam sẵn lòng gặp mặt ông Blinken vào buổi tối ngoài giờ làm việc được coi là điểm đặc biệt mang tính trọng thị giữa hai quốc gia đối tác chiến lược toàn diện.
Củng cố quan hệ với các đồng minh
Ngày 28-7, Ngoại trưởng Blinken đã đến Nhật Bản. Tại Tokyo, ông Blinken sẽ cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tham gia các cuộc đàm phán chiến lược và an ninh theo thể thức 2+2 với Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa và Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara.
Cuộc đàm phán 2+2 được coi là để cụ thể hóa những cam kết giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Kishida Fumio mà họ gọi là kỷ nguyên mới trong quan hệ Nhật - Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ba tháng trước tại Nhà Trắng.
Ông Blinken và ông Austin được cho sẽ bàn kỹ hơn với đồng minh Nhật Bản về kế hoạch nâng cấp liên minh quân sự của họ, bao gồm cả việc nâng cấp bộ chỉ huy quân sự của Mỹ tại Nhật Bản và nhiều hoạt động phát triển chung hơn về thiết bị phòng thủ, trong bối cảnh có những lo ngại chung về Trung Quốc và Nga.
Một điểm đáng chú ý khác là trước khi diễn ra cuộc gặp Mỹ - Nhật 2+2, ông Austin và ông Kihara đã tổ chức cuộc hội đàm ba bên với Shin Won-sik, bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, lần đầu tiên đến thăm Nhật Bản sau 15 năm.
Mối quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn từng có nhiều mắc mứu lịch sử, được coi là nồng ấm dưới thời Tổng thống Biden. Chắc chắn Mỹ không muốn bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy hai quốc gia đồng minh của mình xích lại gần nhau hơn để cùng đối phó với những lo ngại chung trước khi mọi thứ bất ngờ có thể xảy ra tại Mỹ vào ngày bầu cử tháng 11 tới.
Sau đó, vào ngày 29-7 tại Tokyo, ông Blinken tiếp tục thực hiện ngoại giao cấp tập, củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác của Mỹ khi cùng với bà Kamikawa gặp Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar và Penny Wong của Úc, những người đồng cấp của họ trong nhóm Tứ giác kim cương (QUAD) - một diễn đàn an ninh chiến lược mà nhiều nhà quan sát cho rằng mục đích quan trọng của nó là nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Tại Manila, ông Blinken và ông Austin sẽ gặp những người đồng cấp Philippines, ông Enrique Manalo và ông Gilberto Teodoro, để tiến hành đối thoại 2+2 lần thứ tư như vậy kể từ năm 2012.
Tại Singapore, ông Blinken sẽ gặp Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong), Bộ trưởng cấp cao Lý Hiển Long và Bộ trưởng Ngoại giao Vivian Balakrishnan.
Còn tại Mông Cổ, ông Blinken được cho sẽ gặp các quan chức cấp cao để tái khẳng định tầm quan trọng của Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Mông Cổ.
Bằng việc tới thăm một loạt các quốc gia nằm gần Trung Quốc, chuyến đi của ông Blinken nhằm báo hiệu cho các đồng minh của Mỹ rằng Tổng thống Joe Biden "quan tâm" đến các mối lo ngại về an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt lo ngại bất ổn về tương lai cấu trúc an ninh khu vực sau việc ông Biden kết thúc chiến dịch tái tranh cử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận