21/08/2024 08:34 GMT+7

Chuyến đi thúc đẩy những kết nối chiến lược

DUY LINH
và 1 tác giả khác

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã góp phần quan trọng thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, đặc biệt "kết nối cứng" vì lợi ích người dân.

Chuyến đi thúc đẩy những kết nối chiến lược- Ảnh 1.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm tham quan các gian giới thiệu công nghệ của Công ty MEGVII - Ảnh: TTXVN

Trong ngày 20-8, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến thăm và làm việc tại Trường Đảng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Công ty MEGVII. Chiều 20-8, kết thúc 18 hoạt động tại Trung Quốc sau ba ngày, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân Ngô Phương Ly đã về đến Hà Nội, khép lại chuyến thăm đầu tiên trên cương vị mới đến Trung Quốc.

Cộng đồng chia sẻ tương lai

Trả lời báo chí về kết quả chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định chuyến công tác đã "thành công tốt đẹp trên mọi phương diện". Hai bên đã ra tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.

Tại các cuộc trao đổi, hai bên đã đạt nhận thức chung rộng rãi về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo định hướng "6 hơn".

Trong đó với "tin cậy chính trị cao hơn", hai bên tiếp tục duy trì trao đổi chiến lược giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng và hai nước, củng cố nền tảng tin cậy chính trị cùng định hướng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Còn với "hợp tác thực chất sâu sắc hơn", minh chứng rõ nét nhất có thể cảm nhận thấy ngay trong chuyến thăm là việc các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương hai nước đã ký kết 14 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kiểm nghiệm - kiểm dịch, hải quan, y tế, truyền thông, hợp tác địa phương, dân sinh.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, sau chuyến thăm này, trong thời gian tới hai bên nhất trí sẽ tạo thuận lợi hơn nữa về thương mại, mở rộng xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Đồng thời thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ "hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "vành đai - con đường". Trong đó thúc đẩy "kết nối cứng" giữa hai nước về đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu, nâng cấp "kết nối mềm" về hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh.

Vì lợi ích nhân dân hai nước

Có thể nói chuyến đi Trung Quốc của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã góp phần củng cố thêm niềm tin vào sự phát triển thực chất hơn nữa trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Đối với người dân, nói như giáo sư Wang Wen thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, sự tích cực về quan hệ chính trị sẽ giúp thúc đẩy và mở ra nhiều cơ hội hơn cho các hợp tác thực chất, đặc biệt về thương mại.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã hoan nghênh Trung Quốc tham gia hợp tác trong dự án xây dựng ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Việt Nam - Trung Quốc cũng như hợp tác trong các tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng, đường sắt đô thị tại Hà Nội.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện để sớm thành lập Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Trùng Khánh và các văn phòng xúc tiến thương mại, đề nghị hai nước sớm triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh.

Đây đều là những đề nghị thiết thực, tạo dựng nền tảng về chính trị để đem lại những kết quả cụ thể mà người dân có thể cảm nhận được. Lấy ví dụ như thí điểm cửa khẩu thông minh, đề án thí điểm cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra cơ hội tăng cường hơn nữa giao thương giữa hai nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao.

Theo ông Hoàng Khánh Duy - phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, đề án thí điểm cửa khẩu thông minh là đề án lớn, lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam.

Trong giai đoạn 1 thực hiện đề án từ quý 3-2024 đến quý 2-2026, tỉnh Lạng Sơn sẽ mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 từ bốn lên tám làn xe, gồm bốn làn xe xuất và bốn làn xe nhập, trong đó có một làn xe xuất và một làn xe nhập cho xe tự lái. Đồng thời mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 từ sáu lên tám làn xe, trong đó có một làn xe xuất và một làn xe nhập cho xe tự lái.

Giai đoạn 2 từ quý 3-2026 tới hết quý 3-2029 sẽ triển khai vận hành thí điểm cửa khẩu thông minh, đồng thời tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành mở rộng hạ tầng khu vực cửa khẩu bảo đảm đồng bộ với phía Trung Quốc, trọng tâm là hạ tầng bến bãi. Các mặt hàng thí điểm gồm hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc.

Với điểm thuận lợi là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang tốt đẹp, có cơ sở để kỳ vọng vào sự thành công của đề án tại Lạng Sơn và nhiều sự phối hợp mang lại thành công khác, thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng thực chất và hiệu quả.

Nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Khánh Duy cho biết ban đang tham mưu cho UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch triển khai đề án thí điểm cửa khẩu thông minh.

Vị trí thí điểm dự án là tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089, thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Hiện hiệu suất thông quan hàng hóa tại khu vực mốc 1119-1120 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trung bình 700 - 800 xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 30 tỉ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2023.

Chuyến đi thúc đẩy những kết nối chiến lược- Ảnh 2.Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thành công trên mọi phương diện

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên