Phóng to |
Chị Bé với hình ảnh bé Phong An |
Chị Bé vừa trở về nước sau hơn ba tuần có mặt tại Luxembourg (từ 5 đến 30-9-2003). Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của chị do HANDICAP (Tổ chức Phòng chống tàn phế & phục hồi chức năng người tàn tật) đài thọ. Chúng tôi trò chuyện với chị trong khoảng thời gian ngắn ngủi chờ chuyến bay từ TP.HCM đi Huế đưa chị trở về quê nhà (thôn Đại An, phường 5, thị xã Đông Hà, Quảng Trị) vào sáng 1-10-2003.
Chị nóng lòng gặp con lắm, đó là nguồn hạnh phúc của chị...Nhà chỉ có hai mẹ con nên trước ngày lên đường chị cứ thắc thỏm. “Hồi tháng bảy tôi đi Hà Nội thi thể thao dành cho người khuyết tật chỉ có 12 ngày mà đã nhớ con không chịu nổi”. Lần đó chị đăng ký đua xe lăn tay cá nhân và đoạt hai huy chương bạc (cự ly 800m, 5.000m), một huy chương đồng (cự ly 3.000m) và một kỷ niệm nhớ đời khi bị một đấu thủ khác trong lúc lạc tay lái đã húc chị văng ra khỏi xe, cánh tay trái chà xát tươm máu. “Suốt hai tháng trời mỗi ngày tôi thức dậy tập luyện từ lúc bốn giờ sáng, chẳng lẽ chịu bỏ cuộc nửa chừng. Cũng đau lắm nhưng tới đâu thì tới” - chị bộc bạch.
Người bước ra từ đêm tối...
Phóng to |
Chị Bé (vai Hảo, phải) trong phim Đời Cát |
Mất đôi chân, Bé chỉ lủi thủi trong nhà hết năm này sang tháng khác. Thế giới của cô bé bất hạnh khi đó chỉ là mảng trời bàng bạc nhìn xuyên qua cửa sổ. Lớn lên một chút, Bé cũng đến trường, trên đôi vai bố. Chính sự hòa nhập như thế khiến Bé thêm buồn tủi hơn về sự khác biệt của bản thân với bạn bè cùng trang lứa. Giờ ra chơi, cô học trò nhỏ thiếu đôi chân nhìn chúng bạn chơi đùa mà thèm thuồng đến rơi nước mắt. Lên 20 tuổi, chị Bé sống tự lập khi người bố có gia đình khác.
Nhân vật Hảo trong phim Đời cát giống chị Bé đến lạ lùng: cụt hai chân, sống một mình, kiếm sống hằng ngày, đặc biệt là khao khát tình cảm, khao khát làm mẹ. “Bộ phim cho phép tôi được bước ra ánh sáng”, chị Bé nói một cách đĩnh đạc. Tính cách kiên cường của nhân vật Hảo khiến chị liên tưởng đến thân phận riêng, đến sự quyết liệt giành lấy hạnh phúc.
Nghĩ sao làm vậy, chị tự đi tìm cho mình một đứa con “để sớm hôm bầu bạn”. Khi quyết định làm chuyện mà có thể không ít người cho là “động trời” đó, chị Bé chỉ lo không làm đủ tiền để nuôi con, nhưng nỗi khát khao đã giúp chị không chùn bước. “Thật tình tôi cũng hơi... liều và lo lắng. May sao khi báo đăng (bài “Đời buồn hơn cả phim” trên Tuổi Trẻ số ra ngày 3-2-2001), nhiều chị em cùng cảnh ngộ gửi thư khen tôi can đảm, lúc đó tôi mới thật sự an tâm về sự chọn lựa của mình”.
Con gái chị nay sắp lên ba và mang cái tên rất lạ: Trần Thị Phong An. “Phong là gió. An là bình an. Cuộc đời tôi đã chịu bao đắng cay, thiệt thòi nên giờ mẹ con tôi chỉ mong đón nhận những ngọn gió lành”. Ngôi nhà chị Bé nhờ bạn đọc hỗ trợ nay không còn lụp xụp như ngày xưa, và chị gọi nơi nương náu của chị cùng đứa con bé bỏng là “nhà tình thương bốn phương”. Chưa hết, cứ mươi bữa là chị nhận được thư chia sẻ, động viên, thăm hỏi từ những người chưa từng gặp mặt ở bốn phương trời...
Những người truyền gửi niềm tin
Phóng to |
Hai người bạn Afghanistan cùng chị Bé, anh Sáng, chị Thúy (từ trái sang) |
Tuần đầu, đi dạo vòng quanh thành phố Luxembourg bằng xe lăn suốt bốn ngày, ngoài đoàn VN (3 người) còn có Afghanistan (2 người), 10 người Luxembourg và Đức. Hai tuần sau đi đến các trường trung học, đại học, các trường hướng nghiệp để kể về hoàn cảnh cá nhân - từ lý do bị khuyết tật cho đến những nỗ lực vượt khó như thế nào. Anh Sáng, chị Thúy bị sốt bại liệt từ nhỏ mà hóa khập khiễng đôi chân, trong khi đó chị Trần Thị Bé chịu thương tật từ chiến tranh - hình ảnh này càng khiến một xứ sở thanh bình thêm thấu hiểu bi kịch chiến cuộc.
Phóng to |
Ông Patrick Le Folcalvez, giám đốc chương trình VN của HANDICAP, cho biết Bộ Ngoại giao Luxembourg rất quan tâm, đứng ra tài trợ một số dự án về phục hồi chức năng người khuyết tật (bản thân ông Patrick là người sôi nổi, nói tiếng Việt sõi đến mức ngạc nhiên, hỏi ra mới biết ông là... rể VN, vợ ông là một bác sĩ VN).
Hàng loạt hình ảnh bên Luxembourg trong album (mà chúng tôi được xem) tạo nên cảm giác ấm lòng, xúc động. Nhiều tình nguyện viên trẻ tham gia đẩy xe lăn, săn sóc “phái đoàn” đến từ VN, từ Afghanistan... Họ chơi bóng rổ, diễn trò tiểu phẩm cùng nhau.
“Tôi cảm thấy trong mình có được sự tự tin, khó giải thích được lắm. Trước đây khuôn mặt tôi lúc nào cũng dàu dàu, không có nụ cười. Có lẽ, tôi tin như ông bà mình nói sông có khúc người có lúc...”. Đó là điều vui chị nói trước khi về lại đời sống thường nhật với quán nước giải khát bên cạnh Trung tâm hướng nghiệp ở thị xã Đông Hà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận