Phóng to |
Bảo tàng Baghdad bị cướp phá là chuyện cả thế giới đều biết. Nhưng duy nhất bà Selma Nawala Mutawalli là biết được sự thật khiến nhiều người phải thèm thuồng: 8.000 món cổ vật đã được sơ tán và giấu kín kịp thời trong những hầm kho bí mật của bảo tàng mà bà làm giám đốc.
Thông tin ấy đủ để làm sôi sục những nhà đấu giá lừng danh thế giới như Christie’s, Sotheby’s và Bonhams, vốn đã thành công mỹ mãn trong việc tổ chức buôn bán cổ vật của thế giới Hồi giáo: một xà nhà chạm trổ thuộc thế kỷ 14 đã được bán với giá nửa triệu USD; một lọ mực của Iran thế kỷ 13 đã tìm được người mua với giá hơn 1,6 triệu USD, và những viên ngói lấy từ mái vòm của một thánh đường Hồi giáo đã về tay chủ mới với giá hơn 12.000 USD/viên!
Di sản Afghanistan đang bị đào xới
Những cổ vật nói trên đều mang những vết tích cho thấy chúng chỉ mới được tìm thấy cách đây vài tháng và không hề xuất xứ từ những bộ sưu tập cá nhân. Ngoài ra cũng không có hồ sơ hải quan nào đi kèm để chứng minh nguồn gốc và tính hợp pháp của việc đưa chúng ra khỏi biên giới.
Sự thật là chúng đã bị đào bới lén và vượt biên trái phép từ Trung Đông sang châu Âu. Thậm chí việc bán đấu giá chúng một cách công khai cũng là sự vi phạm các công ước quốc tế về bảo vệ cổ vật văn hóa.
Các tỉ phú sưu tập và buôn đồ cổ không cho rằng họ vi phạm các luật lệ và công ước. Ngược lại, họ tự nhận mình là những người đã cứu cổ vật khỏi những vụ cướp phá khác nhau trong lịch sử các cuộc chinh phục.
Song đối với Jim Williams, lãnh đạo văn phòng của UNESCO tại Kabul (Afghanistan), thì chính những kẻ sưu tập đồ cổ là động lực cho hoạt động đào bới trái phép và các vụ buôn lậu xuyên biên giới phi pháp hiện nay. Theo ông, từ nhiều tháng qua, các hoạt động đào bới và trộm cắp cổ vật đã tăng đến chóng mặt ở nhiều khu vực của Afghanistan.
Ông có trong tay những tấm ảnh vệ tinh cho thấy riêng ở khu vực Mazar-e-Charif, bọn buôn lậu đã đào bới đến 3.000 lỗ giếng để tìm kiếm cổ vật. Qua nghiên cứu các tấm ảnh này, ông còn nhận ra rằng các hoạt động đào bới ngày càng có tính tổ chức và qui mô ngày một lớn. Thậm chí bọn buôn lậu đã có đủ khả năng tài chính để mua thông tin từ các nhà khảo cổ hủ hóa về những địa điểm đáng đào bới.
Lợi nhuận gấp mười
Phóng to |
Những báu vật này đã được nhân công người Afghanistan vận chuyển trên lưng lừa vượt dãy núi Hindu Kuch đến tận biên giới Pakistan. Họ được một tay trung gian người Pakistan trả công vận chuyển vài trăm USD.
Theo tin đồn trong giới thì tỉ phú Schoyen đã trả đến 7 triệu USD cho bộ bản thảo viết tay này, vốn có giá trị cực lớn đối với Phật giáo. Nay Schoyen đang bắn tin muốn bán lại bộ sưu tập đó với giá 60 triệu USD. Những người thạo tin cho rằng nếu vụ buôn bán được tổ chức tốt thì Schoyen thậm chí có thể bỏ túi đến 100 triệu USD!
Lợi nhuận đầu tư vào thị trường đồ cổ nay ước tính gấp 10 hoặc 20 lần, và điều đó khiến thị trường này ngày càng mang dấu hiệu tội ác. Bọn buôn lậu ma túy và vũ khí bắt đầu chèn vào các kiện hàng của mình vài món đồ cổ tranh thủ mua được ở đâu đó. Các băng nhóm tội phạm có tổ chức cũng bắt đầu dòm ngó đến thị trường một vốn nhiều lời này.
Một số tập đoàn ma túy ở Colombia hiện đã chuyển sang phương thức thanh toán mới: đổi cổ vật lấy ma túy. Bên mua hàng cảm thấy an toàn hơn nếu mang theo một bức tượng hoặc một sưu tập vòng ngọc thay vì với những vali tiền mặt kềnh càng; còn bên bán thì tin rằng món hàng sẽ giúp họ sinh lãi gấp bội khi tìm được nhà sưu tập thích hợp.
Thậm chí có người tin rằng đằng sau việc các thành viên Taliban phá hủy hai tượng Phật khổng lồ khắc vào núi đá (thế kỷ thứ 7) tại Bamiyan vào tháng 3-2001 là có sự giật dây của bọn buôn lậu đồ cổ.
Uwe S., một cảnh sát làm việc tại Đại sứ quán Đức ở Kabul, cho biết ông đã phát hiện những mẩu tượng đá vỡ từ bức tượng này được rao bán tại Peshawar, Pakistan. Ông khẳng định Taliban một mặt phá tượng Phật để chứng minh sự thống lĩnh của nhà nước Hồi giáo, nhưng mặt khác cũng là để thu lợi hàng chục ngàn USD từ việc bán đi các mảnh vỡ.
Những thành viên của văn phòng UNESCO tại Kabul thì tin rằng đầu dây mối nhợ của việc cướp phá cổ vật hiện nay tại Afghanistan chính là những con buôn người Pakistan mà nhân vật cộm cán nhất trong nhóm đó chính là tướng Nasserullah Babar, chỉ huy lực lượng tình báo khét tiếng ISI của Pakistan.
Bến đỗ Thụy Sĩ
Làm sao cổ vật ra khỏi Pakistan để đi châu Âu, Mỹ, Nhật…? Phương cách của tay buôn đồ cổ khét tiếng bậc nhất người Pakistan, Hajji Khalil, là bỏ tiền mua chuộc hải quan và cảnh sát Pakistan, đặc biệt là các lãnh đạo Hãng hàng không quốc gia Pakistan PIA. Khalil không ít lần huênh hoang rằng có thể đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của người mua, miễn là họ chi đẹp. Hắn còn đảm bảo hàng của hắn có thể đến bất kỳ nơi đâu bằng máy bay của PIA.
Tháng tư vừa rồi, hắn đã phạm một sai lầm chết người khi quên chung chi cho hải quan và cảnh sát. Kết quả là một lô hàng của hắn đã bị chặn bắt tại Peshawar, trên đường gửi đi Frankfurt (Đức) và London. Có tin nói lô hàng gồm đến 25.000 cổ vật xuất xứ từ Afghanistan và một vài “hàng độc” trong đó ước tính trị giá đến 30 triệu USD.
Bến đỗ ở châu Âu hấp dẫn nhất đối với dân buôn đồ cổ là khu vực miễn thuế bên cạnh phi trường Geneva (Thụy Sĩ). Các công ty đang kinh doanh khu kho hàng này cạnh tranh nhau bằng cách giữ bí mật tuyệt đối cho khách thuê kho bãi. Người ta cũng chẳng rõ tại sao chính quyền Thụy Sĩ không ghé mắt đến khu vực này mà nay đã trở thành một “ngã tư giao dịch” của giới buôn đồ cổ thế giới.
Với một môi trường buôn bán thuận lợi như thế, những tay buôn có máu mặt nay chỉ cần làm thêm vài phù phép nhỏ để đẩy giá trị món hàng của mình lên. Làm giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của cổ vật nay có vẻ chỉ còn là chuyện nhỏ đối với chúng.
Hai tay buôn cổ vật lừng danh người Lebanon là anh em nhà Abu Taam cho biết chúng có thể hợp pháp hóa một cổ vật ăn cắp chỉ trong vài tháng. Các đàn em của chúng rất thông thạo trong việc làm nhái những hồ sơ hải quan cũ mà bằng cách nào đó chúng luôn thu thập được từ hồ sơ lưu trữ của hải quan Thụy Sĩ hoặc các công ty bảo hiểm nay đã phá sản.
Để “đánh bóng” cho cổ vật, giới trùm buôn lậu chỉ còn việc xoay xở để có những bài báo của các chuyên gia khảo cổ uy tín về món cổ vật mà chúng dự định tung ra thị trường. Người ta nghi ngờ về những khoản lót tay phía sau các bài báo khoa học ấy, nhưng dĩ nhiên các chuyên gia vẫn tuyên bố họ đã viết một cách “công tâm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận