Phóng to |
VN thuộc “nhóm có tiềm năng thu hút đầu tư thấp”, vì sao?
Theo số liệu báo cáo, VN lọt được vào trong số 10 nước hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận được nhiều FDI nhất trong thời gian 2001-2002. Tổng vốn FDI thực hiện tại VN năm 2002 đạt 2,5 tỉ USD, cao hơn so với mức 2,3 tỉ USD của năm 2001. Tám tháng đầu năm nay tổng FDI cam kết đã đạt tới 1,6 tỉ USD, trong đó có 1 tỉ USD đăng ký của 389 dự án mới, còn lại là mở rộng đầu tư của các dự án cũ.
Tuy nhiên, các chuyên gia UNDP đã lên tiếng cảnh báo về sự thiếu bền vững trong thu hút FDI của VN. Trong năm 2002, VN đã phải chứng kiến sự suy giảm FDI (từ 1,3 tỉ USD của năm 2001 xuống 1,2 tỉ USD) trong khi một số nước trong khu vực lại “liên tục phát triển”.
Bất chấp FDI vào khu vực Đông Nam Á giảm từ 15 tỉ USD trong năm 2001 xuống còn 14 tỉ USD trong năm 2002, Brunei, Malaysia, Philippines lại thu hút được nguồn vốn FDI nhiều hơn so với năm 2001.
Singapore và Malaysia thậm chí còn lọt được vào top 10 nước đang phát triển thu hút nhiều FDI nhất thế giới năm 2002 với 8 tỉ USD FDI chảy vào Singapore và khoảng 3 tỉ USD vào Malaysia.“Việc thứ hạng FDI tiềm năng của VN thấp thể hiện điều gì?” - Tuổi Trẻ đặt câu hỏi. “ Nếu xét về chỉ số hoạt động FDI (tính bằng hệ số giữa tỉ trọng FDI của quốc gia trong tổng mức FDI toàn cầu so với tỉ trọng GDP của quốc gia trong tổng GDP toàn cầu) thì VN thậm chí còn đứng cao hơn cả Trung Quốc (hạng 59), Thái Lan (hạng 61).
Nhưng VN lại thuộc nhóm “có tiềm năng thu hút đầu tư thấp” trong khi Trung Quốc và một số nước ASEAN lại thuộc nhóm “có tiềm năng thu hút đầu tư cao”. Điều này có nghĩa các luật lệ đầu tư của VN còn khắt khe, mức độ tự do hóa thương mại chưa cao, cơ sở hạ tầng kém phát triển... khiến mất đi cơ hội hấp dẫn các nhà đầu tư” - chuyên gia kinh tế của UNDP Pedro Ortega giải thích.
Theo ông Ortega, có thể hiểu một cách đơn giản là có thể tạm lạc quan khi nhìn vào “những gì đang diễn ra” đối với FDI tại VN nhưng lại phải rất nghiêm túc đi tìm câu trả lời cho “điều gì sẽ xảy ra”.
3 cơ hội và 8 thách thức
Các chuyên gia UNDP đã nêu lên ba cơ hội và tám thách thức của việc tăng FDI tại VN. Ba cơ hội gồm: triển khai các cam kết song phương và đa phương sẽ tăng niềm tin cho nhà đầu tư, mở rộng thị trường cho FDI, kích thích các công ty trong nước tăng tính cạnh tranh quốc tế. Còn tám thách thức, trong đó theo chuyên gia kinh tế Juan Luis Gomez, thách thức đầu tiên đến với VN là giảm những hình thức bảo hộ trong những lĩnh vực đầu tư chiến lược.
Viện phó Viện Kinh tế thế giới Lê Bộ Lĩnh cũng đồng tình với ý kiến này, cho rằng những hình thức méo mó của kinh tế thị trường như độc quyền cần phải nhanh chóng dỡ bỏ để tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư VN.
Ông Gomez cũng nhấn mạnh tới việc VN cần phải tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư (triển khai một luật cạnh tranh hiệu quả, xóa bỏ hai giá...) và tạo ra được một môi trường kinh doanh tốt trong các lĩnh vực sử dụng đất, cấp phép, chính sách tuyển dụng...
Các chuyên gia UNDP đặc biệt lưu ý đến việc thu hút FDI có chất lượng. “Tôi không muốn so sánh việc thực hiện các khuôn khổ pháp lý thu hút FDI của nước này với nước khác nhưng rõ ràng một trong những vấn đề phải quan tâm là chất lượng của đầu tư. Một số nước ASEAN rất coi trọng vấn đề này.
Khi thu hút đầu tư, họ phải cân nhắc dự án đó sẽ đem lại bao nhiêu việc làm, đóng góp thế nào cho xuất khẩu, đóng góp bao nhiêu cho GDP. Những dự án đầu tư có hiệu quả là những dự án còn tạo ra thêm được một loạt các công ty cung ứng cho nhà đầu tư ngay tại nước mình, giúp tạo thêm một lượng lớn việc làm” - ông Gomez nói.
Theo ông Lê Bộ Lĩnh, tỉ trọng đóng góp của FDI vào tổng vốn đầu tư của VN đang có chiều hướng giảm, từ 20,2% năm 1999 xuống còn 13,7% năm 2001. Điều này đang đặt gánh nặng lên đầu tư công và đầu tư trong nước. Ông cho rằng thúc đẩy sự phát triển khu vực tư nhân và đầu tư công hiệu quả hơn sẽ là những bài toán với VN.
Ý kiến này trùng hợp với quan điểm của trưởng đại diện UNDP Jordan Ryan khi ông mở đầu cuộc họp báo: “Tôi luôn được khuyến khích bởi những cam kết của VN. Trong các cuộc tiếp xúc, thủ tướng Phan Văn Khải đều khẳng định quyết tâm tạo nên một môi trường kinh doanh thông thoáng tại VN. Tôi nghĩ điều này cần đến trước hết từ việc có một thái độ đúng đắn đối với khu vực tư nhân, bất kể là trong hay ngoài nước”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận