TTCT - Tình hình chính trị của hòn đảo gây tranh cãi này đã có nhiều diễn biến mới trong nhiệm kỳ hai của bà Thái Anh Văn. Vào một ngày tháng 5-1979, viên đại úy 27 tuổi chỉ huy đại đội canh gác trên đảo Kim Môn, thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Đài Loan, nhưng nằm sát bờ biển Trung Quốc đại lục, đã đào ngũ trốn sang Hạ Môn. Anh chọn chỗ gần nhất, rồi bơi vượt eo biển rộng 2.000m.Phong trào Hoa hướng dương với sự góp mặt của đông đảo người trẻ đã làm thay đổi nền chính trị Đài Loan. Ảnh: swissinfoChỉ có một Lâm Nghị PhuViên đại úy quân đội Đài Loan dám bỏ lại người vợ và đứa con ba tuổi ở quê nhà được chính quyền Trung Quốc tiếp nhận, sau đó được tạo điều kiện tiếp tục con đường học vấn, lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, rồi sang Mỹ học ở Đại học Chicago, nơi ông lần lượt nhận bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ kinh tế năm 1986. Viên sĩ quan đó là Justin Lâm Nghị Phu, một trong những người Trung Quốc đầu tiên nhận bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Chicago danh giá và sau này trở thành chuyên gia kinh tế trưởng và phó tổng giám đốc của Ngân hàng Thế giới 2008-2012.Lâm Nghị Phu trở thành nhân vật mà chính quyền Đài Loan hiện không muốn nhắc đến, dù ông rất được trọng dụng ở đại lục. Tuy nhiên, đó có lẽ là trường hợp ít ỏi nổi tiếng cuối cùng. Hầu hết thế hệ trẻ Đài Loan hiện không còn mang tinh thần chủ nghĩa dân tộc, quay về với đất mẹ Trung Hoa như Lâm Nghị Phu từng mạo hiểm ngày nào. Đối với họ, mối liên hệ lịch sử của hòn đảo Đài Loan với Trung Quốc đại lục không còn định nghĩa bản sắc và danh tính của họ. Họ coi Đài Loan là một thực thể tách biệt, cả về chính trị, kinh tế, xã hội lẫn bản sắc.Năm 1544, những nhà hàng hải Bồ Đào Nha đi ngang qua đã gọi hòn đảo Đài Loan là [Ihla] Formosa, nghĩa là "[hòn đảo] xinh đẹp", cái tên được phương Tây sử dụng cho đến tận sau Thế chiến II. Năm 1661, Trịnh Thành Công, một người trung thành với nhà Minh, chạy trốn nền thống trị Mãn Thanh ở Trung Quốc đại lục, đã đánh đuổi người Hà Lan đang cai trị Đài Loan vào thời điểm đó và thiết lập quyền lực với hòn đảo này - hy vọng có thể thiết lập căn cứ phản Thanh phục Minh. Tuy nhiên, sau khi Trịnh Thành Công mất, Đài Loan cũng rơi vào tay nhà Thanh.Dù vậy, Trịnh Thành Công được người dân ở cả hai bờ eo biển Đài Loan tôn vinh là anh hùng dân tộc trong hơn 300 năm qua với vai trò người Hán đầu tiên thiết lập được nền tảng cai trị trên hòn đảo, thoát khỏi Tây phương. Tới năm 1895, Đài Loan trở thành nhượng địa của Nhật Bản theo hiệp ước Shimonoseki, sau khi nhà Thanh thua trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật.Năm 1949, chính quyền Tưởng Giới Thạch do Mỹ hỗ trợ chạy sang Đài Loan sau khi thua cuộc nội chiến, vẫn ôm mộng có ngày quay về đại lục như Trịnh Thành Công năm xưa. Hơn 1 triệu người đại lục theo Tưởng Giới Thạch ra đảo. Ngày nay, sau hơn 7 thập kỷ, những người lưu vong và con cháu họ, cộng với hơn chục nhóm thổ dân bản địa thiểu số khác nhau, tạo thành 23,5 triệu dân trên đảo.Ông Lâm Nghị Phu bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: pku.edu.cn"Tôi muốn được gọi là người Đài Loan"Nhìn từ khía cạnh nhân khẩu học, hơn 90% người dân Đài Loan hiện có nguồn gốc Trung Quốc đại lục, nhưng họ đang dần kiến tạo một bản sắc khác biệt, nhất là ở những người trẻ, vốn sinh ra và lớn lên trong một hệ giá trị khác với ở đại lục. Một sinh viên Đài Loan tôi gặp trong khuôn viên một trường đại học ở thành phố Đài Trung nói: "Tôi muốn được gọi là người Đài Loan, thay vì người Trung Quốc, vì Trung Quốc là khái niệm không liên quan đến tôi".Tuy nhiên, với bác tài xế taxi lớn tuổi chở tôi ra sân bay thì không có gì mâu thuẫn khi vừa là người Đài Loan, vừa là người Trung Quốc. Sự khác biệt này giữa các thế hệ ở Đài Loan đang là một chủ đề gây chia rẽ và định hình nền chính trị của hòn đảo. Một bộ phận dân số, hầu hết là người lớn tuổi, muốn gần gũi hơn với đại lục, trong khi giới trẻ thì đang muốn xây dựng một bản sắc riêng.Việc cựu lãnh đạo Đài Loan trong hai nhiệm kỳ (2008-2016) Mã Anh Cửu vừa có chuyến thăm lịch sử 12 ngày tới Trung Quốc thể hiện sinh động mong muốn kết nối với Trung Hoa của những người Đài Loan có khuynh hướng theo Quốc dân Đảng.Cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 đã làm lỡ kế hoạch thống nhất Đài Loan của Mao Trạch Đông bằng vũ lực, nhưng đây luôn là mục tiêu, dù âm ỉ hay công khai, của nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc sau đó. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ từ khi cải cách mở cửa vào năm 1978 tạo ra thị trường tỉ dân cực kỳ hấp dẫn và đối tác kinh tế số 1 không thể tranh cãi cho Đài Loan. Có thể nói không ngoa rằng kỳ tích kinh tế trở thành con rồng châu Á của Đài Loan cũng gắn chặt với quá trình tăng trưởng kinh tế của đại lục.Tuy nhiên, không phải ai ở Đài Loan cũng nghĩ vậy. Quá tương thuộc với Trung Quốc có thể là một con dao hai lưỡi. Tối 18-3-2014, một nhóm sinh viên Đài Loan đã xông vào cơ quan lập pháp của hòn đảo để phản đối thỏa thuận thương mại tự do của chính quyền Quốc dân Đảng cầm quyền với Trung Quốc. Cuộc tranh đấu kéo dài 24 ngày đã trở thành cả một phong trào. "Phong trào Hoa hướng dương", như cách gọi của truyền thông, giành được sự đồng cảm rộng rãi của công chúng Đài Loan. Chính trị Đài Loan dần dịch chuyển khỏi các chính trị gia có mối quan hệ gần gũi với giới doanh nhân làm ăn lớn ở đại lục, về phía những người trẻ hơn, những người muốn được thể hiện quan điểm của mình qua lá phiếu.Ảnh: Financial TimesNền chính trị của những bản sắcĐiều này thể hiện thành thực tế vào đầu năm 2016 khi ứng viên của Đảng Dân tiến thắng cử trước Quốc dân Đảng, khởi xướng làn sóng vẫn tiếp diễn đến nay. Chính lá phiếu của thế hệ những người trẻ sinh ra và lớn lên ở Đài Loan đã giúp bà Thái Anh Văn, một chính trị gia có quan điểm thiếu thân thiện với đại lục, lên nắm quyền vào năm 2016, và tái cử lần hai vào năm 2020. Đối với nhiều người trẻ ủng hộ bà Thái, việc tự gọi mình là người Đài Loan đồng nghĩa với ủng hộ các giá trị dân chủ, tự do bình đẳng cho cộng đồng LGBT, và thúc đẩy văn hóa bản địa.Trong một cuộc khảo sát về những thay đổi trong bản sắc Đài Loan và Trung Quốc vào tháng 6-2019, khoảng 57% người dân trên đảo xác định họ là người Đài Loan, trong khi 37% nói mình vừa là người Đài Loan, vừa là người Trung Quốc. Chỉ 4% nghĩ mình là người Trung Quốc (số còn lại không trả lời). Ngoài ra, chưa đến 8% người được hỏi ủng hộ việc thống nhất dần dần hoặc nhanh chóng.Những người tôi gặp ở Cao Hùng, thành phố lớn ở phía nam hòn đảo, cảm thấy họ xa lạ với bên kia bờ eo biển, và gần gũi hơn với văn hóa bản địa của những sắc dân thiểu số trước khi người Hán đặt chân lên đảo. Buổi tối trước hội thảo quốc tế về Đài Loan và Đông Nam Á ở thành phố Cao Hùng, tôi và các học giả khác đã được chiêu đãi văn nghệ của những dân tộc thiểu số này, như lời khẳng định bản sắc riêng biệt của hòn đảo.Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc Đài Loan, nhất là trong mối quan hệ với Mỹ, cũng đầy rủi ro. Chính quyền Bắc Kinh luôn nhất quán quan điểm thống nhất hòn đảo "sẽ được thực hiện" và chỉ là "vấn đề thời gian". Trong khi đó, Washington khuyến khích sự hình thành bản sắc Đài Loan trong hơn 7 thập kỷ qua bằng cách... bán vũ khí và duy trì tình trạng "mơ hồ chiến lược" của hòn đảo. Một mặt, Mỹ tuyên bố tuân thủ chính sách Một Trung Quốc, đồng thời khuyến cáo Đài Loan không được tuyên bố độc lập vì như vậy có thể dẫn đến một cuộc tấn công vũ lực của Trung Quốc. Mặt khác, Washington nhiều lần tuyên bố không ủng hộ giải pháp thống nhất hòn đảo bằng biện pháp khác ngoài biện pháp hòa bình.Dưới thời bà Thái Anh Văn, chính quyền Đài Loan định vị hòn đảo là một xã hội dân chủ và khoan dung, để thu hút sự ủng hộ từ phương Tây. Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng cho Đài Loan khi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã giúp gia tăng sức mạnh quân sự, cũng như độ ảnh hưởng của sức mạnh mềm với nhiều quốc gia khác trên thế giới. ■ Vị trí của Đài Loan không chỉ quan trọng về mặt địa chính trị - nút thắt cản đường ra biển của Trung Quốc trong "chuỗi đảo thứ nhất" ở Thái Bình Dương. Hòn đảo này còn đang là nơi sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới. Các công ty Đài Loan như TSMC, ASE Technology hay MediaTek nắm giữ những công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực sống còn này. Điều đó có nghĩa Trung Quốc và Mỹ đều coi Đài Loan là lợi ích chiến lược quan trọng, thậm chí là cốt lõi.Năm 1971, Liên Hiệp Quốc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân quốc, tức Đài Bắc, và chính thức công nhận Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tức Bắc Kinh. Mỹ và các quốc gia khác sau đó nhanh chóng cũng làm theo. Hiện chỉ còn 13 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, hầu hết là những nước nhỏ bé. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật quan hệ với Đài Loan vào năm 1979, nhằm duy trì quan hệ không chính thức và phi ngoại giao với hòn đảo này. Đạo luật này đã dọn đường cho các cuộc gặp gỡ của giới lập pháp Mỹ với các lãnh đạo Đài Loan đang gây ồn ào. Tags: Tình hình chính trịTrung Quốc đại lụcHoa Hướng DươngQuân đội Đài LoanNgười Trung QuốcThế hệ trẻEo biển Đài LoanChuỗi đảo thứ nhấtĐịa chính trịThái Anh Văn
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Người dân TP.HCM cần chú ý 31 điểm sạt lở nguy hiểm THẢO LÊ 22/11/2024 UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.