Nghệ nhân Mười Lời - Ảnh tư liệu
Chúng tôi không nỡ nhìn những căn nhà mọc lên san sát dưới thung lũng xóa luôn cái tên thung lũng hoa đào Mười Lời mà cha tôi dành cả đời lập dựng
Anh BÙI VĂN SANG
Thung lũng Mười Lời nằm ở cuối một con hẻm nhỏ trên đường Lê Hồng Phong. Nhắc đến nghệ nhân Mười Lời có lẽ không thể không nhắc đến một người mà lúc sinh thời ông Mười tự xem mình là truyền nhân, đó là ông Nguyễn Thái Hiến.
Câu chuyện hoa đào ở Đà Lạt là một câu chuyện nối dài từ ông Hiến đến ông Mười Lời.
Đào rừng ra phố
Ông Nguyễn Thái Hiến làm giám thị lục lộ và phụ trồng hoa trong khuôn viên công sứ đầu những năm 1920. Ngay từ năm 1927, tranh thủ những ngày nghỉ trong tuần, ông Hiến lặn lội vào rừng đưa cây hoa đào bản địa về trồng ở Đà Lạt.
Nói đến cây mai anh đào được trồng ở Đà Lạt, ông Nguyễn Thái Hai, con trai ông Hiến, cho chúng tôi biết: "Trong thời gian làm giám thị lục lộ ở thành phố Đà Lạt, ông Nguyễn Thái Hiến được giao phó trồng một số cây cảnh xung quanh hồ Xuân Hương, trong công viên, khuôn viên các dinh thự và dọc một số con đường.
Nhiều loại cây được đưa từ Pháp qua còn non và nhỏ. Những cây này được cấp trên chỉ định trồng. Khoảng cách giữa mỗi cây cũng được ấn định cho tương ứng kích thước từng loại sau khi lớn. Các công nhân phải chăm sóc tưới nước, có người Pháp theo dõi hằng ngày...".
Qua sự hướng dẫn của cấp trên, ông học hỏi được cách trồng cây cảnh hai bên đường. Nhận thấy những cây mai rừng có bông đẹp nên ông đề nghị cho trồng rải rác dọc các lề đường. Với loài cây địa phương này, ông được tự ý trồng đâu tùy ý.
Năm 1935, chợ Hòa Bình được xây lại. Khi thấy việc trồng mai có kết quả tốt, ông Hiến lựa chọn những cây tương đối vừa cỡ và cho trồng toàn cây mai dọc con đường dốc từ cầu Ông Đạo lên khu chợ Hòa Bình và dọc đường rạp chiếu phim Eden (sau này là rạp Ngọc Lan).
Cây mai thường vươn cao nên ông cho cắt bớt nhánh để cây phát triển bề ngang. Từ đó mai trở thành một đặc sản của thành phố Đà Lạt...
Hằng năm, vào dịp cuối năm khi trời chớm lạnh, hoa trổ thành chùm nhỏ màu hồng pha tím, cánh mỏng, nhụy nhỏ. Cánh hoa mỏng manh rơi rụng bay lả tả theo gió nói lên cái đẹp thơ mộng đặc biệt và duy nhất của Đà Lạt.
Ông Nguyễn Thái Hiến đặt tên cây mai Đà Lạt là mai anh đào vì dựa trên hình dáng bên ngoài của cây và hoa có màu hồng nhạt như hoa đào ngoài Bắc.
Chính ông Hiến đã tạo nền tảng để có một thung lũng hoa đào Mười Lời sau này. Ông Mười Lời khi còn sống trân trọng nói đến ông Hiến như con nói về cha dù không huyết thống.
Với ông Mười, không có cây mai anh đào vốn là mai rừng Đà Lạt mà ông Hiến dày công thuần hóa thì không có một thung lũng hoa đào Mười Lời nức tiếng xa gần ngày nay.
Anh Bùi Văn Sang, người kế nghiệp nghệ nhân Mười Lời, với cây đào thất thốn nở hoa ngay tại Đà Lạt khi tết đến - Ảnh: MAI VINH
Thắp đèn ghép đào
Ông Mười Lời nổi tiếng với thung lũng đào Nhật Tân (Hà Nội) ngay trong lòng Đà Lạt, nhưng đào của ông Mười Lời có sự khác. Đó là giống đào ghép giữa mai anh đào Đà Lạt và cây đào Nhật Tân.
Chính sự khéo ghép mà ông Mười Lời đã làm được việc mà trước ông chưa ai làm được, khiến đào Nhật Tân nở hoa trên đất lạnh Đà Lạt.
Với ông Mười, giống hoa đào lai ghép giữa đào Nhật Tân và mai anh đào Đà Lạt là cầu nối văn hóa cho hai vùng đất cách xa mấy nghìn cây số.
Câu chuyện ông Bùi Văn Lời, tên thường gọi là Mười Lời, có một thung lũng hoa đào Nhật Tân nằm trong lòng thành phố Đà Lạt vẫn tồn tại gần 30 năm qua là dấu ấn khó phai mờ.
Khi còn sống, ông là một nông dân thứ thiệt, cần cù, nhiệt tình và cởi mở. Ông là dân Quảng Nam, đến sống tại Đà Lạt từ năm 1958 cho đến cuối đời, chỉ chăm chỉ một thứ: trồng hoa và rau.
Ông Mười Lời biết nhiều người đã cố mang đào Nhật Tân vào Nam trồng nhưng thất bại. Sự thất bại ấy khiến ông nảy ý mang một cây đào Nhật Tân được cho là khỏe nhất về Đà Lạt.
Máy bay hạ cánh tại Nha Trang, ông đón ngay xe về Đà Lạt. Đến nơi trời sập tối, nơi ông ở bấy giờ chưa có điện nên ông phải thắp đèn cầy ghép ngay trong đêm để mầm hoa còn sống sau nhiều ngày di chuyển.
Tết năm 1998, hoa đào ghép đã nở rộ trong thung lũng Mười Lời với ba màu sắc hồng đào, liễu đào và bích đào với cánh dày, hoa kép.
Câu chuyện những gốc mai anh đào nở ra đào Nhật Tân ngay tại Đà Lạt, nơi khí hậu không tương đồng với đất Bắc, đã được truyền đi khiến thung lũng Mười Lời trở nên nổi tiếng. Giới chơi hoa vinh danh ông Mười khi gắn thêm hai chữ "hoa đào" vào địa danh thung lũng Mười Lời.
Sau khi ông Mười Lời mất (năm 2009) được một năm, thung lũng hoa đào Mười Lời xác lập kỷ lục: "Thung lũng hoa đào đầu tiên tại miền Nam".
Anh Bùi Văn Sang dù học đại học chuyên ngành công nghệ viễn thông nhưng quyết nối nghiệp cha. Cũng tại thung lũng mà cha đã dày công lập dựng, anh đã khiến bạch đào, đào thất thốn nở đúng khi xuân về tết đến.
Giữa cơn bão của giá đất tại Đà Lạt, anh Sang vẫn quyết giữ thung lũng hoa đào Mười Lời dù giá đất với giá đào khác nhau rất xa, nhất là thung lũng ấy nằm ngay khu nội đô thành phố.
Nói về chuyện này, anh Sang cười: "Chúng tôi không nỡ nhìn những căn nhà mọc lên san sát dưới thung lũng xóa luôn cái tên thung lũng hoa đào Mười Lời mà cha tôi dành cả đời lập dựng".
Người Đà Lạt quý mến thung lũng hoa đào Mười Lời với cảm xúc giống như khi tiễn biệt ông về cõi riêng gần 10 năm về trước. Nhờ vậy, cái tên thung lũng hoa đào Mười Lời sau 30 năm vẫn còn được nhắc đến.
Những cây đào ghép giữa mai anh đào Đà Lạt và đào Nhật Tân (Hà Nội) trong thung lũng Mười Lời - Ảnh: MAI VINH
Công nhận
Năm 2000, ông Mười Lời mang mai anh đào ghép đào Nhật Tân dự hội chợ Tuần lễ xanh quốc tế Việt Nam tổ chức tại dinh Thống Nhất TP.HCM, được ban tổ chức tặng "Cúp vàng vì sự nghiệp xanh" cho ông.
Giáo sư, viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng công nhận công lao của nghệ nhân Mười Lời như sau: "Nghệ nhân Bùi Văn Lời chiết ghép nhân vô tính loài hoa đào Hà Nội trên cây đào Đà Lạt thành công, tạo thành một màu hoa đào mới nối thủ đô Hà Nội với thành phố hoa Đà Lạt, đến nay đã được bảy mùa hoa nở".
Kỳ tới: Buổi đầu trồng rau
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận