23/11/2017 22:06 GMT+7

Chuyện 'cứu lấy Sơn Trà' đến với công chúng Sài Gòn

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Cuộc du hành ngẫu hứng của những độc giả đến với Đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) đã được lấp đầy từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác trong buổi sáng 23-11.

Chuyện cứu lấy Sơn Trà đến với công chúng Sài Gòn - Ảnh 1.

Nhiếp ảnh gia Lê Phước Chín là người mang nhiều nặng nợ với những cánh rừng và loài voọc ở Sơn Trà - Ảnh: MAI THỤY

Lặn lội từ TP Đà Nẵng, nhiếp ảnh gia Lê Phước Chín mang các tác phẩm chụp loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà đến trưng bày dọc khuôn viên đường sách. 

Bên cạnh đó, nhà văn Bùi Công Dụng cũng ra mắt tập sách Ký sự Sơn Trà (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn), tập hợp những phản biện gai góc của ông về vấn đề bảo vệ thiên nhiên Sơn Trà.

Chia sẻ với độc giả, nhà văn Bùi Công Dụng cho biết: "Ký sự Sơn Trà được tôi ấp ủ trong khoảng thời gian báo chí phản ánh rất nhiều về vấn đề xây dựng trái phép và tàn phá không gian sống của loài voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà. 

Khoảng thời gian dài ấy hiện lên biết bao nhiêu cảm xúc: phẫn uất, đau đớn, hào hứng rồi lại khắc khoải… 

Tập ký sự này là những ghi chép không chỉ về cảm xúc của riêng tôi, mà còn là cảm xúc chung của người dân trước sự tàn phá đó".

Nhiếp ảnh gia Lê Phước Chín không giấu được sự xúc động khi nói về voọc chà vá chân nâu. Mỗi ngày, cứ độ 5h sáng, ông lại đi xe máy lên Sơn Trà chụp ảnh voọc đến gần tối mới về nhà. 

Càng nhiều năm ở cạnh lũ voọc, ông càng thấy phẫn nộ khi hay tin Sơn Trà, ngôi nhà tự nhiên của chúng, bị tàn phá. 

Theo ông Lê Phước Chín, không ở đâu ông lại thấy loài voọc gần gũi với con người đến thế. Những bức ảnh của ông có khi chỉ được chụp cách bầy voọc chừng 3m, có lẽ cũng vì vậy mà ống kính của Lê Phước Chín có thể đi qua đôi mắt và "thấy" được tâm tư ẩn bên trong chúng.

Không chỉ cuốn hút vào những bức ảnh của Lê Phước Chín hay câu chuyện trong trang sách của Bùi Công Dụng, độc giả đường sách còn có dịp nghe những chia sẻ của ông Huỳnh Tấn Vinh - chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, của bà Lê Tú Cẩm - chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM và hiểu rằng chính lời nhắc nhủ của thế hệ mai sau làm họ tỉnh thức.

Chuyện cứu lấy Sơn Trà đến với công chúng Sài Gòn - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Tấn Vinh: "Bảo vệ Sơn Trà cũng chính là bảo vệ môi trường sống cho những thế hệ mai sau" - Ảnh: MAI THỤY

Khi vụ việc Sơn Trà vừa nổi lên, nhìn bức ảnh những vạt rừng bị cày xới, chính con gái ông Huỳnh Tấn Vinh đã hỏi ông: "Ba ơi, ba ở đâu sao không cứu lấy Sơn Trà?". Câu hỏi đó thôi thúc ông nỗ lực góp tiếng nói bảo vệ nơi đây.

"Nếu Úc có kangaroo, New Zealand có chim kiwi, Trung Quốc có gấu trúc… thì Sơn Trà có voọc chà vá chân nâu - loài động vật được xem là nữ hoàng linh trưởng. Không lẽ chúng ta lại nhẫn tâm tàn phá nơi ở của chúng? Không lẽ chúng ta không có bất cứ tình cảm hay sự tự hào nào dành cho chúng hay sao? 

Ngay bên cạnh TP Đà Nẵng sôi động là khu rừng nguyên sinh đa dạng. Sơn Trà không chỉ có giá trị về nghiên cứu tự nhiên, mà còn có giá trị du lịch, văn hóa. Bảo vệ Sơn Trà cũng là bảo vệ tài nguyên, môi trường sống cho thế hệ mai sau" - ông Huỳnh Tấn Vinh chia sẻ.

Đồng ý với nhận định của ông Huỳnh Tấn Vinh về giá trị của bán đảo Sơn Trà, bà Lê Tú Cẩm cho biết dường như đang có một cuộc chiến về vấn đề bảo tồn ở Việt Nam. 

Một bên ra sức bảo vệ các di sản, tài nguyên thiên nhiên, bên còn lại cho rằng cần phải giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. 

Đôi mắt của bà Lê Tú Cẩm hướng về phía những khán giả đang đứng trên đường sách: "Có lần, một đứa cháu nói tôi từ chức đi, bởi làm công tác bảo vệ di sản mà tôi có bảo vệ được gì đâu. 

Thế nhưng dù sao đi nữa mình phải cất tiếng nói bảo vệ Sơn Trà, bởi nếu sự im lặng sẽ giết chết Sơn Trà và loài voọc nơi đây". 

Đến dự buổi giao lưu, nhà thơ Lê Minh Quốc lặng đọc câu ca dao từ lâu đời của người Quảng Nam - Đà Nẵng:

Chiều chiều mây phủ Sơn Trà

Lòng ta thương bậu, nước mắt và lộn cơm

Câu ca dao ấy như lời gửi dành cho cánh rừng và những con voọc chà vá chân nâu đang chờ đợi khắc khoải nơi bán đảo Sơn Trà.

Chuyện cứu lấy Sơn Trà đến với công chúng Sài Gòn - Ảnh 3.

Những bức ảnh chụp voọc chà vá chân nâu của nhiếp ảnh gia Lê Phước Chín đã mang lại nhiều cảm xúc cho người xem - Ảnh: MAI THỤY

Bán đấu giá sách ảnh Báu vật Sơn Trà


Trong khuôn khổ buổi giao lưu, tập sách ảnh Báu vật Sơn Trà của nhiếp ảnh gia Lê Phước Chín đã được bán đấu giá để ủng hộ chương trình nghiên cứu, phát triển Sơn Trà.

Báu vật Sơn Trà là phiên bản đặc biệt tập hợp các bức ảnh chụp voọc chà vá chân nâu của Lê Phước Chín, có trọng lượng lên đến 4,4kg.

Cuốn sách thu hút sự quan tâm của nhiều mạnh thường quân. Cuối buổi đấu giá, cuốn sách thuộc về một người giấu tên với số tiền lên đến 31 triệu đồng.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên