TTCT - Tự cổ chí kim, con người đã muốn thế thiên hành vũ. Hơn nửa thế kỷ trở lại đây thì có công nghệ mưa nhân tạo; có nơi bỏ cuộc sau hàng chục năm theo đuổi, có chỗ vẫn nuôi tham vọng thay trời làm mưa.Và lại có nước nói chưa kịp làm gì thì mấy đám mây có khả năng gây mưa đã bị "cướp" mất. Ảnh: Weather Modification International 2022"Gieo mây" (cloud seeding), hay làm mưa nhân tạo, là phương pháp biến đổi thời tiết bằng cách đưa hóa chất làm lạnh như bạc iodide (silver iodide) vào các đám mây đã có độ ẩm kha khá. Hơi nước trong đám mây sẽ ngưng tụ xung quanh chất xúc tác vừa được đưa vào, và khi đủ nặng sẽ rơi xuống đất thành mưa. Quá trình này có thể được thực hiện bằng máy bay hoặc thiết bị bay không người lái, hoặc bắn chất xúc tác lên từ mặt đất.Cướp mây giữa đàng?"Chỉ huy Vệ binh cách mạng cáo buộc Israel cướp mây làm mưa của Iran" là tiêu đề bản tin ngày 2-7-2018 trên trang tiếng Anh Al Arabiya News của đài truyền hình Ả rập cùng tên. Bài viết dẫn thông tin từ thông tấn xã Iran ISNA cho biết thiếu tướng Gholam Ridha Jalali, người đứng đầu Tổ chức Phòng vệ dân sự Iran, đã đổ lỗi biến đổi khí hậu ở đất nước Hồi giáo cho "can thiệp ngoại bang". Cụ thể, theo tướng này: "Cả Israel và một nước khác đang khiến mây ở Iran không gây mưa nữa. Thêm vào đó, họ còn cướp mưa và tuyết".Theo The New York Times, "nước khác" mà Jalali ám chỉ là UAE, nơi vẫn theo đuổi một chương trình mưa nhân tạo đầy tham vọng. Trong một phỏng vấn với Đài WBUR hôm 20-9, tác giả bài viết Alissa Rubin của The New York Times giải thích rằng không có chuyện cướp mưa, đơn giản là vì điều đó không khả thi. Theo các nhà khoa học khí tượng, "đời sống" của một đám mây, cụ thể là các đám mây có khả năng tạo mưa, rất ngắn - hiếm khi quá 1-2 tiếng. Cũng có khi mây tồn tại lâu hơn, nhưng lâu đến mức đi từ nước này sang nước khác là rất hiếm, ngay cả với khu vực Vịnh Ba Tư, nơi bảy nước (Bahrain, Iran, Iraq, Kuwait, Qatar, Saudi Arabia và UAE) nằm san sát nhau. "Thực tế thì rất khó để cướp mưa từ một cụm mây, vì như quý vị có thể đã biết, các đám mây luôn luôn biến đổi. Và khi đa số các đám mây từ Israel hay thậm chí UAE đến được Iran, chúng có lẽ đã biến đổi và nhiều khả năng sẽ không thể tạo mưa nữa" - Rubin nói với WBUR.Phía Iran trầm trọng hóa vấn đề đến mức cho rằng "cướp mây, đoạt mưa" thậm chí có thể thành một phần của cuộc chiến nước với bối cảnh biến đổi khí hậu trong tương lai. Có thể không đến mức đó, nhưng thực tế là các nước Trung Đông vẫn chưa từ bỏ các chương trình mưa nhân tạo của mình. Theo The New York Times, một cuộc chiến cướp mây đoạt mưa (cloud war) đang diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi (khu vực MENA), nơi các quốc gia đang chạy đua phát triển kỹ thuật và tìm kiếm hóa chất "vắt mây ra mưa" thay vì để chúng lững lờ trôi qua lãng phí trên những vùng đất khô cạn.Trời chuyển mưa trên sa mạc UAE.Cuộc chiến mây ở Trung Đông12/19 quốc gia MENA có lượng mưa trung bình dưới 25cm/năm, giảm 20% trong 30 năm qua; mưa nhân tạo vì thế được xem là một cách khả dĩ giải quyết nhanh chóng vấn đề nước ngọt. Quyết định này gần như phớt lờ các nghi vấn nghiêm túc về việc lượng mưa tạo ra cuối cùng có đáng với công sức và chi phí đã bỏ ra hay không.Iran, UAE, Morocco, Ethiopia và mới nhất là Saudi Arabia đều có các chương trình làm mưa nhân tạo; nửa tá các nước MENA khác cũng đang cân nhắc tham gia cuộc chơi, UAE đang dẫn đầu về độ đầu tư và quyết tâm.UAE gần như bắt buộc phải theo đuổi việc thay trời tạo mưa, vì việc đảm bảo nguồn cung nước ngọt trong nước ngày càng khó khăn. Năm 1960, UAE dư sức cung cấp nước cho dân số chưa đầy 100.000 người; tình hình hoàn toàn khác vào năm 2020, khi dân số đã là gần 10 triệu. Mỗi người UAE hiện xài khoảng 556 lít nước/ngày, so với mức trung bình thế giới là 213 lít, theo một nghiên cứu năm 2021 do nước này tài trợ.UAE hiện đáp ứng nhu cầu nước ngọt nội địa bằng các nhà máy khử nước mặn khổng lồ, nhưng chi phí ngày càng đắt đỏ - mỗi nhà máy xây tốn ít nhất 1 tỉ USD và lúc chạy thì ngốn năng lượng kinh khủng. "Gieo mây" là giải pháp ít tốn kém hơn, theo Abdulla Al Mandous - giám đốc Trung tâm Khí tượng và địa chấn quốc gia, cũng là lãnh đạo chương trình mưa nhân tạo của UAE.Sau gần 20 nghiên cứu và thử nghiệm, trung tâm của Mandous tiến hành chương trình làm mưa nhân tạo với quy trình gần giống quân đội. Chín phi công thay phiên ở chế độ chờ, sẵn sàng cất cánh lập tức khi các nhà khí tượng học phát hiện mục tiêu lý tưởng - các đám mây có thể hình thành độ cao tới 12km - ở các vùng miền núi. Các viên pháo chứa hóa chất "gieo mây" được lắp vào máy bay. Ảnh chụp một chuyến "gieo mây" của Trung tâm khí tượng quốc gia UAE 24-8-2022. Ảnh: ReutersTheo cơ trưởng Mark Newman, một phi công cấp cao trong chương trình này, họ phải luôn sẵn sàng vì ở Trung Đông hiếm có "mây tiềm năng" hơn so với nhiều nơi khác trên thế giới. Khi có nhiều đám mây có thể gây mưa cùng lúc, trung tâm sẽ cử hơn một máy bay lên trời.Khi vào nhiệm vụ, các máy bay này sẽ bắn hai loại hóa chất vào đáy của đám mây để gây mưa: bạc iodide như truyền thống và một chất mới, dùng công nghệ nano do Đại học Khalifa ở Abu Dhabi phát triển và mới được cấp bằng sáng chế. Theo các nhà khoa học này, chất mới thích nghi tốt hơn với điều kiện khô nóng ở Vịnh Ba Tư và không để lại tác động môi trường đáng kể nào.Theo lý thuyết, khi được thêm chất xúc tác như vậy, các đám mây sẽ bắt đầu cho mưa. Song nhiều người trong cộng đồng khoa học vẫn nghi ngờ tính hiệu quả của làm mưa nhân tạo, nhất là việc đo lường hiệu quả của nó rất khó, nếu không muốn nói là bất khả thi.Người tìm ra nguyên lý "gieo mây" như ta biết hiện nay là Irving Langmuir, nhà khoa học làm việc cho Hãng General Electric. Từ seed (hạt) trong cloud seeding ý chỉ việc phải tạo một "hạt nhân" trung tâm để các hơi nước trong đám mây tụ vào và lớn dần cho đến khi đủ nặng để rơi khỏi mây thành mưa. Năm 1946, Langmuir (người đã đoạt giải Nobel hóa học năm 1932) cùng trợ lý Bernard Vonnegut đã tìm ra ba "ứng cử viên" hóa chất làm tăng tốc quá trình tạo hạt và cuối cùng chọn thử nghiệm với bạc diodide. Từ tiền đề của ông mà giới khoa học không từ bỏ mục tiêu để con người điều khiển thời tiết thay tự nhiên.Gieo hạt nhưng khó thấy quả"Nếu bạn gieo hóa chất vào một đám mây và sau đó quan sát xem sẽ có được bao nhiêu mưa, bạn sẽ không biết được liệu mưa sẽ thế nào nếu không gieo mây" - Adele Igel, trưởng nhóm nghiên cứu vật lý mây (cloud physics) tại Đại học California, Davis, nói về khó khăn khi xác định liệu việc "gieo mây" có thực sự cho kết quả hay không.Vấn đề đầu tiên của "gieo mây" là phải có mây, hay chính xác hơn là có "đúng mây". Không phải tất cả các đám mây đều có khả năng tạo ra mưa, và ngay cả một đám mây dường như thích hợp để "vắt mưa" cũng có thể không có đủ độ ẩm cần thiết. Igel dẫn một nghiên cứu năm 2019 cho biết một số hình thức "gieo mây" có thể tăng lượng mưa 20% nếu nhắm vào mây ở vùng núi vào mùa đông, song giới khoa học vẫn chưa nhất trí về hiệu quả của nó với mây mùa hè - vốn có ít hoặc không sẵn tinh thể băng trong đó.Một thách thức khác trong điều kiện khí hậu nóng như Trung Đông là các hạt mưa có thể bốc hơi trước khi chúng chạm đất. Cũng có khi việc "gieo mây" đạt hiệu quả, nhưng hơn cả mong đợi: gây mưa quá to, thậm chí tạo ra tuyết.Cuối cùng, Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ còn lưu ý một vấn đề khác: gió có thể đổi chiều, khiến mây được "bơm" hóa chất ở khu vực này lạc trôi qua nơi khác rồi mới mưa, tiềm tàng khả năng gây "hậu quả ngoài ý muốn"."Quý vị có thể chỉnh sửa một đám mây, nhưng không thể bảo nó phải làm gì sau đó. Nó có thể gây tuyết rơi, có thể biến mất, có thể đi nơi khác" - James Fleming, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Colby (Maine, Mỹ), nhận xét.Bất chấp những điều kể trên, Al Mandous - nhà lãnh đạo chương trình hô phong hoán vũ của UAE - khẳng định các phương pháp gieo mây của mình đã giúp lượng mưa hằng năm tăng 5%, thậm chí hơn thế. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận cần có dữ liệu trong nhiều năm nữa để có thể thỏa mãn giới khoa học còn hoài nghi ngoài kia.Nói gì thì nói, Mandous vẫn cực kỳ lạc quan. UAE đã có trong tay hóa chất gieo mây mới hiệu quả hơn, giờ chỉ cần có thêm mây để gieo thêm và tạo thêm mưa. Nhưng như đã nói, mây rất hiếm ở xứ Ba Tư này, biết lấy đâu ra? "Tạo mây sẽ rất khó, nhưng ai biết được nhỡ đâu Thượng đế sẽ gửi đến ai đó có ý tưởng tạo ra mây cho chúng tôi thì sao?" - Al Mandous nói.■Chuẩn bị bắn rocket có hóa chất gieo mây ở Trung Quốc năm 2011. Ảnh: AFP/Getty ImagesIsrael, quốc gia tiên phong trong việc tạo mưa nhân tạo, đã dừng chương trình của mình vào năm ngoái sau 50 năm theo đuổi, vì ngay cả khi đạt hiệu quả cao nhất, việc "gieo mây" cũng chỉ mang lại lượng mưa không đáng kể. "[Làm thế] không hiệu quả về mặt kinh tế" - Pinhas Alpert, giáo sư Đại học Tel Aviv, từng xuất bản nghiên cứu toàn diện về chương trình gieo mây của Israel - bình luận.Trong khi đó, Trung Quốc thường xuyên dùng công nghệ mây nhân tạo để giải hạn cho mùa màng, làm mát các đô thị hoặc phục vụ các sự kiện lớn như Olympic. Tháng 8 vừa rồi, ít nhất 10 khu vực thuộc các tỉnh ở miền trung và nam Trung Quốc đã phải "gieo mây" để chống chọi đợt nắng nóng mạnh nhất trong vòng 60 năm qua. Tags: Công nghệ mưa nhân tạoBiến đổi khí hậuTạo mưaMưa nhân tạoGieo mâyLàm mưaThời tiết
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.