18/12/2022 09:26 GMT+7

Chuyện của Trương Văn Hoài Khanh: Biết cho đi là khi được nhận lại

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Trương Văn Hoài Khanh, tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), ở ký túc xá Cỏ May - nơi trọ học dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn luôn nỗ lực vươn lên.

Chuyện của Trương Văn Hoài Khanh: Biết cho đi là khi được nhận lại - Ảnh 1.

Góc học tập của Trương Văn Hoài Khanh, tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tại ký túc xá Cỏ May - Ảnh: B.MINH

Thử thách đầu tiên trong đời với Khanh là khi cha mẹ phải chuyển về Long An mưu sinh còn bạn được gửi sang ở nhà bà ngoại tại TP.HCM. Khanh kể trí nhớ của đứa bé 6 tuổi vẫn còn đó về những ngày thấy lạc lõng vì thiếu vắng tình thương mẹ cha.

Tôi trưởng thành hơn nhờ được truyền lửa từ những tấm gương khi tham gia hoạt động, học từ thầy cô và bè bạn. Bước ra "biển lớn", gặp được nhiều người giỏi, tôi càng phải nâng cấp bản thân.

TRƯƠNG VĂN HOÀI KHANH

"Tôi sợ mình không được đến trường"

Những bài văn kể về gia đình, cha mẹ hồi tiểu học đã từng là nỗi ám ảnh trong Khanh. Vì không có cha mẹ bên cạnh, bạn toàn dùng văn mẫu để miêu tả về cha mẹ mỗi khi làm bài.

Nhiều lần bạn tự hỏi sao mình phải làm như vậy. Đã có giai đoạn Khanh lớn lên trong cảm giác đổ lỗi cho gia đình đã thiếu quan tâm, chăm sóc mình.

Biến cố khác ập đến với cả nhà khi Hoài Khanh học lớp 12. Nhà không còn tiền tích lũy, dịch COVID-19 lại đang phức tại, mẹ gặp tai nạn vỡ khớp gối trong một lần đi tiêm vắc xin tại Long An. Một tháng mẹ nằm viện, ba phải túc trực chăm mẹ, còn bạn mang cơm vào bệnh viện mỗi ngày.

Đó cũng là thời điểm khai giảng năm học mới. Bạn không biết còn được đi học không khi tài chính trong nhà gần như là con số 0 tròn trĩnh. Đó cũng là điều làm Khanh suy nghĩ nhiều nhất.

Sau tai nạn đó, mẹ cũng không thể lao động được nữa, về ở cùng Khanh và bà ngoại. Ba quay về Long An tiếp tục công việc thợ mộc, mức lương 4,5 triệu đồng/tháng chỉ đủ tằn tiện lo cho các nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cơ bản của gia đình.

"Ba mẹ gọi tôi lại, nói rõ gia đình không còn đủ khả năng cho tôi đi học. Tôi thực sự không nghĩ được gì khi đó, chỉ vọng lên trong đầu nguy cơ tôi có thể sắp không còn được đến trường nữa", Khanh nhớ lại.

Ân tình cho đi, ân tình ở lại

Chẳng biết nói cùng ai, Khanh tâm sự với cô chủ nhiệm. Khá bất ngờ, bạn nhận lại sự chia sẻ hết lòng từ bạn bè và thầy cô Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, TP.HCM).

Toàn bộ học phí, kể cả các chuyến ngoại khóa của Khanh vào nửa cuối năm lớp 12, đều được thầy trò trong trường quyên góp và trích quỹ hoạt động Đoàn hỗ trợ.

Nhưng trước đó, Khanh vào ngôi trường này với tâm thế "học chống đối" do trượt nguyện vọng 1 vào một ngôi trường khác tiếng tăm hơn ở cùng quận Tân Bình. Một phần cũng vì trường nằm ngay sau nhà, đi học cho tiện.

Bởi suy nghĩ từng làm phó chủ tịch Hội đồng Trẻ em TP.HCM và là một trong ba đại diện Việt Nam dự Diễn đàn Trẻ em ASEAN tại Brunei, Khanh tự tin rằng mình phải học ở môi trường tốt hơn.

Chính khoảnh khắc ấy khiến bạn nhận ra nhiều điều tốt đẹp, từ sự tâm huyết của các thầy cô đến sự đa dạng của bạn bè quanh mình.

Có thể còn bạn ngỗ nghịch, có thể chưa phải là những người xuất sắc, nhưng họ luôn tử tế. Mà không chỉ riêng Khanh, nhiều bạn khác cũng được giúp đỡ, nương tựa, hỗ trợ nhau suốt những tháng ngày ấy.

"Tôi gọi đó là "cái tát" vào chính những niềm tin, định kiến của mình về trường, về giá trị sống. Tôi nhận được quá nhiều sự tử tế, ân tình từ thầy cô và bè bạn.

Khi mình cần giúp đỡ, chắc chắn luôn có cánh tay chìa ra. Và tôi chọn cách mở lòng, biết cho đi nhiều hơn về sau", Khanh nói.

Luôn có mặt trong các hoạt động Đoàn - Đội suốt 12 năm làm lớp trưởng, vừa vào lớp đại học cũng làm lớp trưởng luôn, đó là những trải nghiệm đáng nhớ, mang về cho Khanh nhiều bài học để biết sống khiêm nhường, hòa đồng và hướng đến tập thể nhiều hơn.

"Tôi tin rằng môi trường Đoàn giúp người trẻ nhận ra những điều tử tế và tuyệt vời. Mỗi người phải cố gắng vươn lên, sống chan hòa, hết lòng cống hiến mà không cố tỏ ra mình là người giỏi nhất, nổi bật nhất", bạn chia sẻ.

"Ốc nghiệm" tuổi 18

Nickname của cậu bạn ấy là "Ốc Nghiệm" với lý giải rằng nhắc mình đi chậm như một chú ốc để chiêm nghiệm, học hỏi từ mỗi trải nghiệm và cả những sai lầm, thử thách trong đời. Trên kệ sách cá nhân tại ký túc xá Cỏ May, Khanh dành chỗ trang trọng đặt quyển Kính chào thế hệ thứ tư của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt và Chất ngọc Võ Văn Kiệt.

Khanh kể mình nhớ mãi câu chuyện đọc được khi cố thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm Cần Giờ, ông nói những cây đước phải được trồng sát lại, cũng như con người phải sống chan hòa trong tập thể mới ngay thẳng và cao lên; nếu chỉ sống vì lợi ích cá nhân, vì bản thân thì sẽ như cây đước mọc cong vòng khi đứng một mình. Bạn xem bài học ấy như lời nhắc nhở chính mình.

Chuyện của Trương Văn Hoài Khanh: Biết cho đi là khi được nhận lại - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

'Biết được nhận học bổng Tiếp sức đến trường, hai anh em đã ôm nhau nhảy cẫng'

TTO - Sáng nay 11-12, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), báo Tuổi Trẻ phối hợp tỉnh đoàn các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 69 tân sinh viên.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên