03/06/2013 02:18 GMT+7

Chuyện của Sum

NGUYỄN TIẾN DŨNG (Hà Nội)
NGUYỄN TIẾN DŨNG (Hà Nội)

TT - Dẫn tôi đi thăm cánh đồng lúa ngát xanh đang trổ đòng đòng, Lò Thị Sum, bà mẹ 28 tuổi, người dân tộc Lự tại bản Pa Pe, xã Bình Lư (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) thỉnh thoảng lại nở nụ cười tươi khi một vụ mùa bội thu đang dần đến.

PPJ1XV2D.jpgPhóng to
Lò Thị Sum (phải) cùng một người dân trong bản Pa Pe kiểm tra lại số phân vi sinh đã ủ xong để chuẩn bị cho vụ tới - Ảnh: N.T.DŨNG

"Qua vụ mùa này, hiệu quả kinh tế từ ủ phân vi sinh đem lại còn phải chờ tính toán, nhưng môi trường sạch sẽ, thôn bản trong lành, đường ngõ thoáng đãng hơn là điều mà dân bản đã cảm nhận được rất rõ"

LÒ THỊ SUM

Cuối năm 2012, đồng bào dân tộc Dao, Thái, Lự... khắp bản Pa Pe, bản Nà Đon, xã Bình Lư lao xao khi nhận được thông báo có cán bộ huyện về chuyển giao kỹ thuật ủ phân vi sinh để bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí sản xuất. Những ngày sau đó, cả làng bản như vào hội. Đoàn thanh niên, rồi Hội phụ nữ xã tận tình sớm tối đến từng nhà vận động bà con. Giống như nhiều người dân bản khác, ban đầu Sum và gia đình cũng ái ngại lắm chưa muốn tham gia. Nào là con cái bìu ríu, trâu bò ruộng nương rồi trăm thứ việc khác...

Mà với bà con ở đây, nói đến công tác bảo vệ môi trường thì nghe chừng xa vời quá! Gia đình Sum và những người dân bản khác từ đời cụ kỵ, ông bà đã ăn đời ở kiếp trên đất này suốt năm này tháng khác vẫn cứ khỏe mạnh, môi trường hít thở vẫn trong lành, đâu có ảnh hưởng gì! Với lại chuyện phân vi sinh có thể giải quyết được gì khi bây giờ đạm, lân, kali, vật tư nông nghiệp thứ gì cũng sẵn?... Mặc dù còn nhiều hồ nghi nhưng thấy cán bộ vận động thuyết phục và những hộ gia đình làm thí điểm truyền tai nhau “hay lắm”, Sum và nhiều anh chị em khác cũng bắt đầu thấy hào hứng. Được chồng và bố mẹ chồng gợi ý, Sum mạnh dạn đăng ký tham gia đi tập huấn làm phân vi sinh.

Sum kể ngày đầu cũng thấy hơi khó vì cứ phải ghi chép công thức, cách pha chế rồi kỹ thuật ủ men. Nhưng chỉ sau hai ngày được hướng dẫn tỉ mỉ, Sum cùng nhiều gia đình khác đã được huyện hỗ trợ mỗi hộ 1 lít “nước dịch gốc” để pha chế làm men vi sinh. Sau gần hai tuần hồi hộp chờ đợi kết quả, cuối cùng mẻ men đầu tay của Sum cũng thành công. Từ mẻ men này, Sum cùng chồng và các “đồng sự” trong Hội phụ nữ bắt đầu thu gom phân chuồng, lá cây để làm phân.

Hôm tôi đến nhà Sum, một phần phân vi sinh đã được đem bón cho ngô và lúa. Chỗ phân vi sinh còn lại vẫn được che đậy cẩn thận để chuẩn bị cho mùa vụ tới. “Tháng trước, nhà mình bón phân vi sinh cho 5 sào lúa, thấy chi phí rẻ hơn 1/3 so với bón đạm, lân như mùa trước. Mình thấy bón phân này cỏ ít đi, phân bón sau khi ủ thì không có mùi, ruồi muỗi giảm hẳn, không khí môi trường xung quanh nhà rất sạch sẽ nên trẻ con hình như cũng thoải mái, đỡ quấy hơn...” - Sum chia sẻ.

Theo ước tính của Sum, hiện cả bản Pa Pe và bản Nà Đon có gần 60 hộ gia đình tham gia làm và sử dụng phân vi sinh. Nghe mọi người kháo nhau là vụ này có vẻ năng suất hơn vì bông lúa to hơn. Nhưng điều quan trọng, theo Sum, là từ khi làm phân vi sinh, chị em và các hộ gia đình đã chia sẻ, giúp đỡ nhau nhiều hơn, ý thức giữ gìn môi trường đã thay đổi tích cực rõ rệt. Sum cho biết: “Có những hôm kể cả trời mưa, các chị em vẫn giúp đỡ nhau đi gom phân chuồng và lá xanh về để dự trữ. Nhờ đó đường sá, nhà cửa sạch sẽ hơn. Bây giờ nghĩ lại mới thấy trước đây phân chuồng cứ để bừa bãi, bốc mùi gây ô nhiễm và có nhiều ruồi muỗi hơn”.

Trên con đường từ bản ra thăm đồng lúa, khí trời trong lành. Bên chân ruộng, đằng sau câu chuyện Sum kể là cả một chặng đường dài về sự thay đổi trong nhận thức bảo vệ môi trường nơi đây.

NGUYỄN TIẾN DŨNG (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên