Ông Trần Ngọc Hiếu - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận - cho biết hiện nay cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn huyện Bác Ái và huyện Ninh Sơn là cấp IV (nguy hiểm), còn trên địa bàn huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam và Thuận Bắc là cấp III (cấp cao).
Không nấu cơm giữa rừng để phòng cháy rừng
Trong hai ngày 22 và 23-2, chúng tôi đã đi cùng lực lượng bảo vệ rừng đến các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn các huyện Bác Ái, Ninh Sơn và Thuận Nam.
Ông Cao Văn Chương - trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Bầu Ngứ ở xã Phước Dinh, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam - nói: "Để hạn chế lửa trong thời điểm "nóng" của cháy rừng, chúng tôi đã nấu cơm từ sớm ở trạm rồi phân công nhau mang theo để ăn trưa, tối chứ không nấu trong rừng".
Còn Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu ở huyện Bác Ái cho biết thời tiết khô hanh kéo dài hơn 3 tháng đã làm nhiều diện tích rừng dần trút hết lá. Hệ thực vật bậc thấp cũng khô héo, tạo thành thảm thực bì dễ bén lửa.
Ông Chamaléa Phố - thành viên tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Tà Lúa 2, xã Phước Đại (huyện Bác Ái) - cho biết trước Tết Giáp Thìn là thời điểm đầu mùa khô, các thành viên trong tổ đã triển khai phát quang, tạo các đường băng cản lửa và tuyên truyền bà con không được sử dụng lửa trong rừng và gần rừng, nhất là việc đốt nương làm rẫy.
"Hàng chục thành viên của tổ cắt cử nhau ngày đêm bám rừng. Các dụng cụ chuyên dụng phòng cháy, chữa cháy rừng đã được chuẩn bị đầy đủ để trong trường hợp phát hiện có cháy thì dập ngay", ông Phố nói.
Ông Nguyễn Văn Hiến - phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu - cho biết hiện nay nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn nên công tác tuần tra, kiểm soát rừng ở các khu vực trọng điểm, khu vực giáp ranh đang được các trạm bảo vệ rừng và các tổ cộng đồng quản lý bảo vệ rừng triển khai quyết liệt, quân số trực 100%.
Hàng trăm người bám rừng mùa khô
Ông Trần Ngọc Hiếu cho biết từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn Ninh Thuận xảy ra bốn điểm cháy rừng, chủ yếu là trong rừng tự nhiên.
"Khi phát hiện điểm cháy, lực lượng kiểm lâm cùng đơn vị chủ rừng đã tiếp cận hiện trường, tổ chức dập lửa không gây thiệt hại về rừng", ông Hiếu cho hay.
Theo ông Hiếu, thời tiết khô kéo dài có khả năng cháy lớn ở tất cả các loại rừng. Ngành nông nghiệp thực hiện nghiêm việc tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa và những hành vi dùng lửa khác trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng.
Từ trước Tết Giáp Thìn 2024, các lực lượng như kiểm lâm, công an, chủ rừng, thành viên các tổ nhận khoán bảo vệ rừng cộng đồng... đã ứng trực 24/24 giờ, đảm bảo 100% quân số.
Lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách đã bố trí 107 điểm trực phòng cháy, chữa cháy rừng các trạm, đảm bảo duy trì lực lượng thường trực với hơn 310 người tham gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận