Phóng to |
Nước đen ngòm từ Công ty Kim Thành (ấp An Phú, xã An Thịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) xả ra kênh T38 bốc mùi hôi nồng nặc - Ảnh: ĐỨC TUYÊN |
Nhà ông Nguyễn Duy Hưng (ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn) ở kế bờ kênh An Hạ chạy song song với kênh Giáp Ranh phía Long An. Hai con kênh này được nối thông với nhau bằng những con mương thủy lợi. Gia đình ông Hưng có 2,5ha canh tác mỗi năm ba vụ lúa, thế nhưng hai năm gần đây không thể xuống giống vụ hè thu do nguồn nước kênh ô nhiễm nghiêm trọng.
Lúa chết, cá chết
So với những vụ đông xuân của các năm trước, vụ mùa vừa rồi ông Hưng phải mất thêm chi phí ít nhất 5 triệu đồng/ha cho việc bón phân, xịt thuốc. Thế nhưng lúa vẫn thối rễ chết khoảng 40%. Hằng năm vào giữa tháng 4, ông Hưng cũng như bà con nông dân tại đây xuống giống vụ hè thu, nhưng do nguồn nước ô nhiễm nặng nên tới giờ bà con vẫn chưa dám gieo sạ. “Tụi tui đang còn phải dòm trời, nếu có mưa nhiều mới dám xuống giống, chứ không nước kiệt mà phải bơm nước ô nhiễm từ sông vào ruộng nữa là lúa chết hết”.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tí (xã Thái Mỹ, H.Củ Chi, TP.HCM) có 2.000m3 lúa bên dòng kênh T38 - nơi Công ty Kim Thành (tỉnh Tây Ninh) xả nước thải ra - cũng đang khốn khổ vì lúa bị ô nhiễm, thối rễ. “Tụi tui đã phản ảnh với chính quyền địa phương nhiều lần nhưng chẳng ăn thua gì vì Công ty Kim Thành nằm bên địa phận của Tây Ninh mà” - anh Tí nói.
Người trồng lúa khổ vì nước ô nhiễm, bà con nông dân nuôi thủy sản còn khổ nhiều hơn. Gia đình ông Nguyễn Văn Đỉnh (Chín Đỉnh) có 10 ao nuôi cá (cho câu cá giải trí) rộng gần 3ha (tại ấp 6, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) đang ăn ngủ không yên bởi nước bị ô nhiễm. Bao quanh khu ao nuôi cá của ông Chín Đỉnh là các kênh rạch nối với dòng thải từ Khu công nghiệp Lê Minh Xuân và các nguồn ô nhiễm từ hệ thống kênh An Hạ đổ về. “Mới đây, thấy kênh đỡ đen nên mở van dẫn nước vào các ao cá nhưng ai ngờ chỉ một ngày sau cá chết đến vài trăm ký, nổi trắng cả mặt ao” - ông Chín Đỉnh nói.
Nhà máy nước lo lắng
Không chỉ các con kênh thủy lợi, tình trạng ô nhiễm trên sông Sài Gòn cũng nhiều phen làm các nhà máy xử lý nước dọc con sông này phải ngưng hoạt động. Một lãnh đạo Nhà máy nước Tân Hiệp cho biết hệ thống quan trắc nước sông tự động dọc sông Sài Gòn nhiều lần báo động các chỉ tiêu gây ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép. Để xử lý nước đạt chất lượng trong điều kiện như vậy, nhà máy phải xây dựng thêm quy trình công nghệ, tăng lượng hóa chất xử lý nước. Có thời điểm ô nhiễm tăng cao vượt khả năng xử lý của hệ thống nên nhà máy phải giảm một nửa công suất hoặc tạm ngưng hoạt động trong vài giờ.
Theo vị lãnh đạo này, trong các chất gây ô nhiễm đáng quan ngại nhất là amoni. Nếu hàm lượng amoni trong nước mặt vượt quá 1,3mg/lít (thường vào tháng 6 và tháng 7 hằng năm) thì nhà máy phải giảm một nửa công suất mới đảm bảo xử lý nước đạt tiêu chuẩn. Từ năm 2008, nhà máy đã phát hiện amoni trong nguồn nước sông Sài Gòn và hàm lượng có chiều hướng ngày càng tăng.
Các tỉnh nói gì?
Về nguồn xả thải từ Khu công nghiệp (KCN) Trảng Bàng đổ về sông Sài Gòn, ông Nguyễn Hoàng, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Tây Ninh, cho biết các KCN này đều có hệ thống xử lý nước thải 100%, không có hiện tượng nước thải không được xử lý trước khi đổ ra môi trường. Nhưng khảo sát thực tế cho thấy có một cống thoát nước trước KCN Trảng Bàng đổ ra suối Lồ Ô đen ngòm, sủi bọt, bốc mùi hôi. “Đó là cống thoát nước của cụm dân cư và KCN An Tịnh, chúng tôi sẽ nắm lại” - ông Hoàng nói.
Xung quanh việc Công ty Kim Thành xả nguồn nước đen đặc, sủi bọt xuống kênh T38, ông Hoàng giải thích: “Trước đây cũng có phát hiện công ty này xả thải vượt quy định nhưng sáu tháng trở lại đây không phát hiện vi phạm tương tự nữa. Tuy nhiên, đơn vị này có xả lén hay không thì tôi không biết được” - ông Hoàng thừa nhận.
Ông Nguyễn Văn Được, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Long An, cho biết KCN Đức Hòa I và Đức Hòa II đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Thế nhưng việc các doanh nghiệp tại đây đấu nối hệ thống xả thải của mình vào nhà máy xử lý nước thải tập trung hay chưa thì ông Được nói chưa nắm được. Ông Được cũng nhìn nhận Sở Tài nguyên - môi trường Long An từng phát hiện nhà máy xử lý nước thải của KCN Đức Hòa II (công suất 3.000m3/ngày) không đáp ứng đủ khả năng xử lý hết lượng nước thải cho các doanh nghiệp. Chủ đầu tư KCN Đức Hòa II mới nâng công suất nhà máy và đang cho chạy thử nghiệm.
Đối với việc gây ô nhiễm kênh Ba Bò, bà Võ Thị Ngọc Hạnh, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bình Dương, cho biết thời gian qua đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát nguồn ô nhiễm trước khi thải ra kênh. Tuy nhiên vẫn phát hiện tình trạng các doanh nghiệp trong KCN Sóng Thần I và II chưa chấp hành tốt trong việc đấu nối hệ thống nước thải sinh hoạt vào nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Hiện nay, hầu hết các tỉnh thành giáp ranh như TP.HCM - Tây Ninh - Bình Dương... đã ký các kế hoạch liên tịch kiểm soát ô nhiễm môi trường nước sông Sài Gòn. Nhưng các kế hoạch này chủ yếu mang tính chất thông tin cho nhau là chính, còn việc phối hợp kiểm tra, xử lý một số “điểm đen” về ô nhiễm ở địa bàn giáp ranh hầu như chưa được thực hiện.
Phối hợp kiểm tra Ông Nguyễn Văn Được cho biết vấn đề phối hợp liên vùng để kiểm soát ô nhiễm môi trường vừa qua còn thiếu nhiều cơ chế hoặc khung pháp lý, dẫn đến việc các địa phương lúng túng trong cách xử lý. Theo ông Được, Chính phủ cần thành lập một ban chỉ đạo, xây dựng khung pháp lý, chế tài chặt chẽ và giao trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương thực hiện. Trong khi chờ đợi Chính phủ, sở tài nguyên - môi trường các tỉnh giáp ranh với TP.HCM cũng cần ngồi lại với nhau để có kế hoạch phối hợp kiểm tra môi trường chung. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận