17/06/2013 07:09 GMT+7

Chuyện của nhà làm phim tài liệu

PHAN XI NÊ
PHAN XI NÊ

TT - Câu chuyện của hai đạo diễn trẻ đến từ các nước Đông Nam Á cùng với một đại diện của VN tại Bàn tròn Docnet Đông Nam Á đã gợi nên một cảm hứng mới cho các nhà làm phim tài liệu.

Vẫn là những câu chuyện quen thuộc ở các cuộc bàn tròn bàn về tương lai của phim tài liệu, không chỉ của VN mà cả ở các nước khác, những khách mời tham gia thảo luận Bàn tròn Docnet Đông Nam Á diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim tài liệu châu Âu - VN lần thứ 5 (*) đều đề cập về lối ra cho phim tài liệu, sự bó hẹp của đài truyền hình, khó khăn tìm kiếm kinh phí làm phim, và cả câu chuyện về kiểm duyệt.

Thế nhưng, câu chuyện của hai đạo diễn trẻ đến từ các nước Đông Nam Á cùng với một đại diện của VN đã gợi nên một cảm hứng mới.

m7InnfXl.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Quyền của người chết - Ảnh tư liệu

1

Nữ đạo diễn Tricia Yeoh đến từ Malaysia chia sẻ về trải nghiệm của cô với bộ phim đầu tay của mình - Quyền của người chết. Phim xoay quanh việc điều tra tìm hiểu về cái chết của Teoh Beng Hock - một nhân viên tư vấn chính trị của Hội đồng điều hành Selango, sau khi thi thể của anh được tìm thấy bên ngoài tòa nhà Ủy ban phòng chống tham nhũng Malaysia, nơi anh bị giam giữ suốt đêm trước đó để thẩm vấn.

Không phải là một nhà làm phim tài liệu, duyên cớ đến với Tricia rất tự nhiên và đầy tính cá nhân: cô là đồng nghiệp cũ của Teoh Beng Hock, là một nhân viên nghiên cứu của Hội đồng điều hành Selango. Cái chết của Teoh đã khiến Tricia bị thôi thúc mãnh liệt phải cất lên tiếng nói, mà như trong bộ phim cô tâm sự: “Tôi đã mơ về nó nhiều đêm”. Sự thẳng thắn, quyết liệt của Quyền của người chết đã đem đến cho Tricia - một người không biết gì về làm phim tài liệu trước đó - giải thưởng tại Liên hoan phim Tự do (Freedom Film Festival) 2012.

2

Nếu Tricia chọn cách tiếp cận đề tài một cách nghiêm túc và nhiều nước mắt để nói về một phần tình hình chính trị, thì EJ Mijares - đạo diễn trẻ đến từ Philippines - lại chọn lối kể chuyện hài hước, mỉa mai cho bộ phim tài liệu Sân khấu của mình. Sân khấu kể về cuộc sống của những người lao động nghèo tìm cái ăn nhờ vào những cuộc vận động tranh cử của các ứng viên tổng thống.

Nếu trên chính trường, các ứng viên “đấu tranh” để giành chiếc ghế thì ở cuộc sống thường nhật, những con người nghèo khổ cũng phải “đấu tranh” để sinh tồn, và sau mỗi cuộc tranh cử ngắn ngủi, những lời hứa của các chính trị gia cũng tan biến, và người nghèo thì vẫn nghèo. “Dẫu cho bộ phim của bạn có bài hát vui nhộn, có nhịp điệu nhanh hài hước, tôi vẫn cảm thấy có một nỗi buồn đọng lại sau đó” - đạo diễn Phan Đăng Di, người dẫn chương trình của bàn tròn, chia sẻ. Phan Đăng Di cho biết khi anh xem phim của hai đạo diễn trẻ này, anh đã yêu cầu Viện Goethe mời họ đến để cùng đối thoại, bởi những câu chuyện của họ khá đồng điệu với những gì đang diễn ra ở xã hội VN.

PvKEfsOY.jpgPhóng to
Poster phim Sân khấu

3

Ngồi cùng bàn tọa đàm với họ là Đoàn Thị Hồng Lê - tác giả bộ phim từng gây chú ý dư luận Đất đai thuộc về ai, xoay quanh câu chuyện về cuộc đấu tranh giành lại đất đai của người dân ở Quảng Nam (“Nỗi buồn lộng lẫy” Tuổi Trẻ ngày 3-6-2010). Nhắc lại về bộ phim từng đoạt giải A Hội Điện ảnh Đà Nẵng 2009 này, Hồng Lê cũng chia sẻ những trải nghiệm của một đạo diễn trẻ khi làm việc ở một đài truyền hình. Làm các phim tài liệu theo khuôn mẫu có sẵn, được đặt hàng, Hồng Lê không phải lo lắng về việc tìm kinh phí hay đầu ra cho bộ phim của mình, nhưng cũng cảm thấy mất dần lửa, không còn nhiều tự do để làm những phim tài liệu gai góc. Hoàn toàn chia sẻ với Hồng Lê, đạo diễn Phan Huyền Thư đến từ Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương cho biết chị cũng đang loay hoay với quyết định liệu tiếp tục ở lại hãng hay sẽ bứt ra để làm một nhà làm phim tài liệu độc lập và thực hiện những đề tài xuất phát từ những bức xúc cá nhân về cuộc sống.

Câu chuyện tưởng là riêng tư của các nhà làm phim tài liệu một lần nữa cho thấy phim tài liệu chỉ có thể đồng điệu cùng cuộc sống, ở lại với người xem khi bản thân người đạo diễn có những thôi thúc mãnh liệt được cất lên những tiếng nói trung thực và không thiếu dũng cảm.

Phan Đăng Di đặt câu hỏi về vấn đề kiểm duyệt với hai đạo diễn trẻ: “Các bạn có gặp khó khăn nào với chính quyền sở tại hay không?”. Tricia nhún vai: “Sự kiện về cái chết của Teoh là một sự kiện lớn, người dân đều muốn biết sự thật về nó, và vì thế chính quyền không muốn gặp thêm phiền toái nào. Họ sợ người dân sẽ phản ứng nếu họ tìm cách cản trở chúng tôi”. Trong khi đó, Mijares, vẫn với lối hóm hỉnh như chính bộ phim của anh, giải thích: “Thật may mắn, những ứng cử viên mà tôi đề cập trong phim đều thất bại trong cuộc tranh cử, vì thế tôi cũng không có rắc rối nào”. Câu trả lời của Mijares khiến bàn tròn bật cười, nhưng nó cũng cho thấy một cái nhìn về vấn đề kiểm duyệt ở các nước bạn.

(*) Liên hoan phim vừa kết thúc tại Hà Nội vào ngày 14-5 và đang diễn ra tại TP.HCM từ 10 đến 29-6, công chiếu miễn phí tại ÐH Hoa Sen.

PHAN XI NÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên