Các chuyên đề nói chuyện giới tính ngày càng được nhà trường, xã hội quan tâm hơn. Trong ảnh: chuyên gia tư vấn tâm lý Võ Thị Minh Huệ trò chuyện với học sinh Trường tiểu học Bành Văn Trân (TP.HCM) - Ảnh: Diệu Nguyễn |
“Chỉ năm nay trong trường có năm trường hợp thôi học để về làm đám cưới. Ai cũng hiểu các em đã “lỡ” nên phải cưới gấp”- thầy N.V.Q., 38 tuổi, quản sinh kiêm thầy giáo chủ nhiệm lớp 9, kể chuyện đầy tâm tư.
Lỡ rồi, đành phải...
Mới đây nhất là trường hợp của em A.P., học sinh lớp tôi chủ nhiệm. A.P. xinh xắn dễ thương, dù con nhà lao động nhưng trắng trẻo và rất “tiểu thư”.
A.P. học không tệ lắm, không có nhiều bạn, trong lớp cũng không thuộc thành phần quậy phá. Nói chung là rất bình thường, nên khi nghe tin A.P nghỉ học lấy chồng tôi đã sốc.
Hôm đó là ngày thứ hai em nghỉ học không lý do. Tôi gọi cho ba mẹ em nhưng không ai nghe máy. Đang mùa cạo mủ cao su thuê, tôi nghĩ có lẽ họ ở miết trong rừng cao su đến khi hết việc mới về. Nhưng mấy hôm sau khi tôi tìm đến nhà thì té ngửa vì thấy trò mình đang xúng xính trong bộ váy cô dâu.
Chú rể chính là con trai một chủ nhà hàng cách cổng trường tôi không xa. Thấy tôi tới, mẹ em chạy ra chào, nói lo đám cưới bận quá chưa nói chuyện được với thầy. Mặc cho sự ngơ ngác của tôi, mẹ em P. vẫn cười cười:
“Nó lỡ có bầu được bốn tháng rồi. Thôi thì con gái đường nào cũng phải gả chồng, gả được vào nhà ấy cũng ấm cái thân nó, thầy ạ. Học nhiều rồi sau này cũng vậy thôi”.
Tôi biết nói thế nào được nữa, chỉ trách mình đã không sâu sát, nắm bắt được hết tâm tư của học trò. Xảy ra chuyện lớn như vậy mà tôi không hề hay biết, đám trò trong lớp cũng không nói lại gì với tôi. Trong khi tôi cũng tự thấy mình gần gũi cởi mở, đâu khắt khe gì.
Bây giờ mỗi buổi sớm đi dạy ngang qua nhà hàng ấy, tôi vẫn thấy em ôm cái bụng bầu đã lớn ra phơi đồ hoặc quét dọn. Tự nhiên tôi chạnh lòng. Không biết rồi em sẽ thế nào khi ở tuổi ấy mà phải đảm đương trách nhiệm của người mẹ, người vợ, người con dâu của một đại gia đình buôn bán.
Học trò bây giờ lớn hơn trước nhiều, chẳng cần so với thế hệ chúng tôi mà chỉ cần so với lớp học trò cách đây chục năm đã thấy khác. Dạn dĩ hơn, hiểu biết hơn, năng động hơn. Nhưng dù có thế nào thì tuổi 15, 16 vẫn phải là tuổi đến trường chứ không phải ở nhà làm mẹ.
Những chuyện ngược đời như thế thường dẫn đến bi kịch. Tôi nhớ một trò nữ lớp 9 trong trường cách đây hai năm cũng vội vã lấy chồng vào những ngày hè cuối năm học. Trong khi các bạn cùng lứa đang căng mình ôn thi vào trường THPT thì em ở nhà, sáng sáng ẵm con ra đầu ngõ hứng nắng.
Thấy tôi em nhoẻn miệng cười chào. Rồi chẳng hiểu sao em bị chồng đánh, bị nhà chồng đuổi về. Em bỏ con cho mẹ nuôi rồi vào Sài Gòn làm thuê gần một năm nay. Vậy là cũng xong một đời chồng, khi chưa tròn 18 tuổi.
Kể ra các em như P. và em nữ sinh kia vẫn còn may mắn vì đứa con được thừa nhận. Tôi không có cơ hội kiểm chứng, nhưng chuyện em này em kia đi phá thai lâu lâu cũng xuất hiện. Khách quan mà nói câu chuyện của các em không phải là số đông phổ biến trong trường học.
So với hàng chục lớp học trò mà tôi biết kể từ khi ra trường, chừng ấy câu chuyện cũng không phải là nhiều. Nhưng mỗi khi có một câu chuyện như vậy xảy ra tôi lại thấy xót xa vô cùng.
Giống như người hết sức vun trồng cho một cây non, cây đang tốt tươi chưa kịp trưởng thành thì... Không phải tiếc công vun trồng mà nhìn những dòng nhựa chảy ra từ cây non khiến người trồng cũng thấy đau như khi máu chảy ra từ vết cắt ở bàn tay mình.
Biết trước cuộc sống không mấy sáng sủa đang đợi các em ngay gần đây thôi mà không sao ngăn được. Nói đi nói lại, để xảy đến hậu quả này một phần cũng có lỗi của những nhà giáo chúng tôi, đã không dạy được các em giữ gìn sự trong sáng tinh khôi của tuổi học trò.
Vẽ một con đường
Thật ra trong trường vẫn có các buổi học lồng ghép nội dung giáo dục giới tính hoặc các buổi ngoại khóa, chuyên đề. Nhưng tôi cảm thấy các buổi học chỉ như cưỡi ngựa xem hoa. Nội dung khá nhạt nhẽo và lặp lại vì dù cởi mở đến mấy vẫn có giới hạn của nó. Việc dạy dỗ chỉ dừng lại ở những điều có trong sách vở, nên thế này không nên thế nọ.
Có lần tôi định chiếu một clip về nạo phá thai cho các em xem nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy khủng khiếp quá. Hình ảnh đó người lớn nhìn còn sợ.
Các em sợ hậu quả cũng tốt, sẽ phải nghĩ đến hậu quả đó trước khi làm gì không đúng, nhưng có em xem xong sẽ sốc nặng. Cuối cùng tôi đành tiếp tục giảng: các em không nên quan hệ tình dục khi chưa chuẩn bị sẵn sàng các kiến thức cơ bản để bảo vệ mình. Nếu không sẽ dẫn đến hậu quả là mang thai ngoài ý muốn, lây truyền các bệnh qua đường tình dục... Và hết.
Chính tôi cũng cảm nhận sự nhàm chán trong lời nói của mình. Dần dần tôi thấy các em thờ ơ và không muốn nghe những gì tôi nói nữa. Đành chỉ hướng dẫn các em nên xem ở đâu, xem cái gì, nên hay không, làm sao cho an toàn.
Tôi cảm nhận như chúng tôi nói khác và thực tế đang dạy cho các em bằng những cách khác, với những thông tin khác.
Chúng tôi nói em nên... em không nên... Còn thực tế, một cú click chuột cả kho dữ liệu hiện ra, người ta chỉ “làm” mà chẳng cần nói gì. Và theo bản năng, các em thích những thông tin bên ngoài hơn.
Một lần tôi bắt gặp mấy em nam giành giật nhau cái iPad đang chiếu phim sex ngay trong giờ sinh hoạt cuối tuần. Tôi giận run người. Cứ xem những chuyện như vậy rồi nhiều em tỏ ra “biết tuốt”, nhưng thực tế là các em chỉ biết một nửa. Kiến thức về giới tính đâu chỉ gói gọn trong chuyện đó và cách làm chuyện đó.
Rồi có khi tôi đang dạy lớp khác thì có trò trong lớp nhắn tin “méc” là trong lớp có hai bạn trốn giờ thể dục đang ngồi ôm hôn nhau.
Về sau, tôi cho khóa cửa lớp vào các giờ thể dục. Nhưng ai cũng thừa biết như vậy chẳng giải quyết được gì. Chuyện đó không xảy ra ở nơi này sẽ xảy ra ở nơi khác một khi các em đã muốn.
Một thực tế khác nữa là, theo tôi biết, trong số các vụ bạo lực học đường ở tuổi này rất nhiều vụ liên quan đến ghen tuông, giành giật bạn trai, bạn gái!
Chuyện của Na, của P.... chưa xa là những bài học nhãn tiền nhưng các em vẫn mắc phải. Nhưng làm sao trách được cái tò mò, ưa khám phá của tuổi trẻ ấy. Nên trách người lớn chúng ta đã không đủ sức dẫn dắt các em đi đến những điều đúng đắn.
Tôi đã thử nói chuyện với các em về giới tính, một cách gần gũi và trao đổi với từng nhóm nhỏ. Hóa ra giữa thời đại thông tin này mà các em thật sự “đói khát” những thông tin đúng về lĩnh vực quan trọng này.
Khi đã đủ tin tưởng vào thầy, các em bắt đầu nói ra vấn đề của mình và tôi đều giải đáp hết. Không chỉ là những thắc mắc về sức khỏe sinh sản, các em cần được tư vấn, lắng nghe rất nhiều về tình cảm, tâm lý, vì chính những khúc mắc này mới làm nảy sinh những chuyện “không nên” như trên.
Dù là thầy cô giáo hay ba mẹ, tôi nghĩ đều cần một sự đồng cảm và biết lắng nghe các em. Đừng để những con hươu chạy lung tung. Hãy vẽ một con đường đúng...
_______________
Kỳ tới: Nghĩa trang 60.000 hài nhi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận