Chuyện của một chủ trang trại sầu riêng: Sự tử tế chỉ chênh nhau 5 giá

HUY THỌ 12/07/2024 13:07 GMT+7

TTCT - "Khi tiếp thương lái, tôi vẫn khoe và đưa giấy tờ ra chứng mình sản phẩm mình là sạch, là tử tế, nhưng họ đều cười và bảo cũng chỉ hơn 5 giá thôi chú ơi".

Cây sầu riêng trong trang trại của ông Phạm Văn Tuấn. Ảnh: Tuấn Hồ

Cây sầu riêng trong trang trại của ông Phạm Văn Tuấn. Ảnh: Tuấn Hồ

Đầu tháng 6-2024, ông Phạm Văn Tuấn, chủ trang trại sầu riêng Sport Farm ở Gia Lai, gọi điện khoe: một phái đoàn của Bộ Nông nghiệp Úc vừa ghé khảo sát trang trại của ông. "Kết thúc cuộc khảo sát, họ nói "very good" khiến tôi vô cùng hạnh phúc…" - ông kể. 

Nhưng câu chuyện của ông chứa nhiều ưu tư của một nỗi sầu chung giữa người theo đuổi loại trái cây đặc biệt này.

Thật ra, hạnh phúc của ông Tuấn không chỉ là lời khen từ phái đoàn Bộ Nông nghiệp Úc, mà còn từ việc các đại lý thu mua sầu riêng đồng ý mua sầu của ông cao hơn các vườn khác 5 giá (tức 85.000 đồng/kg, trong khi thị trường 80.000 đồng/kg). Nhưng ông chủ vườn cho rằng như thế vẫn chưa xứng với những gì ông đã đầu tư vào vườn sầu riêng của mình.

Ông Phạm Văn Tuấn sinh ra ở Pleiku, Gia Lai. Thời trẻ, ông là cầu thủ khoác áo đội tuyển bóng đá Gia Lai. Hết thời đá bóng, ông đi học ĐH TDTT, về công tác tại Sở Thể dục thể thao Gia Lai, rồi dần dà được bổ nhiệm vị trí giám đốc. 

Chính trong thời kỳ làm giám đốc sở, ông đã giao đội bóng tỉnh nhà cho bầu Đức - một quyết định từng khiến ông "lên bờ xuống ruộng" vì thời ấy, mang đội bóng của Nhà nước giao cho tư nhân là chuyện chưa hề có. 

Nhưng rồi ông vẫn hoạn lộ thênh thang, được điều về Hà Nội ngồi ghế tổng cục phó Tổng cục Thể dục thể thao, có lúc còn ngồi luôn cả ghế phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN. Sau đó, ông xin rút lui để chuyển sang Hiệp hội thể thao người khuyết tật VN. 

Câu chuyện ngày trước với ông xoay quanh quả bóng, nhưng trong vòng gần 10 năm nay, chủ đề chuyển sang hẳn quả sầu.

Tại sao có sự thay đổi từ quả bóng sang quả sầu riêng?

Vào đầu thập niên 1990, đất nông nghiệp ở Gia Lai cho không cũng không ai muốn lấy. Nhưng lúc ấy tôi đã nghĩ đến chuyện khi mình về hưu thì sẽ tập trung làm nông nghiệp, nên đã xin và được cấp 15ha ở huyện Chư Pah, Gia Lai. Hồi ấy chỉ trồng mỗi một thứ là cây cà phê. 

Ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, việc đầu tiên tôi làm là đi một vòng khắp nước, nói chính xác là đi đến những vùng nổi tiếng về nông nghiệp nhằm tìm kiếm một thứ gì đó thay thế cây cà phê, vốn quá phập phù. 

Tôi nhận ra chỉ có cây sầu riêng là hấp dẫn nhất, dù lúc ấy giá của nó chỉ 40.000 đồng/kg thu mua tại vườn. Tôi xuống tận nhà ông Sáu Ri ở Chợ Lách (Bến Tre) - cha đẻ của giống sầu riêng Ri 6 nổi tiếng, rồi ông Chín Hóa… 

Đi lang thang tìm hiểu mới phát hiện nhiều chuyện vui vui, ví dụ giống sầu riêng của ông Chín Hóa giờ đi lang bạt thành là Chín Quá và được giải thích là giống này phải để chín quá ăn mới ngon.

Sau khi tìm hiểu và học hỏi, tôi về, quyết định chặt bỏ cây cà phê, năm 2019 chính thức xuống giống trồng 11ha sầu riêng. Nghĩ mình xuất thân là dân thể thao, giờ đắm đuối đi làm nông nên để kết hợp cả hai thứ quan trọng trong cuộc đời, tôi đặt tên trang trại sầu riêng của mình là Sport Farm.

Một cây sầu riêng trong trang trại của ông Phạm Văn Tuấn. Ảnh: Tuấn Hồ

Một cây sầu riêng trong trang trại của ông Phạm Văn Tuấn. Ảnh: Tuấn Hồ

Mê là một chuyện, nhưng trang bị kiến thức để thực hiện đam mê mới khó. Ông có thể kể chi tiết hơn về sự học để theo quả sầu riêng của mình?

Tôi may mắn là trong mấy chục năm làm thể thao đã có được rất nhiều bạn bè, trong đó có nhiều người thành công trong lĩnh vực nông nghiệp và tôi tìm đến để học. Nghe ai có gì hay tôi cũng tìm đến thọ giáo. 

Ví dụ tôi có một ông bạn từng là một nhân vật tiếng tăm trong làng kinh doanh nước giải khát - anh Đặng Ngọc Cẩn, người giờ cũng nổi tiếng trong nông nghiệp với Công ty Lavifood. Nghe mọi người kháo nhau ở quận 12, TPHCM có một anh đầu tư hàng triệu đô la để nhập thiết bị từ Đức về nhằm nghiên cứu vi sinh vật phục vụ nông nghiệp, tôi cũng mò tới. 

Với chế phẩm sinh học IMO 4 chứa các lợi khuẩn bản địa tôi cũng đi học hỏi và biết có nhiều cách làm khác tinh vi hơn, chẳng hạn gốc của chế phẩm này chỉ có đường mật mía, cám gạo, sữa chua, men rượu, men tiêu hóa, đu đủ chín, chuối chín… nay còn thêm cả trứng gà, cá… Chế phẩm này dùng để tưới cho cây trước khi thu hoạch tầm 20 ngày thì quả sầu riêng sẽ thơm hơn, cơm ngon hơn…

Cơn thèm sầu riêng của đất nước láng giềng có hơn 1,4 tỉ dân đã giúp các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam kiếm nhiều tiền từ sầu riêng. Nhưng phàm cái gì hấp dẫn quá thì kèm theo sốt, mà sốt thì thường là không tốt. Ông nghĩ sao?

Không chỉ Thái, Mã và Việt đâu, còn có cả Campuchia nữa. Tôi có người bạn là sĩ quan cấp tướng ở Campuchia, cũng là quen nhau qua thể thao, nên đã đi qua bên ấy tìm hiểu, hiện nay ở Campuchia cũng trồng sầu riêng bạt ngàn. 

Nhưng phải nói rằng trong cuộc đua sầu riêng, Việt Nam có nhiều lợi thế. Lợi thế đầu tiên là nhờ vị trí địa lý. Mùa sầu riêng của Thái Lan và Malaysia chỉ kéo dài trong vòng 2 tháng, nhưng ở Việt Nam kéo dài đến 10 tháng. 

Đầu tiên là Bến Tre, Tiền Giang vào vụ chính thời điểm tháng 4 -5. Sau đó đến Long Khánh (Đồng Nai), Bình Phước, Đắk Nông. Tiếp tới là Gia Lai, Kon Tum, cuối cùng là Đắk Lắk. Mới đây còn thêm vùng Khánh Sơn, Cam Ranh, Khánh Hòa nữa.

Ưu thế thứ hai là người nông dân Việt Nam rất giỏi và cần cù. Cứ nhìn sang các sản phẩm nông nghiệp khác thì thấy. Lúa gạo của chúng ta từ chỗ thiếu ăn nay đã vươn lên số 1 thế giới. 

Cà phê của Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, nay đã chiếm thứ hạng cao. Con tôm cũng thế, dù chúng ta có nhiều gờ cản không đáng có, nhưng con tôm xuất khẩu cũng nằm trong tốp 4 thế giới. 

Và sầu riêng tôi nghĩ cũng thế, nó càng khó tính thì càng có lợi cho người nông dân Việt Nam, vốn rất năng động, sáng tạo và chịu khó.

Việc thụ phấn giúp cây sầu riêng ra trái hiệu quả hơn thường được thực hiện lúc 18h đến 21h. Ảnh: Tuấn Hồ

Việc thụ phấn giúp cây sầu riêng ra trái hiệu quả hơn thường được thực hiện lúc 18h đến 21h. Ảnh: Tuấn Hồ

Nhưng vấn đề là người trồng sầu riêng nói riêng và giới làm nông nghiệp nói chung vẫn thiếu sự hỗ trợ từ Nhà nước. Hỗ trợ ở đây không phải là tiền bạc, cách trồng mà chính là chính sách, là sự bảo vệ những người làm đúng. Nói cách khác, muốn nông nghiệp Việt Nam ra biển, đừng để nông dân bơi một mình. 

Tôi lấy ví dụ bên Thái Lan, người trồng sầu riêng khi đến mùa thu hoạch sẽ có người của nhà nước xuống lấy mẫu về kiểm nghiệm, sau đó giúp nhà nông làm các thủ tục để có giấy chứng nhận về nguồn gốc, về chất lượng, xuất xứ… Còn ở mình, vui thì cấp, buồn thì thôi. Bản thân tôi nộp hồ sơ hai năm rồi để xin cấp mã vùng trồng mà vẫn chưa có.

Ông có thể nói chi tiết hơn?

Tôi xem báo đài thấy Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khi về dự lễ hội lúa rươi hữu cơ vụ xuân 2024 vào ngày 12-6 tại Hải Dương đã nói một câu rất hay là "Bán hạt gạo không bao giờ giàu. Bán sự tử tế sẽ giàu". Từ ngày bắt tay vào làm nông trại sầu riêng, tôi cũng luôn tâm niệm như điều bộ trưởng nói. 

Đất của tôi cứ ba tháng là thuê công ty bên ngoài về kiểm nghiệm một lần về mọi chỉ số như độ pH, chỉ số vi khuẩn có lợi - có hại, về nguồn nước… Mỗi lần như thế tốn 1,2 triệu đồng. Tôi hoàn toàn tự tin trái sầu của mình là sản phẩm sạch, có như thế thương lái mới trả cao hơn thị trường 5 giá, hay đoàn Bộ Nông nghiệp Úc sang khảo sát mới khen "very good" chứ. 

Nhưng tôi làm sạch thì tôi sẽ lời ít, đó là điều chắc chắn. Nếu gặp rủi ro về thương trường, tôi cũng dính nặng hơn. Khi tiếp thương lái, tôi vẫn khoe và đưa giấy tờ ra chứng mình sản phẩm mình là sạch, là tử tế, nhưng họ đều cười và bảo cũng chỉ hơn 5 giá thôi chú ơi. 

Nên tôi rất mong báo chuyển cho bộ trưởng câu hỏi: Sự tử tế mà chỉ chênh 5 giá thì làm sao thuyết phục được người trồng, thưa bộ trưởng?

Ông Phạm Văn Tuấn trong trang trại của mình. Ảnh: Tuấn Hồ

Ông Phạm Văn Tuấn trong trang trại của mình. Ảnh: Tuấn Hồ

Và câu hỏi thứ hai, tôi cũng muốn nhờ báo chuyển cho bộ trưởng. Câu chuyện giống cây trồng là một vấn đề lớn. Người Thái tự hào có giống Muathong, người Mã tự hào với giống Musang King, bây giờ người Campuchia cũng đã có chiến lược xây dựng thương hiệu giống Kampot cho riêng mình. 

Còn người Việt trồng sầu riêng thì sao? Chúng ta đắm đuối theo Muangthong, vài năm gần đây là Musang King. Trong khi đó chúng ta có giống Ri 6 rất độc đáo. Ri 6 trồng khó hơn, năng suất thấp hơn Muangthong, nhưng nó ngon và thơm hơn hẳn. 

Tại sao không đầu tư làm thật tốt về thương hiệu cho Ri 6 "made in Việt Nam"? Và nếu làm thì ai làm, người nông dân tự làm hay Nhà nước, thưa bộ trưởng?

Phần mình, tôi dù chỉ trồng 1/3 trang trại là giống Ri 6 (2/3 còn lại là Muangthong, cùng một ít giống khác như để làm phong phú cho trang trại như Musangking, Chín Hóa, Khổ Qua, Chuồng Bò…) nhưng cũng bị nhiều người mắng là… khùng. Không có một thương hiệu riêng cho mình là thua thiệt, mà thà là không có, đằng này có mà không biết làm quảng bá mới là đau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận