Ông Đỗ Văn Hoàn, một người nuôi dê ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai), dở khóc dở mếu với chuyện tiêu thụ thịt dê khi ông bị tịch thu và tiêu hủy 7 con dê thịt, lại còn bị phạt 2 triệu đồng vì “vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc”.
Ở Đồng Nai, không chỉ riêng ông Hoàn mà toàn bộ người chăn nuôi dê ở đây đều bị rơi vào tình cảnh tương tự: để đưa thịt dê vào nhà hàng quán ăn, người nuôi dê chỉ có cách giết mổ chui, vận chuyển lậu.
Một thực tế đáng buồn là hằng ngày người nuôi dê cung cấp cho thị trường hàng tấn thịt, thế nhưng họ không thể vận chuyển công khai từ điểm giết mổ đến nơi tiêu thụ vì không có dấu kiểm dịch của thú y. Ai liều chở đi trên đường bị thú y bắt coi như mất trắng.
Nhưng trớ trêu thay, để có dấu kiểm dịch của ngành thú y thì con dê phải được đưa vào lò giết mổ tập trung. Tại đây, cán bộ thú y mới kiểm tra dịch tễ và đóng dấu kiểm dịch sau khi giết mổ. Có dấu kiểm dịch, người bán mới vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Tuy nhiên, hiện ở Đồng Nai chỉ có cơ sở giết mổ heo, trâu bò, gà vịt... chứ không có chỗ giết mổ dê. Do vậy, người chăn nuôi chỉ còn cách tự giết mổ, hay nói cách khác là... giết mổ lậu.
Nếu làm đúng theo quy định của pháp luật thì đầu ra cho con dê hiện bị “tắc tị” vì cơ quan thú y không cấp giấy kiểm dịch. Không có đầu ra “đường hoàng” khiến người nuôi dê gặp rất nhiều khó khăn do giá trị dê thành phẩm thấp, bị thương lái ép giá.
Một nghịch lý nữa là nhiều chương trình giảm nghèo của một số địa phương ở Đồng Nai cũng chọn con dê làm vật nuôi. Nhiều năm qua, Nhà nước cũng đã cấp cho người nghèo hàng ngàn con dê giống để giúp họ thoát nghèo nhưng khi nuôi lớn thì vẫn bán chui, vẫn chỉ giết mổ lén lút.
Theo thống kê, hiện tổng đàn dê trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng 50.000 con. Có nhiều hộ nuôi với số lượng hàng chục thậm chí hàng trăm con nhưng khâu tiêu thụ lại rất bấp bênh vì đầu ra bị chặn do không có giấy kiểm dịch.
Chuyện con dê tưởng nhỏ nhưng lại không nhỏ. Bởi nó phản ánh sinh động một nghịch lý: người nông dân không được hỗ trợ để sản xuất hàng hóa ở quy mô lớn hơn.
Người ta quen với chuyện người chăn nuôi, buôn bán cố tình làm sai quy định của pháp luật để hưởng lợi nhưng với người nuôi dê thì ngược lại, họ đòi hỏi Nhà nước phải giúp họ làm đúng quy định, đúng điều kiện chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ khép kín theo chuỗi.
Từ chuyện con dê lộ ra nhiều điều, đó là trách nhiệm của các ngành chức năng trong việc giúp đỡ, tiếp sức, hà hơi cho người nông dân làm ăn chân chính, giúp họ có lãi và làm giàu.
Và từ chuyện con dê cũng cho thấy cái khổ của người nông dân khi họ loay hoay “tự bơi” để cứu mình thì làm sao nghĩ đến làm ăn lớn, cạnh tranh hay vươn ra thị trường bên ngoài.
Quên “chuyện nhỏ như con dê” thì làm sao có thể tính đến chuyện lớn là cùng chung tay giúp sức cho nông dân làm ăn lớn, hướng họ vào thị trường lớn hơn khi bước vào giai đoạn hội nhập TPP?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận