Ba cây chà là canary trồng ở vòng xoay trung tâm TP Huế - Ảnh: THÁI LỘC
Tỉnh đã và đang biến những nơi trước đây ý đồ làm resort, dịch vụ như cồn Dã Viên, đồi Vọng Cảnh, Thiên An... thành công viên công cộng để dân mình hưởng hết.
Ông PHAN NGỌC THỌ (chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
Cứu cây kim cương
Đến Huế, anh bạn chuyên ngành lâm sinh ở Sài Gòn không tin vào mắt mình khi chứng kiến ba cây "kim cương", tên gọi khác của chà là canary ở bùng binh trung tâm, giao lộ các đường Hùng Vương, Hà Nội, Đống Đa, Lê Quý Đôn, Bến Nghé. "Đây là lần đầu mình thấy chà là canary cổ thụ, đẹp như vậy mà lại nằm giữa miền Trung, thiệt lạ lùng và quá quý giá" - anh bạn ngẩn ngơ dưới tán cây trên đám cỏ giữa xung quanh xe cộ đông đúc.
Trước đó, khi thực địa cây xanh, chuyên gia thực vật Đỗ Xuân Cẩm vô cùng bất ngờ khi nhận ra bốn cây chà là cổ thụ quý giá nằm trong khuôn viên Công ty xăng dầu, cách bùng binh hiện nay vài chục bước chân. Dựa vào thân cây, ông Cẩm đoán định tuổi cả trăm năm, trồng từ thời Pháp. Sau đó, ông được Sở Khoa học công nghệ Thừa Thiên Huế mời góp ý bản thuyết minh việc bàn giao trụ sở xăng dầu cho một doanh nghiệp, kèm theo đốn hạ bốn cây chà là. Sở đã đề nghị giữ bốn cây quý theo ý kiến của ông. Bốn cây sau đó "được cứu", chính quyền TP Huế bứng về trồng tạm ở một khu đất trên đường Lâm Hoằng, phường Vỹ Dạ...
Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên chủ tịch UBND TP Huế, kể câu chuyện đằng sau việc cứu và trồng lại cây ấy. Hồi đó, UBND TP Huế được giao giải tỏa hai kiốt gần bốn cây chà là để giao đất cho doanh nghiệp. Để "dễ bề ăn nói" với dân, ông Thành đề nghị thêm hạng mục cải tạo bùng binh này, nhờ vậy là giải tỏa trôi chảy. Nhưng vị trí bùng binh quá "nhạy cảm". Nhiều cuộc họp, rất nhiều giải pháp được đưa ra bàn bạc. Có ý kiến cần làm tượng đài hoặc kiến trúc biểu tượng dạng cổng như "Khải Hoàn môn"...
Ông Thành đưa ngay ý kiến rằng cũng phải chừa phần cho con cháu sau này có nhiều thời gian và trình độ hơn để tính toán giải pháp bài bản chứ không nhất thiết phải xây ngay, tốn kém mà chưa chắc hợp lý. Chọn trồng cây xanh, ông chợt nhớ đến mấy cây chà là nên gọi ngay chuyên gia Đỗ Xuân Cẩm. "Quá hay, vì cũng là cây kỷ niệm, nằm gần đó, lại là giống cây quý nhập nội mà cả nước không dễ chi có" - ông Cẩm hưởng ứng. Đến nay nghĩ lại, ông Thành vẫn rất bằng lòng, bởi chà là vừa đẹp, vừa mang ý nghĩa kỷ niệm, không choán tầm nhìn, phù hợp với bùng binh xe cộ đông đúc bậc nhất của thành phố.
640 cổ thụ
Chà là nằm trong số hàng loạt loại cây quý du nhập từ nhiều phương trời về trồng cả trăm năm trước ở Huế. Đó có thể là loài bao báp nguồn gốc châu Phi mà cổ thụ tuổi hàng trăm năm nằm sau UBND phường Phước Vĩnh. Những hàng thốt nốt, nhạc ngựa gốc miền Nam cao lớn nằm ở công viên ven sông Hương. Hay "đại thụ" me tây trên đường Bạch Đằng, trong sân trường Nguyễn Chí Diểu; những cây xà cừ cổ lão; hàng long não hay hàng muối tuổi mấy đời người tồn tại khắp nơi...
Phó giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế Đặng Ngọc Quý cho biết có khoảng 640 cổ thụ đường kính gốc từ 70cm trở lên tại công viên và đường phố. Con số ấy vô cùng ý nghĩa đối với đô thị không lớn, lại nằm trong vùng bão như Huế, đang là nguồn giống quan trọng của trung tâm này.
Nhiều người tin rằng, việc chọn cây rừng, bản địa hay di thực về trồng đường phố, công viên ở Huế bắt đầu từ thời thuộc Pháp, khoảng đầu thế kỷ 20. Một số tư liệu, hình ảnh cũ thể hiện thành Huế thời ấy nhiều tuyến đường nào cây ấy. Nhiều đường mang tên cây dân gian còn truyền: Hàng Đoát, Hàng Me, Phượng Bay, Long Não... Tiếc cho chiến tranh, bão tố, cả sự thờ ơ của con người mà nhiều cây xanh cũng lụi tàn.
Những đường Hàng Me, Hàng Đoát chỉ còn trong hoài niệm. Cũng may đến nay một số đường vẫn còn loài chủ đạo như long não (Lê Lợi), muối (Đoàn Thị Điểm), phượng vĩ (Lê Duẩn, Đặng Thái Thân), đoát (Nguyễn Đình Chiểu), lim xẹt (23 Tháng 8, Lê Huân, Ngô Quyền), bồ đề (Huỳnh Thúc Kháng, Bạch Đằng)...
Hơn 10 năm trở lại, chính quyền TP Huế đã đầu tư chỉnh trang hạ tầng, lát đá hè phố, không ít đoàn các thành phố đến học hỏi kinh nghiệm. Riêng cây xanh đường phố, chính quyền đã nỗ lực thống kê, đánh số, trồng xen, trồng mới thành nên nhiều tuyến rợp bóng cây xanh. Có rất nhiều tuyến mới trồng những loại cây thường xanh cho hoa tuyệt đẹp vừa được nhập về từ miền Bắc, miền Nam, Tây Nguyên và cả nước ngoài. Nhiều đoạn ven Ngự hà và sông An Cựu đẹp nhất trong số đó...
Thảm cỏ trước hoàng cung đang dần trở thành công viên mai vàng - Ảnh: THÁI LỘC
"Giá trị cốt lõi"
Trong những ngày hè nắng gắt, tại công viên trước mặt hoàng cung ven đường 23 Tháng 8, những nhóm công nhân từng giờ chăm tưới hàng dãy mai vàng vừa được trồng mới. Ông Hoàng Hải Minh - chủ tịch UBND TP Huế - cho biết "công viên mai vàng" này khởi đầu cho kế hoạch tạo lập khu vực phố đi bộ rộng lớn và bài bản bao quanh hoàng cung trong tương lai. Ông tiết lộ ý tưởng hướng đến những giá trị truyền thống. Mỗi tuyến trong đó được trồng và tạo lập cảnh quan bởi những loài cây chủ đạo như mai, lan, cúc, trúc tương ứng với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và nằm trong sự liên tưởng đến bốn loài linh vật long, lân, quy, phượng...
Theo ông Minh, gần đây chính quyền TP Huế tập trung phát triển cây xanh đô thị, trồng thêm cây bản địa hoặc cây đã thích nghi và nghiên cứu thêm nhiều cây mới có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt của Huế để di thực về trồng. Công viên ven sông được TP dẹp bỏ hàng rào, cắt tỉa cây cối, chỉnh trang cảnh quan, làm đường đi dạo... Ông cho biết 356 tuyến đường, công viên của Huế có hơn 65.000 cây xanh, đạt 13,17m2/đầu người, và kế hoạch phải đạt 100.000 cây vào năm 2025.
"Ở Huế, việc đầu tư xây dựng nhiều công trình từng bị phản ứng, vì ảnh hưởng đến cảnh quan di sản. Nhưng việc đầu tư cho cây xanh, cải tạo cảnh quan công viên thời gian qua tốn không nhiều kinh phí, làm nhanh và rất mừng vì nhận được nhiều sự đồng thuận của người dân" - ông Hoàng Hải Minh cho biết.
Ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nói trong tự hào, rằng những công viên như đôi bờ sông Hương và không gian bao quanh hoàng cung Huế là độc nhất vô nhị của Việt Nam, do vậy tỉnh đang chỉ đạo TP Huế chăm chút từng tí một.
"Tỉnh đang chỉ đạo TP làm thông thoáng đường sau chợ Đông Ba, chuẩn bị khởi công đường dạo ven sông từ cầu Dã Viên đến chùa Thiên Mụ, hạ cốt lề đường, hàng rào công trình ven đường Lê Lợi tạo không gian thông thoáng cho người dân hưởng thụ... Tỉnh đã và đang biến những nơi trước đây ý đồ làm resort, dịch vụ như cồn Dã Viên, đồi Vọng Cảnh, Thiên An... thành công viên công cộng để dân mình hưởng hết" - ông Phan Ngọc Thọ cho biết.
Chỉ một xóm nhỏ dưới chân núi mà có đến 8 ngôi mộ phu đá thiệt mạng tức tưởi. Có nhà bị đến mấy người con trai không kịp nuôi con thơ khôn lớn. Công việc nhọc nhằn kiếm miếng cơm manh áo của đời phu đá nơi sơn cao, rừng vắng đẫm mồ hôi, máu và nước mắt...
Mời bạn đọc đón đọc hồ sơ: Đời phu đá - mồ hôi, máu và nước mắt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận