Cây măng cụt được truyền kể do Tả quân Lê Văn Duyệt trồng trong vườn Thường Lạc ở Huế - Ảnh: THÁI LỘC
Ngày ương hột măng cụt, Tùng Thiện vương nhớ ngày trồng những cây tùng ở đàn Nam Giao mới viết câu: Cùng thông xin tự sánh/Gốc nhánh tốt muôn năm.
Tác giả Ưng Trình
Măng cụt trong vườn Tả tướng quân
Chúng tôi ghé Thường Lạc viên, phủ thờ Tả tướng quân Lê Văn Duyệt tại 20 đường Phú Mộng (phường Kim Long, TP Huế) theo lời giới thiệu về cây măng cụt "cổ thụ nhất Huế". Ngay sân trước khu từ đường cổ kính là một cây măng cụt cao chỉ hơn 10m nhưng phần gốc rất lớn. Ông Lê Chánh Tuấn cho biết cây do cụ tổ Lê Văn Duyệt trồng hơn 180 năm trước, khi xây dựng ngôi nhà.
Ông Tuấn là hậu duệ đời thứ 9 của cụ Lê Văn Yến, gọi Tả quân Lê Văn Duyệt là bác ruột, được nhận làm con nuôi nối dòng. Đầu thế kỷ 19, Tả quân được vua ban khu đất này lập nên vườn Thường Lạc, trồng rất nhiều măng cụt. Về sau, nhà cửa con cháu đông dần, số thì bị phá làm nhà, số tàn lụi do bão hay lão hóa, nay chỉ còn lại hai cây kỷ niệm của đức ông.
Măng cụt của Tả quân năng suất rất thấp, mỗi mùa chỉ vài chục trái. Mỗi ngày, vài trái chín rụng, người nhà rửa sạch, trước dâng tiên tổ, sau cấp cho con cháu trong gia đình. "Có lẽ cây lão quá nên trái rất ít, nhưng hương vị rất thơm và rất ngon không đâu sánh bằng. Nhiều người biết cây ni tuyệt ngon nên hay tới hỏi mua giá gấp mấy lần. Làm chi có mà bán" - ông Tuấn nói.
Vườn Thường Lạc nằm giữa khu nhà vườn Kim Long của Huế, cây trái nhiều tầng bậc, sum sê, vốn là khu vực của các quan đại thần triều Nguyễn ngày xưa. Ngay cạnh Thường Lạc viên là tiểu cung Xuân Viên của quan thượng thư Bộ lễ Phạm Hữu Điển cũng tỏa bóng nhiều cây măng cụt cổ thụ.
Cách đó không xa là khu vườn xưa của quan phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết cùng nhiều vườn tược của các vị quan lớn... Danh tiếng nhất của vườn tược Kim Long vẫn là măng cụt, hầu hết đều giống trái nhỏ, nhưng hương thơm lẫn vị ngọt thanh khác lạ không đâu sánh bằng. Đến mùa măng cụt miền Nam hay Thái Lan nhập về đầy chợ, nhưng người sành ăn ở Huế vẫn bằng mọi cách tìm cho được măng cụt Kim Long với giá gấp đôi, gấp ba để vừa thưởng thức vừa gửi biếu phương xa.
Phủ Tùng Thiện vương, nơi thờ “ông tổ” trồng măng cụt ở Huế - Ảnh: THÁI LỘC
Ông tổ nghề trồng
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi măng cụt đưa về kinh thời Minh Mạng, được vua ban tên giáng châu - ngọc quý trời ban. Tùng Thiện vương, hoàng tử thứ 10 vua Minh Mạng, được giới thiệu "ông tổ nghề" trồng măng cụt của Huế.
Ghé thăm khu phủ nằm hướng ra sông An Cựu, ông Bửu Tộ, hậu duệ đời thứ 4 của vị thân vương, mở cổng mời thăm ngôi từ đường cổ kính nằm giữa nhiều cây cổ thụ, từ mai vàng, mít, nhãn, mận và vú sữa...
Ông Bửu Tộ tỏ vẻ tiếc nuối vì vườn xưa cụ tổ không còn măng cụt, loài cây được ghi chép do chính cụ thừa lệnh vua cha ươm trồng.
Tác giả Ưng Trình chép chuyện ông cố nội mình: "Dân ở tỉnh Gia Định có người đem cá phát lác (thác lác), quả măng cụt ra dâng; đức Minh Mạng sắc cho ông Hoàng Mười ương hột vào ngự viên, nuôi cá vào ngự hà để gây giống cho dân dùng, vì hai thứ ấy hoàng đế cho là vưu vật.
Ngày ương hột măng cụt, Tùng Thiện vương nhớ ngày trồng những cây tùng ở đàn Nam Giao mới viết câu: Cùng thông xin tự sánh/Gốc nhánh tốt muôn năm. Ngày nay cả hạt Thừa Thiên không thiếu gì hai thứ ấy".
Thiệt lạ, măng cụt được vua ban tên giáng châu, cho là vưu vật đất nước. Nhưng ông Lê Công Sơn, người từng nghiên cứu phục hồi cây xanh di tích Huế, không giấu băn khoăn: "Vườn tược Kim Long trồng rất nhiều, gần như vườn nào cũng có, nhưng trong hoàng cung không thấy măng cụt. Phải chăng người xưa kiêng kỵ điều gì chăng?". Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn bật cười khi liên tưởng sự dung tục từ cái tên măng cụt, ông nói: "Người xưa cũng nói lái dữ lắm. Có lẽ các vị tránh trồng trong cung vì nghĩ đến cách nói lái thành ra dung tục cái tên này!".
Kỳ hoa dị thảo
Vườn Ý Thảo của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa trong thành nội Huế là một nơi lý thú để thưởng ngoạn với hàng trăm loại "kỳ hoa dị thảo" quanh năm khoe sắc, tỏa hương. Ông mua vườn năm 1975, lúc ấy rợp kín hồng xiêm và nhiều loại cây trái.
Ý tưởng biến thành khu vườn thưởng ngoạn vào năm 1990, sau khi người mẹ qua đời: "Sau khi mẹ mất, hễ ra vườn gặp gốc hồng xiêm hay gốc măng cụt là lòng nặng trĩu, cứ thấy gắn liền hình ảnh của mẹ. Buồn quá, hai vợ chồng bàn bạc thay đổi khu vườn. Hồi đó túng thiếu nên mượn mọc bạn bè cải tạo dần dần, khi thì đào hồ nước thả sen súng, đắp ụ trồng cỏ đặt mấy khóm hoa, khi thì bắc giàn phong lan rồi đi nhiều nơi tìm kiếm cỏ hoa, suốt mấy chục năm mới thành vườn như đang thấy".
Ban đầu, ông Hoa cũng trồng nhiều loại hoa thơm, hoa quý như hồng lai, hồng ghép, layơn, thược dược... Mấy loài hoa ấy đỏng đảnh, chăm sóc quá khổ nên ông chuyển sang chọn những cây bản địa, có thể là hoa dại ven các bụi bờ hoặc những loài ít ai trồng. Ông ưu tiên những loại chịu được nắng, được mưa lụt hay rét mướt dài ngày, có hương thơm lạ, hoa nở từng mùa hoặc quanh năm càng tốt.
Nay vườn nhà ông có đến hàng trăm loại cây rất nhiều tầng bậc, nở hoa khoe sắc và thoảng hương quanh năm. Tầng cao thì có ngô đồng, hoàng yến, ngọc lan, hoàng lan, tùng la hán, cọ hoa đỏ, trầm dó... Nép mình bên dưới là những bụi cây chuồn chuồn, bướm trắng, bướm hồng, chuỗi ngọc, ngưu tất, sim, muông...
Độc đáo có cây khói lam chiều lúc nào cũng nở hoa màu như sương khói vươn từ kẽ đá; gần đó là bụi cây chuỗi ngọc trái vàng xen hoa li ti màu tím nhạt. Rồi những cây quân tử mai, râm, trang mẫu đơn hay dạ minh châu trắng muốt nở đầy. Nằm sát mặt đất là nhiều loại cỏ hoa li ti màu trắng nhạt, tươi vàng hay thâm thẫm tím...
Đứng giữa biết bao "kỳ hoa dị thảo", ông Hoa chia sẻ về một hiện tượng thú vị của Huế: sự đài các hóa tên cây. Nhiều loài phổ biến lẫn hoang dã, khi trồng ở Huế được khoác lên mình cái tên sang trọng, quý phái.
Thể hiện rõ nhất thông qua hàng chục loại phong lan: vũ nữ được gọi quần phong hội, như đàn ong gặp nhau. Lan đai trâu/tai trâu thành nghinh xuân, nở đúng dịp đón xuân. Kiều đạm thanh thành hiến hạ. Quế lan hương thành giáng thu... "Điều thú vị, vẫn vóc dáng, hình thể cốt cách đó, không thay đổi gì nhưng đến Huế được khoác cho cái tên thật đài các, kiêu sa" - ông Hoa nói.
Đổi tên cho đỡ quê mùa
"Nước ta việc kiến trúc điện đường tàu thuyền, vật kiện không chỉ một hai thứ, từ trước đến nay vẫn gọi bằng tiếng Nôm. Vâng Hoàng thượng ta nhân việc đặt tên (chữ Hán), như lương tâm (lòng rường), thừa lưu (máng nước), long tu (râu rồng), long hiếp cốt (đòn nóc), cho đến nam mộc (gỗ kiền kiền), thiết mộc (gỗ lim), kiên thán (than đá), nam trân (quả loòng boong), theo ý đặt tên, đủ cho đương thời thông hành, ngày sau noi theo. Nay xin tóm lấy đại lược, rộng tìm chữ cũ, phụ lấy ý thường. Hoặc dùng lối hội ý, hoặc dùng lối hài thanh, phàm tên cũ các đồ vật có quê mùa thì đổi đi... Vua y lời tâu" - quyển 63, sách Đại Nam thực lục đời Minh Mạng.
Mỗi khu vườn trong "thành phố vườn" của Huế trồng đủ thứ hoa trái, rau màu, thuốc thang ứng với thói quen ăn uống, sở thích và nhu cầu thưởng ngoạn của chủ nhân.
Kỳ tới: Khu vườn huyền diệu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận