25/08/2020 12:21 GMT+7

Chuyện chưa kể về cây trái cố đô Huế - Kỳ 2: Danh thơm vải trạng

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Trái vải từ miền Bắc cung tiến về kinh đô Huế được gắn danh thơm "vải trạng", có hương vị thơm ngon khác lạ ngày nay còn truyền.

Chuyện chưa kể về cây trái cố đô Huế - Kỳ 2: Danh thơm vải trạng - Ảnh 1.

Vườn từ đường thờ công chúa An Thường rợp bóng xanh - Ảnh: THÁI LỘC

Nhà vua biệt ân, tự tay ban lộc là những trái vải quý cho các tân khoa. Những hạt vải được đem về gieo trồng, nảy mầm chăm bón tốt tươi, người ta gọi loài cây cho trái quý thơm ngon lạ thường là vải trạng từ đó.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn

"Chở củi về rừng"

Phủ An Thường công chúa nằm số 63 đường Nguyễn Công Trứ cạnh phố Tây tấp nập của Huế có chiếc cổng gỗ cổ xinh xắn, tuyệt đẹp, tạo ấn tượng đặc biệt cho du khách. Lối dẫn vào ngôi từ đường bà chúa thứ tư của vua Minh Mạng này với hai hàng chè tàu thẳng tắp, mượt xanh, bên trên rất nhiều cổ thụ tỏa bóng mát rượi. 

Ở vườn sau, một cây vải trạng cổ thụ cao lớn, tỏa rợp cả khu vực hơn trăm mét vuông của khu vườn, được xem là "lộc" của bà chúa để lại, truyền đời cho con cháu.

Ông Phan Văn Triển, hậu duệ đời thứ 5 của phò mã Phan Văn Uýnh, cho biết tuổi vải hàng chục năm, có thể là "con cháu" cây vải được trồng từ thời bà chúa. Cây nay xanh tốt, nhưng biểu hiện lão hóa, sâu bọ làm mục ruỗng thân. Hướng về cây vải nhỏ cạnh bên, ông cho biết sợ mất giống quý, gia đình chiết cành trồng thêm cây mới, đến mùa cho trái thừa hưởng hương vị giống quý tuyệt ngon của cây mẹ.

"Không như những loại cây khác, cây vải ni ba năm mới có trái. Nhưng mỗi lần có là trĩu cả cây, năm vừa rồi cũng được mấy tạ. Trái to vừa, nhưng hột nhỏ, cơm dày, thơm và ngon dữ lắm. Tháng trước, vải miền Bắc đóng về đầy chợ, rứa mà thương lái đến thầu giá cao, hái trái xuất đi Hà Nội, kiểu như chở củi về rừng rứa đó" - ông Triển không giấu niềm vui dưới tán vải xanh.

Nguyên xưa khi kén phò mã rời cung, công chúa được triều đình cấp tiền sang khu đất ven sông Như Ý này lập phủ. Nơi ở ban đầu của bà chúa là ngôi nhà rường 9 gian rộng lớn hướng mặt ra sông; phía trước làm bến để thuyền di chuyển vào cung và đi lại khắp nơi. Sau khi nhà sập do cơn bão năm Thìn 1904, đến năm 1917 con cháu chỉ đủ sức dựng lại ngôi nhà 3 gian, và hướng mặt về phía đường bộ lúc ấy vừa mới mở (đường Nguyễn Công Trứ).

Lập hương án nhận lộc vua ban

Bà Nguyễn Thị Thúy Vi, tác giả sách Thuật ngữ kiến trúc truyền thống nhà rường Huế, tỏ ý tiếc nuối khi nhớ đến cây vải trạng suốt mấy chục năm tỏa bóng cho trái ngon tuyệt ở sân nhà. Bà Vi ở trên đường Đặng Thái Thân, sau lưng hoàng cung Huế, trong khuôn viên nhà ông nội xưa vốn là chưởng vệ của thị vệ hoàng cung Nguyễn Hữu Duyên. Cây vải xưa kia ông cụ gieo từ trái vải tiến cung vua ban.

"Chuyện ba tôi hay kể: thời ngài Bảo Đại, trong (Đại) nội sai người ra truyền vua sắp sửa ban lộc. Ông nội vội vàng chỉnh tề khăn áo, nghiêm cẩn soạn bày hương án. Một lúc sau, có vị thái giám bưng một cái tráp, hai bên có hai người cầm lọng che rất trịnh trọng. Tráp đặt lên hương án, ông nội quỳ lạy 5 lạy tạ ơn vua ban lộc, soạn chút tiền "kỉnh" các vị thái giám và lính tùy tòng. 

Quan lính đi rồi, ông nội kính cẩn đưa tráp vào nhà mở ra thì trong đó có... 2 trái vải trạng" - bà Thúy Vi kể. Sau khi hưởng lộc vua ban, hai hột vải được ông cụ ươm lên cây, đem trồng trước sân và sau vườn, cây được chăm bón tốt tươi rợp bóng cả khoảnh sân rộng. 

Trái của nó đến mùa nhiều và tuyệt ngon, nức lòng mọi người. Hai cây vải lộc vua ban sau mấy chục năm già cỗi, rỗng ruột kèm vài lý do khác, gia đình buộc phải đốn hạ trong sự tiếc nuối đến tận bây giờ.

Câu chuyện trên trong số hàng loạt những cây vải trạng đang rợp bóng trong các phủ đệ ông hoàng bà chúa, danh gia vọng tộc xuất xứ từ cung vua mà phủ An Thường công chúa trong số đó. Theo các nhà nghiên cứu, đến mùa vải tiến cung, triều đình dành dâng cúng trong các miếu điện và tôn lăng, một số để dùng và một phần ban cho con cháu, quan lại thân cận ngoài cung cùng hưởng.

Không chỉ tiến cung, ngay thời Minh Mạng, vải quý được trồng trái trĩu trong cung, trở thành nguồn giống cho nhiều vườn phủ bên ngoài. Sử chép năm 1840, vua ngự vườn Thiệu Phương, "cho triệu hoàng tử và các quan vào chầu; sai hái vải và pha trà cho uống, rồi làm một bài thơ, sai sao ra cấp cho mọi người để ghi việc vua tôi tương đắc". Cũng khu vườn này, tài liệu từ phủ Tùng Thiện vương ghi: "Vừng hồng chiếu lại, trên các nhánh lục, chĩu chít những quả đỏ ngang tay, mặc sức cho khách của vua ăn rồi còn đem hột về ương, có người bỏ luôn cả quả trong tay áo".

Chuyện chưa kể về cây trái cố đô Huế - Kỳ 2: Danh thơm vải trạng - Ảnh 3.

Ông Phan Văn Triển bên cây vải có nguồn gốc từ tiền nhân ở phủ An Thường công chúa - Ảnh: THÁI LỘC

Danh thơm vải trạng

Vải được tiến cung từ sớm. Thời Gia Long năm 1805, vua đã truyền "Khiêm Hòa hầu Bộ Hộ được rõ: trình khâm sai Tổng trấn Bắc thành Bình Tây đại tướng quân biết để xuất quan tiền mua 4.200 trái vải để cung tiến cho lễ Hạ hưởng". Sau nhiều lần sai mua cung tiến, đến năm 1812 thì "Định lệ... Bắc thành (Hà Nội) hằng năm tiến cam ngọt 4.500 trái, vải 4.200 trái, để cúng các lễ nguyên đán và tế hưởng xuân, hạ, đông".

Đầu triều Minh Mạng 1820, phó tổng trấn Bắc thành có bản tâu: nhân lễ Hạ hưởng, xin chiếu lệ chọn mua 4.200 trái vải đựng vào 13 cái giỏ cung tiến. Vua ghi vào bản tâu: "Từ nay về sau hạn định là 10 giỏ". 

Năm 1825, việc tiến vải đối với Hà Nội được giảm xuống còn 2.000 trái. Lần quy định giá cả cho các địa phương mua các vật phẩm cung tiến năm 1836, số vải tươi giảm xuống còn 1.000 trái giá 3 quan, còn vải khô thì 1 cân 5 tiền. 

Khi xây dựng lầu Tĩnh Bắc ở hành cung Bắc thành, người xưa trồng vải và nhiều loại cây quý. Vải nằm trong 9 loài trái quý được vua cho khắc lên Cửu đỉnh biểu tượng vương triều...

Riêng danh xưng vải trạng cũng xuất phát từ cung vua thời Minh Mạng (trạng, tức là trạng nguyên; thời Nguyễn không ai đỗ trạng nguyên nên đây là lối ngoa dụ về những người đỗ đạt cao). 

Tháng 5 (âm lịch) 1838, vua ban ân cho các tân tiến sĩ dự ngự yến ở vườn ngự Thư Quang trong kinh thành. Theo sách Đại Nam thực lục: "Tiến sĩ mới lĩnh yến xong, trước hết đi xem vườn hoa của vua, lại cấp cho mỗi người một con ngựa thượng tứ, Bộ Lễ mặc phẩm phục dẫn đi trước, biền binh che lọng đi theo, từ cửa đông đi ra, đi khắp các đường phố xem hoa, người đi xem đứng như bức tường, tiến sĩ cưỡi ngựa xem hoa bắt đầu từ đấy".

Dịp này, theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn, có một chi tiết chính sử không ghi nhưng dân gian vẫn lưu truyền, chính là: "Nhà vua biệt ân, tự tay ban lộc là những trái vải quý cho các tân khoa. Những hạt vải được đem về gieo trồng, nảy mầm chăm bón tốt tươi, người ta gọi loài cây cho trái quý thơm ngon lạ thường là vải trạng từ đó".

Trong hồi ức của ông Phan Văn Triển thời còn nhỏ, mê mẩn nhất là đủ thứ cây trái cổ thụ tuyệt ngon trong vườn nhà, nhất là trái vải trạng này. Sau 1975, số bị bão quật, số phải đốn hạ nhường chỗ trồng khoai sắn, hoa màu, cây vải xưa may còn giữ nguyên.

Qua đoạn khó khăn, con cháu bắt đầu gầy dựng lại khu vườn. Vậy là quanh cây vải - lộc thơm của tiền nhân, giống bưởi đỏ ruột lẫn vỏ từ miền Bắc, những xoài, hồng xiêm, sa kê, vú sữa gốc gác phương Nam cùng những loại cây bản địa như hồng, nhãn, mãng cầu, dâu da, đào, mít tiếp tục được gầy dựng.

Vườn nay con cháu sống quanh khu từ đường tán vải rợp bóng, ríu rít chim muông, ăm ắp kỷ niệm tổ tiên ông bà.

Măng cụt được quan tổng trấn Gia Định tiến dâng về kinh, được Thánh tổ Minh Mạng sai trồng và ban tên giáng châu - ngọc trời ban xuống.

Kỳ tới: Giáng châu Gia Định

Chuyện chưa kể về tán xanh cố đô Huế - Kỳ 1: Những trái cây trác tuyệt tiến cung Chuyện chưa kể về tán xanh cố đô Huế - Kỳ 1: Những trái cây trác tuyệt tiến cung

TTO - Cố đô Huế còn mệnh danh là "thành phố xanh". Ngoài những cung điện, lăng tẩm, đền đài, màu xanh cây cối cũng là bộ phận di sản hàm chứa biết bao câu chuyện đặc biệt thú vị, độc đáo chẳng nơi nào có.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên