Đường lớn, đường nhỏ nào ở Cần Giờ cũng len lỏi giữa những khu rừng Sác, hàng hàng lớp lớp vạt đước với vầng rễ khỏe gồng xuống bám đất, ngọn vươn cao tít và xanh ngắt.
Chẳng vậy mà bất kỳ tấm ảnh chụp Cần Giờ nào cũng xanh ngắt những mảng rừng đước được mệnh danh lá phổi của TP.HCM, khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Vậy nhưng Cần Giờ còn có những tấm ảnh khác.
Mầm đước mọc ở trên cây
Trong hội thảo khoa học "45 năm phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ" được tổ chức vào đầu tháng 8-2023, khi những tấm ảnh tư liệu về Rừng Sác trong và sau chiến tranh được trình chiếu, nhiều người ồ lên ngạc nhiên khi thấy những vạt rừng lởm chởm gốc đước cháy đen, những bờ bãi ven sông khô nứt, thật là trời - vực với Cần Giờ xanh ngắt ở xung quanh.
Những con số lần lượt hiện lên. Hàng chục tấn bom đạn, hàng triệu lít hóa chất khai quang đổ xuống trong suốt gần 10 năm chiến tranh để tiêu diệt nơi đóng quân của Đoàn 10 đặc công rừng Sác đã khiến những mảnh rừng ngập mặn tự nhiên gần như biến mất.
Sông rạch chằng chịt mà đất đai xói mòn, nghèo kiệt, khô cằn, biến thành những sa mạc mặn chát. Cần Giờ được sáp nhập và trở thành huyện Duyên Hải thuộc TP.HCM tháng 1-1978 - năm mà những khó khăn nghèo ngặt của "đêm trước đổi mới" bắt đầu bùng phát, lan rộng, đường xuống Duyên Hải thăm thẳm bùn lầy, cát bụi, đò phà.
Thế nhưng, những nhà khoa học quan tâm đến môi trường không quên rừng Cần Giờ đang khô cháy, nhiễm độc, những lãnh đạo thành phố lúc ấy thật tâm mong mỏi những gì tốt đẹp cho Cần Giờ mà không ngại thêm gánh nặng trách nhiệm.
Ngày 7-8-1978, Lâm trường Duyên Hải thuộc Ty Lâm nghiệp TP.HCM được thành lập và công cuộc phục hồi, phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ bắt đầu.
Cuộc trồng rừng được giao cho lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) đảm nhiệm. Chỉ huy trưởng TNXP lúc bấy giờ, ông Võ Viết Thanh mỉm cười kể lại: "Suốt bao năm tuổi trẻ trong chiến tranh, chúng tôi đã lặn lội trong rừng.
Hòa bình rồi, về thành phố rồi, được giao nhiệm vụ thành lập TNXP, tôi lại vào rừng, từ Bình Dương, Bình Phước, lên Tây Nguyên, xuống U Minh. Rồi lại được gọi về thành phố để được giao Cần Giờ, xa xôi không đường, không điện, không nước, thiếu ăn, thừa muỗi vắt, nắng gió, sình lầy, tâm lý không khỏi có chút ngán ngại.
Nhưng đã là nhiệm vụ thì tôi vẫn phải hăng hái đi, cùng anh em lặn lội học cách cắm mầm đước lên bãi bùn. Rồi cây đước đâm rễ mọc lên, từng hàng cây rồi từng vạt rừng.
Khi thấy những chiếc lá xanh vẫy gió vẫy nắng, tôi mới thấy rõ việc mình đang làm có ý nghĩa, đáng công tiếp tục làm "người rừng" trong hòa bình".
Lễ kỷ niệm 45 năm phục hồi rừng, thay cho hoa tươi, mầm đước, mắm, vẹt, sú... được cắm trong lọ thủy tinh, đặt trên bàn đại biểu. Những chiếc lá xinh xinh vươn cao, những cọng rễ mập mạp nõn nà gợi nên bao nhiêu kỷ niệm trong khách tham dự.
Tiến sĩ Lê Đức Tuấn, ĐH KHXH&NV TP.HCM - một trong những TNXP đặt chân đến đây đầu tiên năm 1978, mân mê một mầm đước trên tay khi kể chuyện: "Đước là giống cây thai sinh, hạt nảy mầm ngay trong quả ở trên cây, khi rụng xuống bùn sẽ tự đâm rễ mà thành cây con. Đước có thể tự sinh sôi và mở rộng bờ biển như vậy.
Nhưng đó là lý thuyết sinh học, còn thực tế Cần Giờ lúc ấy, phần lớn rừng đã bị tàn phá trơ trụi, độ che phủ chỉ hơn 30%, lượng đước còn lại không ra trái lên mầm, đất khô cằn ô nhiễm.
Để trồng rừng, mầm đước phải chở bằng ghe từ Cà Mau lên. Mỗi chúng tôi đeo một cái bao đựng mầm trước ngực, lội ra mép giáp nước, tay cắm mầm xuống bùn, chân bước lùi vào trong như cấy lúa.
Cách trồng như thế nên đám thanh niên, đàn ông muốn gãy lưng, chân nhấc lên quấn bùn nặng như đeo tạ, làm không lại mấy chị phụ nữ dẻo dai và đám con nít vừa nhanh vừa nhẹ...".
Rừng đâm chồi trên tay
Một trong những "đứa con nít" của thời ấy cũng có mặt tại đây - anh Trần Minh Tùng, đội trưởng phân khu 3.
Nhắc đến anh Tùng, ban quản lý rừng ai cũng nói đúng một câu: "Nhà đó đến nay là ba đời trồng rừng, giữ rừng rồi". Và anh thì chẳng nói gì trong buổi lễ tuyên dương, chỉ cười hẹn chúng tôi vào nhà.
Từ khu vực của ban quản lý rừng bên cầu Dần Xây vào nhà anh Tùng ở phân khu 3 phải đi hơn 30 phút ca nô băng qua mấy đoạn sông Lòng Tàu, sông Dừa, sông Đồng Tranh. Sông xanh, rừng xanh trải ra mênh mông trước mắt, chúng tôi không phân biệt được đâu là đâu, nhưng anh Tùng thì thuộc lòng từng đoạn.
"Năm 1978, mẹ tôi là Đinh Thị Hồng đã đăng ký tham gia trồng rừng cho cả bốn lao động trong gia đình, tôi khi ấy chưa đầy 10 tuổi. Người lớn vác bao giống vào bãi, con nít ôm mầm chồi vào tay rồi lội bùn đi cắm.
Vất vả lắm, mà vui lắm, nên cả đời tôi cứ trồng rừng, giữ rừng cho đến bây giờ. Con trai út cũng mới tách hộ để nhận khoán giữ rừng độc lập. Ba đời trồng rừng là vậy đó...".
Căn nhà nhỏ, đơn sơ rập khuôn theo mẫu được ban quản lý rừng xây, cả một bức tường treo đầy giấy khen thành tích phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn, có cái mang tên mẹ Đinh Thị Hồng ố vàng mấy mươi năm, có cái mới tinh tên Trần Minh Tùng vừa nhận lúc chiều.
Chị Nguyễn Thị Lắng, vợ anh Tùng, cười rạng rỡ: "Chuyện cả gia đình tui là ở trên bức tường đó đấy. Mình là dân địa phương mà, tui cũng đi trồng rừng từ hồi mới lớn. Ghe thuyền chở nước, lương thực vô bãi, cắm lều tập thể, sáng đi mần, tối về đốt lửa nấu ăn, ca hát, chia phe hò đối đáp vui lắm...".
Chợt ngừng lời, chị nhìn qua chồng, mặt đỏ lên cười mủm mỉm. Chúng tôi biết rồi, anh chị đã gặp nhau và nên duyên trong một đêm ca hò trên bãi đước như vậy.
Cứ vậy, cùng hồi sinh với con người, hàng chục ngàn héc ta đước, mắm, vẹt, bần... đã mọc lên, vươn rễ, giương cành. Đất được thủy triều tẩy rửa chất độc, được rễ được lá hô hấp, vun bồi; không khí, nước được thanh lọc, được thổi, được dưỡng; động thực vật bản địa lại sinh sôi...
Cần Giờ đã xanh tươi trở lại!
Sống với rừng - Sống nhờ rừng
Được đặt nickname là "ông rừng ngập mặn", GS.TS Viên Ngọc Nam (ĐH Nông Lâm TP.HCM) - người đã lặn lội nghiên cứu và đưa ra những lề lối khoa học cho việc trồng rừng, chăm sóc rừng ở Cần Giờ suốt từ những năm 1980 - chia sẻ: "45 năm từ ngày chỉ là đầm lầy mặn chát, cây khô cháy, đến nay Cần Giờ đã là khu dự trữ sinh quyển thế giới, được sự quan tâm và bảo vệ của cả thế giới.
Việc của chúng tôi bây giờ vẫn là tiếp tục nghiên cứu trên trải nghiệm khoa học và thực tế để đưa ra đề xuất về bảo tồn sự đa dạng sinh học của rừng, phát triển vai trò của rừng ngập mặn trong sự sống chung. Dự án nào cũng sẽ phải bảo vệ rừng, sống cùng rừng và nhờ rừng, như người dân Cần Giờ vậy".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận