... Đồng thời cũng là những bức ảnh chưa được công bố mà chúng tôi đã bất ngờ tìm được ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 (TP.HCM)...
Những bức ảnh bi hùng
Năm 2018, khi tìm hiểu rõ thêm sự hy sinh của anh hùng Nguyễn Thái Bình vào ngày 2-7-1972 trên chiếc Boeing 747 mang mã số chuyến bay 841 của hãng hàng không Mỹ PAN AM từ Mỹ về Sài Gòn, chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm nhiều nguồn tư liệu khác nhau.
Ngoài người thân trong gia đình, các nhân chứng còn sống từ hai phía và sách báo viết về anh trước và sau thời điểm 1975, chúng tôi còn tìm nguồn tư liệu gốc ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2.
Trong phông tài liệu Bộ Giao thông và bưu điện VNCH, Phủ thủ tướng VNCH có các hồ sơ liên quan được đóng dấu mật năm 1972.
Ngoài các bản phúc trình diễn biến chi tiết của Hội đồng An ninh hàng không, còn có các bản báo cáo của tư lệnh cảnh sát quốc gia gửi Phủ thủ tướng VNCH, trong đó kẹp những tấm hình hiện trường ở Tân Sơn Nhứt, đặc biệt là tấm ảnh khám nghiệm pháp y anh Nguyễn Thái Bình tại Bệnh viện Nguyễn Văn Học (sau năm 1975 là Bệnh viện Nhân dân Gia Định).
Tấm ảnh chụp trắng đen khổ thông thường 9x12cm, cận cảnh từ thắt lưng trở lên rất rõ hình ảnh pháp y anh bị gí súng ngắn bắn sát từ sau lưng.
Các bản phúc trình của Hội đồng An ninh hàng không và báo cáo của cảnh sát Sài Gòn đều khẳng định anh bị bắn 5 phát súng từ phía sau và đường đạn trổ ra trước ngực trái. Tuy nhiên, trên hình pháp y chỉ rõ bốn đầu đạn trổ ra ngực, đầu đạn thứ 5 có lẽ đã trùng với đường mổ pháp y...
Các bản báo cáo của chính quyền Sài Gòn tường thuật khi chiếc Boeing 747 hạ cánh và di chuyển về bến đậu, cơ trưởng Eugene F. Vaughn giao quyền cho phi công phụ W. M. Setterkb điều khiển máy bay.
Ông ta yêu cầu hành khách W. H. Mills (nguyên là cảnh sát tại California - Mỹ, sang Việt Nam làm việc cho Hãng Federal Electric Corporation) lên buồng lái để thông báo có hành khách Nguyễn Thái Bình yêu cầu chuyển hướng máy bay ra Hà Nội, rồi trả lại khẩu súng ngắn cho Mills.
Theo quy định hàng không, khi lên máy bay, Mills phải thông báo với phi hành đoàn biết vũ khí mình mang theo và giao cho họ cất giữ.
Khẩu súng ngắn Smith and Wesson 357 Magnum này được viên cơ trưởng cất ở buồng lái, sau đó đã trả lại cho Mills.
Và chính người này đã bắn anh Nguyễn Thái Bình sau khi đã cùng viên cơ trưởng to lớn khống chế đè được anh xuống sàn máy bay.
Chính hình ảnh pháp y rõ ràng này mà Hội đồng An ninh hàng không đã đề nghị tổ chức cuộc điều tra về việc sử dụng bạo lực (bắn hạ) không cần thiết sau khi đã khống chế được anh Nguyễn Thái Bình.
Ngoài ra còn có các tấm ảnh thi hài anh nằm dưới đường băng và tấm ảnh nhân viên an ninh phủ bạt thi hài để chuyển đi, hậu cảnh là chiếc xe cảnh sát và chiếc Boeing 747 của Hãng PAN AM.
Tấm ảnh chuyển thi hài anh Nguyễn Thái Bình ra khỏi đường băng đã được nhiều báo chí Sài Gòn và quốc tế đăng tải ngay thời điểm đó, riêng các ảnh pháp y đã bị niêm kín trong hồ sơ mật.
Có lẽ nếu được đăng tải, những hình ảnh sự thật này sẽ chứng minh anh Bình đã bị cố sát. Ngoài ra, còn một diễn biến phía sau mà cũng ít người được biết là ngay trong ngày 2-7-1972, chuyến bay mang số hiệu 841 của Hãng PAN AM đã quay liền về Mỹ.
Cảnh sát Mỹ W. H. Mills cũng có mặt trên chuyến bay khứ hồi này mà không tiếp tục hành trình "làm việc cho hãng Federal Electric Corporation" như báo cáo. Còn cơ trưởng Vaughn sau đó cũng không lái máy bay tuyến đến Sài Gòn nữa.
Vụ việc chấn động được điều tra suốt năm 1972 với nhiều tình tiết cần làm sáng tỏ về việc bắn anh Nguyễn Thái Bình, nhưng hồ sơ sau đó đã được khép mật, bởi nếu không khép thì cũng không thể có kết quả gì khi hai đương sự liên quan trực tiếp đều đã về Mỹ ngay lập tức và không trở lại Sài Gòn nữa.
Thanh niên sôi nổi và tràn lòng yêu nước
Năm 2018, khi tìm hiểu sự hy sinh bi hùng này, chúng tôi còn nhiều lần tìm đến nhà mẹ anh ở quận 7 (vào thời điểm 1972 gia đình ở quận 4) và được cho xem bộ ảnh đặc biệt có rất nhiều tấm về anh.
Vài bức chân dung phóng lớn được dựng ngay bàn thờ ở phòng khách. Hàng trăm tấm nhỏ với các cỡ hình khác nhau được cất kỹ trong album đã bạc màu thời gian.
Có tấm anh đang vui đùa với các bạn học ở Thủ Đức, có tấm anh đang chơi thể thao, đang phiêu lưu ở nước Mỹ nhưng nhiều nhất vẫn là các tấm anh đang diễn thuyết, hoạt động phản chiến...
Bà Lê Thị Anh, mẹ anh Nguyễn Thái Bình, lúc ấy còn khỏe, cứ xúc động nhắc đi nhắc lại: "Nhìn các bức hình này, tui thấy như con trai tui còn sống, nó vẫn đang ở bên tui".
Còn người em trai anh là anh Nguyễn Trường Sanh thì kể: "Anh tôi có hình mẫu anh hùng Che Guevara, rất thích lên đường đi xa khắp nơi để tìm hiểu cuộc sống thực tế cũng như nguyện vọng của người dân.
Hồi còn ở Việt Nam, anh có chiếc xe máy và máy ảnh, đi đâu cũng chụp ảnh. Qua Mỹ học và đấu tranh, anh cũng có rất nhiều ảnh do bạn bè và các nhà báo chụp lại".
Anh Sanh kể thêm trước khi anh Bình bị bắn, năm 1970 anh đã có chuyến về Việt Nam và cùng em trai rong ruổi trên chiếc xe máy qua các miền quê đang khói lửa chiến tranh.
Trên đường về lại Sài Gòn trong chuyến đi này, hai anh em đã ngồi tâm sự rất lâu ở bến Bạch Đằng đang nổi cơn sóng gió.
Lời anh Bình hôm ấy dặn dò được người em trai mãi không quên: "Sống trong thời đất nước bị giày xéo, loạn lạc, em phải có suy nghĩ trách nhiệm, có khát vọng lớn lao cho dân tộc, Tổ quốc mình. Nhưng anh khuyên em hãy hoàn tất việc học hành, rồi cố gắng thực hiện khát vọng".
Đó cũng là lần cuối cùng anh Sanh được ở bên người anh trai tràn đầy lý tưởng.
Anh có cái máy ảnh, đi đến đâu cũng chụp và được người ta chụp, nên gia đình may mắn còn giữ được bộ ảnh như lịch sử về đời anh - một thanh niên khỏe mạnh, sôi nổi, yêu thể thao, thích lên đường và tràn đầy lý tưởng yêu nước, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.
Một Che Guevara của nước Việt những năm tháng bi hùng.
-------------------
Có những bức ảnh thú vị kể lại câu chuyện Cần Giờ một thuở xác xơ vì chất độc hóa học hồi chiến tranh đến thời xanh tươi làm lá phổi tự nhiên cho thành phố.
Kỳ tới: Cần Giờ - Xác xơ và xanh tươi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận