03/10/2023 10:01 GMT+7

Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 1: Bức ảnh quý của bác sĩ người Pháp về Hoàng Sa

Mỗi bức ảnh luôn có chuyện đời của mình và nó càng đặc biệt hơn khi ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc.

Ảnh chụp rõ nội dung bia chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: B.D.

Ảnh chụp rõ nội dung bia chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: B.D.

Loạt bài này là chuyện chưa kể về những bức ảnh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc Việt Nam, là Sài Gòn cuối thế kỷ 19, những hình ảnh cuối cùng của anh lính biên phòng trước khi hy sinh...

Gần đây du khách tới Nhà trưng bày Hoàng Sa ở Đà Nẵng thấy những dòng chữ in trên mô hình bia chủ quyền từng dựng tại Hoàng Sa được thay áo để trở về "phiên bản gốc". Người thúc đẩy công việc đầy ý nghĩa này là một bác sĩ Pháp.

Chuyến đi tình cờ của bác sĩ người Pháp

TS Lê Tiến Công - giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa - đưa chúng tôi xem một loạt ảnh mà lãnh đạo Nhà trưng bày Hoàng Sa chụp khoảnh khắc tiếp nhận bộ tư liệu được bác sĩ về hưu người Pháp là ông Noel Rousset (80 tuổi) mang từ Pháp qua trao tặng. Món quà của ông Noel tặng không chỉ đặc biệt về tư liệu mà còn đầy xúc động bởi tấm lòng một người nước ngoài tìm hiểu lịch sử quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 24-5-2022, sau nhiều lần lên lịch bay qua Nhà trưng bày Hoàng Sa nhưng trục trặc vì đại dịch, ông Noel Rousset cũng xúc động tới được cổng tòa nhà có lá đại kỳ hướng ra Biển Đông nằm bên bờ biển Đà Nẵng. Vẫn như lần đầu tình cờ đến Nhà trưng bày Hoàng Sa vào năm 2019, bận trên người vị bác sĩ khả kính người Pháp này là chiếc áo phông nhàu cũ, dải râu và mái tóc rối mù.

Ông Noel Rousset nhờ người cầm hộ tập tài liệu quý mà ông đã cất công ôm nhiều giờ từ Paris trên chuyến bay qua Việt Nam. Khi bộ tài liệu thực sự đã nằm trong nhà trưng bày, ông mới đủ sự thoải mái, thư thả để rảo quanh các không gian trưng bày tài liệu về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

Câu chuyện đến với Nhà trưng bày Hoàng Sa của ông Noel Rousset hết sức tình cờ. Ông là bác sĩ về hưu, hiện sống tại miền Bắc nước Pháp. Một buổi sáng năm 2019, ông Noel đi dạo dọc biển Đà Nẵng và tình cờ phát hiện ra có một bảo tàng tư liệu Hoàng Sa.

Bà Huỳnh Thị Kim Lập - phụ trách phòng nghiệp vụ Nhà trưng bày Hoàng Sa - kể bà may mắn được tiếp chuyện ông Noel. Ông kể rằng mình từng là một bác sĩ trên tàu biển vòng quanh thế giới. Trong hàng chục năm làm việc trên biển, ông có niềm đam mê mãnh liệt là sưu tầm, chụp ảnh và tìm kiếm các tư liệu liên quan những quần đảo nổi trên mặt biển mà chuyến tàu của ông thường đi qua.

Trước khi về Pháp, bác sĩ Noel nói rằng ông rất muốn hiến tặng và tìm kiếm giúp các tư liệu phục vụ hữu ích việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Cán bộ nhà trưng bày đã ghi lên tờ giấy một số tài liệu, hiện vật mà qua tìm hiểu thì có ở Pháp để nhờ ông Noel tìm (hoặc mua) giúp và được bác sĩ này vui vẻ nhận lời.

Một trang trong số báo cổ mà ông Noel tặng Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: LÊ TIẾN CÔNG

Một trang trong số báo cổ mà ông Noel tặng Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: LÊ TIẾN CÔNG

Món quà đặc biệt cho Việt Nam

Trở về quê nhà, ông Noel vẫn mang nặng lời hứa với Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ông bắt đầu mỗi ngày bằng việc đón xe lên các thư viện cổ, liên hệ với bạn bè trong giới sưu tầm để tìm tài liệu.

Trong một email với nhân viên Nhà trưng bày Hoàng Sa, ông Noel nói rằng ông phát hiện một thư viện cổ tại thủ đô Paris đang lưu giữ rất nhiều tư liệu quý giá về quần đảo Hoàng Sa. Nhưng từ nhà ông tới đó quá xa, sức khỏe của ông lại không cho phép, khoản tiền hưu ít ỏi cũng chỉ đủ để ông trang trải qua ngày.

"Dù vậy ông Noel vẫn hứa rằng sẽ tới thư viện ở Paris bằng được để tìm kiếm nhiều nhất tư liệu cung cấp cho chúng tôi", bà Lập kể.

Rồi một buổi tối, email Nhà trưng bày Hoàng Sa báo có thư mới trong hộp thư đến. Đó là thư của Noel Rousset. Trong thư, ông cho hay đã tìm thấy trên thư viện một số hình ảnh, thông tin quý giá của chính quyền Pháp trong quá khứ đề cập đến quần đảo Hoàng Sa.

Đáng chú ý, ông tìm thấy liên tiếp năm kỳ báo trên tờ Thế Giới Họa xuất bản những năm 1860 đề cập đến vụ đắm tàu xảy ra trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên những tư liệu này phía thư viện lúc ấy không cho phép sao chụp.

Không có được số báo quý từ thư viện, ông Noel liên hệ với bạn bè trong giới sưu tầm tư liệu và được biết có một người sưu tầm đang rao bán hai trong số năm kỳ báo đăng về vụ đắm tàu gần quần đảo Hoàng Sa. Dù rất khó khăn trong chi tiêu hằng ngày, ông Noel vẫn dành tiền đặt mua để làm món quà quý cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Một thời gian sau đó, trong email được gửi đi lúc 2h sáng từ nước Pháp, ông Noel báo tin vui rằng ông đã lục tung toàn bộ kho dữ liệu của mình và tìm thấy một tấm ảnh rất quý giá mà ông không nhớ đã chụp lại ở đâu đó dòng chữ gốc in trên bia xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

TS Lê Tiến Công nói rằng khi nghe bác sĩ Noel báo tin này ông đã rất vui và quyết định liên lạc ngay để mong được sớm có bức ảnh quý phục vụ công tác sưu tầm, trưng bày tư liệu chủ quyền của Tổ quốc. Qua email, ông Noel gửi bức hình cận cảnh bia chủ quyền thể hiện rõ từng nét chữ, nét đục, chất liệu và nội dung. Đây là bức ảnh rõ ràng, chi tiết và có giá trị nhất về bia chủ quyền mà Nhà trưng bày Hoàng Sa từng tiếp cận.

"Lâu nay chúng ta có rất nhiều hình ảnh, tư liệu chụp bia chủ quyền Hoàng Sa năm 1938 nhưng đa số các hình ảnh này không nhìn thấy rõ dòng chi tiết, kiểu font chữ được khắc phần dưới cột bia. Do vậy khi làm mô hình trưng bày, triển lãm, vẽ hình... thì kiểu cách chữ thể hiện trên bia không giống nhau.

Nội dung bia phản ánh đúng nội dung nhưng có một vài chữ không đúng với phiên bản gốc, kiểu chữ cũng không giống. Do vậy chúng tôi rất mừng khi tìm lại được nguyên bản của dòng chữ in trên bia này. Chỉ khi có tấm ảnh chúng tôi mới khẳng định được chắc chắn rằng tấm bia gốc mang dòng chữ République Française - Empire d'Annam - Achipel des Paracel 1816 - Île de Pattle 1938" - ông Công nói.

Bác sĩ Noel tặng hai số báo tư liệu và ảnh chụp bia chủ quyền Hoàng Sa cho Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: NHUNG CÔNG

Bác sĩ Noel tặng hai số báo tư liệu và ảnh chụp bia chủ quyền Hoàng Sa cho Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: NHUNG CÔNG

Người bạn quý của Nhà trưng bày Hoàng Sa

Ngày 24-5-2022, bác sĩ Noel đã đón chuyến bay dài, ôm trên tay tấm ảnh chụp dòng chữ bia chủ quyền đặt trên quần đảo Hoàng Sa để trao tận tay cho đại diện Nhà trưng bày Hoàng Sa. Sau ba năm miệt mài tìm kiếm, biết mình giúp được một tấm ảnh có giá trị, nên giây phút trao lên tay giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa thì ông Noel khóe mắt rưng rưng.

Từ bức ảnh chụp rõ nguyên bản dòng chữ trên bia chủ quyền Hoàng Sa, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã quyết định áp dụng thống nhất một kiểu chữ, tỉ lệ, nội dung bia trên tất cả các mô hình. Bức ảnh và hai tờ báo quý từ ông Noel cũng được sao chụp lại và đưa ra không gian trưng bày, giới thiệu cho du khách.

"Không chỉ cung cấp nhiều thông tin rất có giá trị mà chúng tôi cũng rất bất ngờ về sự hiểu biết của một người Pháp về thông tin lịch sử quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ông Noel còn hứa rằng sẽ tìm kiếm thêm để gửi tặng cho Việt Nam với tư cách như một người bạn tốt của Nhà trưng bày Hoàng Sa", ông Lê Tiến Công xúc động tâm sự.

---------------------------

Nhiều người Việt hâm mộ The Beatles đã say sưa hát Lady Madonna trong suốt mấy chục năm qua mà không biết rằng bài hát đó ra đời từ hình ảnh một người mẹ Tây Nguyên, Việt Nam.

Kỳ tới: Người mẹ Tây Nguyên và Paul McCartney

Nhân chứng Hoàng Sa kể chuyện với tổng biên tập báo PhápNhân chứng Hoàng Sa kể chuyện với tổng biên tập báo Pháp

Tờ tạp chí Pháp ngữ Francophonie đã dành nhiều ngày ở Đà Nẵng để gặp các nhân chứng sự kiện Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Ông Lê Đình Rê được tổng biên tập của tờ tạp chí này mời gặp gỡ nhiều lần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên