Công nhân bốc xếp gạo trong kho - Ảnh: H.ANH
Chính cách mua bán dễ dàng, lấy chữ tín làm đầu đã khiến nhiều người thành công nhanh, nhưng cũng không ít nghiệp chủ lâm cảnh dở khóc dở cười vì bị lừa đảo hàng tỉ đồng.
Chợ gạo ở ấp An Thiện lại thuộc xã An Cư, có nghĩa là đã an cư thì sẽ lạc nghiệp, điều đó quá đúng trong suốt 30 năm qua, nếu mọi người biết chăm chỉ làm ăn ngay thẳng, giữ uy tín cho thương hiệu.
Ông TÁM TÈO - Ngô Quang Hà
Năm nào cũng bị lừa đảo
Ông Tám Tèo, tức nghiệp chủ Ngô Quang Hà, cho biết từ khi chợ gạo Bà Đắc hình thành đến nay, phương thức mua bán giữa các nghiệp chủ và tư thương gần xa chủ yếu là lấy chữ tín làm đầu, hầu như không có hợp đồng giấy trắng mực đen.
"Mua bán gạo mỗi ngày cả trăm tấn, một tháng cả ngàn tấn, trị giá tiền tỉ mà chỉ nói miệng với nhau. Chính vì vậy mà có chuyện bị giật tiền bán gạo xảy ra", ông Tám nói.
Hỏi ông Tám, bạn hàng làm ăn lâu năm quen mặt, có uy tín, biết rõ tung tích của nhau, làm sao lừa nhau được? Ông chủ vựa có 29 năm kinh nghiệm nói: "Chính cái sự quen biết, uy tín nhiều năm và sự cạnh tranh bán gạo giữa các doanh nghiệp là điểm yếu khiến mấy ông nghiệp chủ phải ngậm đắng nuốt cay".
Ông kể những người đã có ý lừa đảo thì không thể biết đường nào mà tránh. Lúc đầu, họ đến mua gạo với số lượng ít, chỉ vài tấn đến chục tấn/lần, trả tiền mặt sòng phẳng.
Sau nhiều lần như vậy, họ tạo được uy tín với các nghiệp chủ, mua gạo với số lượng vài chục tấn/chuyến, chuyển khoản thanh toán tiền đầy đủ. Họ rất tinh vi, không mua gạo số lượng lớn của một nghiệp chủ mà chia nhỏ ra, mua mỗi kho vựa 5 - 10 tấn/chuyến.
Sau khi tạo được uy tín, họ tiếp tục mua gạo với số lượng lớn, nhưng nại lý do hàng bán ra chậm, đề nghị các nghiệp chủ cho chậm thanh toán tiền mua gạo trong vài ba hôm. Sau đó, họ vẫn tiếp tục đến chợ gạo Bà Đắc mua gạo, nhưng không mua của mấy ông chủ nợ mà đến mua gạo của kho vựa khác.
Nếu bị phát hiện, họ lại tiếp tục "bài ca khất nợ", cam kết sẽ trả tiền nợ trong năm ba hôm. Cuối cùng sau khi gom được số lượng gạo rất lớn, họ lặn mất tăm. Nghe tin người mua gạo một đi không trở lại, các nghiệp chủ cho người tìm đến những địa chỉ con nợ cho thì hỡi ôi, đó chỉ là địa chỉ ma, trong khi con nợ đã bóng chim tăm cá.
Một hình thức lừa đảo khác mà các nghiệp chủ thường sập bẫy nhưng không ai rút được kinh nghiệm, do bị lợi nhuận làm mất cảnh giác. Chiêu thức này cũng khá đơn giản: sau khi mua gạo ở chợ một thời gian, tạo được uy tín với các nghiệp chủ, kẻ lừa đảo dùng chiêu mua gạo giá cao khiến các chủ doanh nghiệp sẵn sàng bán gạo cho họ.
"Những người sử dụng chiêu này thường chọn thời điểm lúc gạo xuống giá thì họ vẫn mua giá cũ, hoặc mua giá cao hơn giá thị trường. Ví dụ nếu giá gạo đang là 10.000 đồng/kg thì họ sẵn sàng mua với giá 10.500 - 11.000 đồng/kg, với lý do ở nơi này nơi kia giá gạo vẫn cao. Họ mua gom mỗi doanh nghiệp 5 - 10 tấn, nhưng hẹn vài hôm sẽ chuyển tiền trả vì giá gạo nơi bán xuống đột ngột, đang kẹt tiền. Sau đó họ lặn mất", ông Tám Tèo kể.
Ông Tám còn cho biết hầu như năm nào ở chợ gạo Bà Đắc cũng xảy ra 3 - 4 vụ tư thương lừa đảo các nghiệp chủ, số tiền bị mất ít thì vài trăm triệu đồng, nhiều lên đến cả chục tỉ đồng.
"Những nghiệp chủ bị lừa chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi lẽ trong quá trình giao dịch mua bán có làm giấy tờ giao kèo, hợp đồng hợp điếc gì đâu mà thưa với kiện. Sau này, các nghiệp chủ yêu cầu người mua bán gạo phải chuyển tiền vào tài khoản của doanh nghiệp trước khi cho xe xuất bến, nhưng kẻ lừa đảo vẫn có những chiêu thức tinh vi hơn để cho họ vào tròng", ông Tám kể.
Giao dịch ở chợ gạo Bà Đắc chủ yếu là chữ tín, ít khi có hợp đồng - Ảnh: H.A
Sập bẫy lừa siêu hạng
Còn theo anh Hai Tí, tức Đặng Văn Tí, người có thâm niên làm cho nhiều nhà máy ở chợ gạo Bà Đắc, vụ lừa đảo "vô tiền khoáng hậu" xảy ra gần đây nhất vào tháng 5-2021. Người bị lừa là ông H.C., chủ doanh nghiệp kinh doanh gạo nhiều năm kinh nghiệm. Trong vụ này, chiếc bẫy bọn lừa đảo giăng ra rất đơn giản, nhưng vì cả tin mà ông C. mất trắng 600 triệu đồng.
Bọn lừa đảo đã lợi dụng đúng thói quen giao dịch bằng chữ tín của các doanh nghiệp, mua bán hàng trăm tấn gạo, chi trả hàng trăm triệu đồng chủ yếu bằng điện thoại và sự tin tưởng vào đối tác.
Hôm đó, điện thoại di động của ông C. nhận được cuộc gọi của một người xưng tên Toàn. Anh ta cho biết đang có 150 tấn gạo cần bán, giá thấp hơn giá thị trường. Sở dĩ anh ta biết số điện thoại của ông C. do có người quen giới thiệu, nói ông C. cần mua gạo, nên cho số điện thoại để anh ta liên hệ.
Nghe anh ta nói có gạo đúng chủng loại mình đang cần, ông C. đồng ý mua và hẹn ngày để Toàn đem gạo đến kho của ông. Đúng ngày hẹn, có 3 xe container chở 150 tấn gạo đến giao cho ông C.. Sau khi kiểm tra, xác định đúng chủng loại gạo đã thỏa thuận mua bán, ông C. chuyển 600 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng do Toàn cung cấp.
Tiền chuyển xong, ông C. vội kêu công nhân bốc xếp đem gạo vào kho. Nhưng lúc đó tài xế xe container không đồng ý cho bốc dỡ gạo, với lý do là ông chủ bán gạo chưa nhận được tiền, khi nào ông C. chuyển tiền đầy đủ sẽ được lấy gạo. Tranh cãi hồi lâu, do ông C. khẳng định đã chuyển đủ 600 triệu đồng vào tài khoản, nên tài xế container cho ông C. số điện thoại của ông chủ bán gạo.
Khi bắt được liên lạc, hóa ra ông chủ bán gạo là người bạn quen biết lâu năm trong nghề kinh doanh gạo với ông C.. Nhưng hỏi ra thì ông C. và ông chủ gạo đều té ngửa: người bạn không bán gạo cho ông C. và cũng không nhận được xu nào từ ông C..
Đến lúc đó, ông C. và người bạn mới biết cả hai đều bị "ăn quả lừa" rất tinh vi. Mọi chuyện dần sáng tỏ: sau khi gọi điện chào bán 150 tấn gạo cho ông C., thỏa thuận ngày giờ, địa điểm giao hàng, tên Toàn điện thoại cho bạn ông C. đặt mua 150 tấn gạo với giá cao hơn giá bán, yêu cầu đúng ngày, đúng giờ đó phải chở gạo đến giao tại kho của ông C..
Vậy là ông C. bị lừa mất 600 triệu đồng, bạn ông C. không mất gạo nhưng phải tốn kém chi phí thuê xe container chở gạo đi tới đi lui. Trong khi đó tên Toàn đã biến mất tăm, khóa điện thoại và tài khoản Zalo, tài khoản ngân hàng bị rút sạch tiền, nên ông C. chỉ còn biết đi báo công an.
Rất may, trong lúc công an đang truy lùng kẻ lừa đảo thì nhóm này tiếp tục sử dụng kịch bản đã lừa ông C. để thực hiện vụ lừa đảo ở tỉnh Long An và bị tóm gọn. Đó là hai tên Huỳnh Hòa Khánh (SN 1974, ngụ xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) và Đỗ Trần Phương Duy (SN 1993, ngụ xã Phước Thanh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), tên Khánh là anh rể của tên Duy.
Hai tên này khai nhận, do trước đây từng hành nghề kinh doanh gạo nên biết rõ cách thức mua bán qua điện thoại của các nghiệp chủ, từ đó dựng lên kịch bản rất đơn giản, vừa đóng vai người mua, vừa đóng vai kẻ bán, lừa đảo trót lọt ông C. và người bạn của ông.
Nhắc lại những chuyện dở khóc dở cười do cung cách làm ăn bằng chữ tín của những nghiệp chủ ở chợ gạo Bà Đắc, ông Tám Tèo nói: "Bị mất của nhưng các nghiệp chủ ở đây vẫn không bỏ cung cách làm ăn bằng chữ tín đã thành truyền thống. Tất cả đều tự an ủi: thôi, của đi thay người, cần cù mua bán, chí thú làm ăn để tiếp tục kiếm tiền bù đắp lại những gì đã mất. Tụi tui thường nói với nhau, chợ gạo nằm trên địa bàn ấp An Thiện thì mọi người sẽ được an lành, thiện phước".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận