04/03/2022 10:06 GMT+7

Chuyện chưa kể ở chợ gạo lớn nhất miền Tây - Kỳ 3: Nghề 'độc lạ' ăn theo chợ gạo

HÙNG ANH
HÙNG ANH

TTO - Kể chuyện chợ gạo lớn nhất miền Tây Nam Bộ, nghiệp chủ Tám Tèo - Ngô Quang Hà cười kể trước năm 2005 ở chợ gạo Bà Đắc có một nghề rất kỳ lạ là… vá bao đựng gạo.

Chuyện chưa kể ở chợ gạo lớn nhất miền Tây - Kỳ 3: Nghề độc lạ ăn theo chợ gạo - Ảnh 1.

Đại gia Tám Tèo trực tiếp kiểm tra chất lượng gạo trước khi cho nhập vào vựa - Ảnh: HÙNG ANH

Thời buổi đồ đạc ê hề này, ai lại nghĩ có chuyện may vá bao rách như thế, nhưng thực tế đã nuôi sống bao người.

Vá bao rách

Ông Tám Tèo kể: "Thời điểm đó bao đựng gạo may bằng chỉ nilông khan hiếm, nên một chiếc bao được các tiểu thương sử dụng rất nhiều lần. Tiểu thương đi mua gạo thường chở theo một đống bao, nhiều ít tùy theo số lượng gạo phải mua. Người bán gạo sau khi thỏa thuận xong giá cả thì mở bao gạo của mình sang qua bao của tiểu thương chứ không giao luôn bao".

Lúc đó bao đựng gạo khan hiếm nhưng chất lượng bao lại kém, mỏng, dễ rách, sử dụng càng nhiều thì bao càng mau rách. Thế là nghề vá bao ra đời, người tham gia dịch vụ này chủ yếu là đàn bà, con gái. Trang bị của họ chỉ là một cây lẹm (loại kim may khá lớn) và cuộn chỉ loại lớn, mấy cái bao còn khá lành lặn, đống vải vụn đủ màu.

Khi tiểu thương các nơi đến chợ mua gạo, họ quăng đống bao bị thủng cho đám phụ nữ vá bao trước khi đi lựa gạo. Lúc đó chiếc bao đựng gạo giá 2.000 đồng, trong khi tô phở ở chợ gạo cũng chỉ có vài ngàn đồng, nên những chiếc bao bị thủng được tận dụng tối đa.

Mỗi chiếc bao thủng được đắp vải, mảnh bao nhỏ vá lại, trả tiền công 200 đồng. Tùy theo tay nghề và mức độ siêng năng, mỗi ngày một người có thể vá được 100 đến hơn 200 chiếc bao, kiếm vài chục ngàn đồng đủ sống qua ngày lúc đó.

Và đi kèm với nghề may vá bao còn có dịch vụ cung cấp dây may bao, nhưng vui nhất là dịch vụ quét gạo đổ. "Tại sao có dịch vụ quét gạo đổ? Do tình trạng sang gạo từ bao của người bán qua bao của người mua nên không tránh khỏi chuyện đổ gạo khắp nền kho vựa.

Người sang gạo chủ yếu là công nhân bốc xếp nên họ làm ẩu, sinh ra đổ gạo xuống nền. Một chủ bị đổ gạo không nhiều, nhưng nhiều chủ thì gạo đổ không ít. Cho nên các chủ vựa phải thuê người quét gạo đổ hằng ngày, tiền công tùy theo diện tích quét, nhưng mỗi ngày người quét cũng kiếm được từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.

Số gạo đổ được quét gom lại, giao cho chủ kho vựa", ông Út Bài giải thích và cho biết mình chính là người "thầu" nhân công vá bao ở chợ Bà Đắc này.

Ông Út Bài kể thêm mấy năm sau do nhu cầu của thị trường, các nghiệp chủ đầu tư mua bao đựng gạo loại tốt, trọng lượng 10kg, 25kg, 50kg theo yêu cầu của khách hàng.

Bao mới được in tên tuổi, địa chỉ doanh nghiệp, gạo rời khỏi máy lau bóng được đưa ngay vào bao, may miệng bao bằng máy may chuyên dụng chạy bằng điện, nên dịch vụ vá bao, bán dây may bao, quét gạo đổ bị khai tử.

Nhưng một nghề kỳ lạ khác vẫn nở rộ trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2010. Đó là nấu cơm mẫu. Hồi đó, các tư thương phải tự đi đến các kho vựa chọn lựa từng lô gạo, cắn thử xem gạo khô hay ướt, ngửi xem gạo thơm hay không thơm.

Nếu ưng ý, trước khi quyết định mua, họ sẽ thực hiện bước kiểm tra chất lượng cuối cùng là… nấu thử gạo thành cơm. Tư thương sẽ lấy một bịch nhỏ gạo mẫu, đi thuê người nấu cơm để kiểm tra. Nghề nấu cơm mẫu chẳng đâu xa, đó là các quán cà phê cóc bình dân ở trong khu vực chợ.

Các chủ quán cà phê cóc, người ít thì trang bị 4 - 5 chiếc bếp gas mini, người nhiều thì cả chục bếp. Khi có người thuê nấu cơm, họ bật bếp nấu, trong khi người thuê nấu ngồi nhẩn nha uống nước chờ xem kết quả.

Mỗi một nồi cơm mẫu, tiểu thương trả công cho chủ quán cóc 5.000 - 10.000 đồng tùy theo lượng gạo nhiều hay ít. Nếu cơm đạt yêu cầu, đúng như lời quảng cáo chất lượng gạo của chủ kho vựa, tư thương sẽ trở lại kho thanh toán tiền, lấy gạo. Thời đó, mỗi chủ quán cóc có thể kiếm được hơn 100.000 đồng/ngày nhờ nấu cơm mẫu.

Khoảng sau năm 2010, do nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe, tiểu thương không còn ngây thơ bị lừa, nên các chủ kho vựa buộc phải đóng gạo đúng chất lượng vào bao. Từ đó dịch vụ nấu cơm mẫu cũng tàn dần.

Chuyện chưa kể ở chợ gạo lớn nhất miền Tây - Kỳ 3: Nghề độc lạ ăn theo chợ gạo - Ảnh 2.

Thời nay, gạo sau khi đóng bao được công nhân may miệng bao bằng máy may điện - Ảnh: HÙNG ANH

Cò gạo

Anh Hai Hiền, người ở xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, Tiền Giang) có thâm niên hơn chục năm làm ăn ở chợ gạo Bà Đắc, còn kể: "Chợ gạo có đội quân xe ôm rất đông. Nhưng lái xe ôm ở đây hầu như không chở người mà chỉ… chở gạo mẫu".

Theo anh Hai Hiền, mấy năm gần đây do các nghiệp chủ rất chú trọng chất lượng gạo và uy tín doanh nghiệp nên tiểu thương đi mua gạo đâm ra… làm biếng. Họ đến chợ gạo chỉ ngồi một chỗ chứ ít đi la cà khắp nơi như trước. Muốn xem mẫu để mua gạo, họ chỉ lấy điện thoại di động gọi cho các nghiệp chủ, thông báo loại gạo muốn mua, giá cả, chất lượng. Sau đó họ gọi xe ôm, kêu đi tới doanh nghiệp đã liên lạc, lấy bịch gạo mẫu về cho họ xem, đánh giá chất lượng.

Mấy anh xe ôm suốt ngày chỉ chạy loanh quanh trong khu vực chợ gạo, sang các kho vựa, nhà máy ở cụm công nghiệp An Thạnh và "hành khách" là những bịch gạo mẫu. Nhưng lắm khi kẹt hàng, họ phải chạy hàng chục cây số xuống các nhà máy, doanh nghiệp gạo ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) lấy mẫu gạo đem về theo yêu cầu của khách hàng.

"Chạy xe ôm chở gạo mẫu khỏe hơn chạy xe chở khách, vì người thuê chở gạo mẫu trả tiền công bằng với tiền công chở khách. Tùy đoạn đường xa hay gần, mỗi cuốc xe được trả từ 20.000 đồng đến hơn 100.000 đồng. Tính ra mỗi ngày một "xe ôm gạo mẫu" có thể kiếm được 200.000 - 300.000 đồng", Hai Hiền cho biết.

Theo Hai Hiền, ngoài "xe ôm gạo mẫu" thì ở chợ gạo còn có đội quân cò gạo rất đông. Cò gạo là những người chuyên nghe ngóng giá cả từng chủng loại gạo lên xuống mỗi ngày, là trung gian giữa các chủ ghe gạo nguyên liệu (gạo lức) dưới sông An Cư và các nghiệp chủ trên bờ. Công việc của cò gạo là xuống các ghe lấy gạo mẫu, đem đến các nhà máy, kho vựa chào bán.

Khi nghiệp chủ cần loại gạo nào đó, cò lại chạy đi các ghe kiếm đúng chủng loại, số lượng để giao cho doanh nghiệp. Thu nhập của họ chính là tiền hoa hồng của chủ ghe và chủ doanh nghiệp. Nhiều trường hợp, khi gạo hút hàng, họ xúi chủ ghe gạo nâng giá bán.

Lúc ghe gạo đông ken, họ lại thông báo cho các nghiệp chủ biết để hạ giá mua. Điều lạ là dù nâng giá bán hay hạ giá mua, cò gạo đều được chủ ghe gạo và các nghiệp chủ trả tiền công khá hậu.

Hai Hiền cho biết cò gạo ở chợ rất đông, nổi tiếng nhất là các cò Th., cò Chín Nh., cò Chín Đ.… Nhiều người hành nghề cò gạo mà có đồng ra đồng vô dư dả, cất nhà, cưới vợ, thậm chí có vốn bỏ nghề cò, ra mở vựa gạo.

"Chợ gạo còn hoạt động thì cò gạo còn đất sống. Họ giúp các chủ ghe gạo bán hàng nhanh, giúp nghiệp chủ mua được hàng đúng chất lượng. Nhiều lúc ghe đông, cò gạo còn nhận bán giùm gạo cho chủ ghe, ăn chênh lệch 100 - 200 đồng/kg mà ai cũng vui vẻ chấp nhận", Hai Hiền kể.

Trong khi đó, nghiệp chủ Tám Tèo cho biết nhờ cò mà giao dịch mua bán giữa những chủ ghe gạo nguyên liệu và nghiệp chủ luôn suôn sẻ, dù tất cả chỉ… mua bán bằng miệng, chẳng có giấy tờ hợp đồng gì. Tuy nhiên ngay trên bờ, chính cách buôn bán lấy chữ tín làm đầu đã khiến nhiều nghiệp chủ lâm cảnh dở khóc dở cười với những cú lừa siêu hạng mà năm nào cũng xảy ra vài vụ.

Theo ông Tám Tèo, nghề nấu cơm mẫu xuất hiện là do một số ít người làm ăn bất chấp chất lượng: "Lúc đó gạo bán rất mạnh, chủ kho vựa đem trộn nhiều chủng loại gạo vào cùng một bao nên chất lượng không đúng như lời quảng cáo. Đối với gạo thơm, nhiều người còn lấy gạo thường rồi phun hương liệu vào tạo mùi lá dứa, mùi sữa, mùi hoa lài… để đánh lừa người mua. Nhiều tiểu thương cả tin bị lừa, lỗ lã, mất uy tín với khách hàng, nên họ mới bày ra dịch vụ nấu cơm mẫu để xác định chính xác chất lượng gạo".

***********

Mỗi nghiệp chủ mua bán gạo một tháng cả ngàn tấn, giá tiền tỉ mà chỉ nói miệng. Chính vì vậy, chuyện bị giựt tiền hổng hiếm…

>> Kỳ tới: Dở khóc dở cười với chữ tín

Chuyện chưa kể ở chợ gạo lớn nhất miền Tây - Kỳ 2: Bến tỉ phú Chuyện chưa kể ở chợ gạo lớn nhất miền Tây - Kỳ 2: Bến tỉ phú

TTO - Theo địa phương và tính toán của ông Ngô Quang Hà, tức Tám Tèo, một trong những nghiệp chủ có máu mặt đầu tiên ở chợ gạo nổi tiếng Bà Đắc, nơi này hiện đang có khoảng 40 ông bà chủ kinh doanh gạo quy mô lớn.

HÙNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên