Bao người, kể cả anh bốc vác gạo ngày xưa, đã thành tỉ phú ra sao?
Ở chợ gạo Bà Đắc, ông Tám Tèo (SN 1963) là một trong những người đầu tiên mở vựa chứa gạo, rành rẽ mọi chuyện của chợ từ khi manh nha hình thành cho đến lúc sầm uất như hiện nay.
Phá sản thì tui chưa thấy, chỉ thấy ăn nên làm ra. Chợ gạo Bà Đắc là vùng đất của tỉ phú, nhiều ông xuất thân bốc vác ở chợ mà nay thành đại gia, tài sản trị giá hàng chục tỉ đồng.
Ông Tám Tèo - Ngô Quang Hà
Buổi ban đầu chân ướt chân ráo
Hỏi ông Tám Tèo tên thật, ông cười khà khà: "Tui là Ngô Quang Hà, nhưng đến chợ gạo hỏi tên cúng cơm của tui thì hổng ai biết, mà chỉ biết Tám Tèo. Ở chợ gạo này, chỉ những người thân thiết mới biết tên cúng cơm của nghiệp chủ. Họ đã quen gọi tên chủ vựa theo tên doanh nghiệp".
Ông Tám Tèo kể trước năm 1990, khu đất hẹp mặt tiền quốc lộ 1, sau lưng là con sông An Cư (hiện nay thuộc ấp An Thiện, xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) bốn mùa sóng vỗ, dân cư thưa thớt xen lẫn vườn cây trái.
Khu đất này bắt đầu từ phía nam cầu Bà Đắc, chạy dài khoảng 900m đến phía bắc cầu An Cư, lọt thỏm trong khoảng km 2005- 2006 của quốc lộ 1. Con sông An Cư thì bắt đầu từ sông Cái Bè thẳng vào vùng Đồng Tháp Mười đầy lúa gạo.
"Hồi đó tui làm thợ sửa xe máy. Cha vợ tui là ông Ba Sanh và hàng xóm là ông Hai Đức có hai chiếc xe ba gác. Xe của cha vợ tui thường chở lúa từ đám ruộng gia đình phía bên kia cầu Bà Đắc về nhà. Còn ông Hai Đức có bến nước dưới sông An Cư, nên lấy chiếc ba gác chở trái cây nhà vườn từ dưới sông ra quốc lộ 1 để lên xe tải đưa về Sài Gòn", ông Tám Tèo nhớ lại.
Đến năm 1990 không còn cảnh ngăn sông cấm chợ, thương lái dùng nhiều xuồng ghe chở gạo ra bến nước của ông Hai Đức để đưa lên xe về Sài Gòn. Trong lúc chờ xe, mưa nắng thất thường khiến dân buôn gạo xấc bấc xang bang.
Thấy vậy, ông Hai Đức dùng cây tạp trong vườn cất căn nhà nhỏ ngang 4m, dài 6m cho tiểu thương gửi gạo, ăn tiền đầu tấn, nghĩa là 1 tấn gạo họ phải trả cho chủ nhà bao nhiêu tiền tùy thỏa thuận.
Không có người khuân vác gạo, ông Hai Đức phải chạy đôn đáo khắp xóm kêu gọi người dân làm bốc vác kiếm tiền. Ngày càng có nhiều tiểu thương mang gạo đến gửi, ông phải mở rộng nhà kho, nhưng cũng chỉ là cây tạp, mái lá, nền đất.
Năm 1992, đến lượt ông Ba Sanh mở vựa cho gửi gạo. Ông phá hàng rào, mở đường trải đá xanh cho xe lui tận cửa vựa để ăn hàng, do sợ đậu ngoài quốc lộ bị phạt.
Sau đó, nhiều người nơi khác biết tin tại Bà Đắc có bến gạo thuận tiện trên bến dưới thuyền, nên dần dà đến thuê đất mở vựa. Riêng ông Tám Tèo, năm 1993 được cha vợ cho thuê lại khu nhà vựa với giá 1 triệu đồng/tháng, tự lo thuế má. Vựa gạo Tám Tèo xuất hiện từ đó.
Thấy nền vựa bằng đất quá dơ, ông Tám Tèo bán chiếc xe máy lấy một lượng vàng mua gạch tàu về lát. Là vựa đầu tiên lát nền bằng gạch làm thương lái thích mê, tập trung gửi hàng, nên dù chỉ ăn tiền đầu tấn mà ông Tám Tèo vẫn sống khỏe.
"Năm 1993, ông chủ trại cưa Tân Ngô Phát dẹp trại cưa, mở nhà máy xay lúa đầu tiên trong khu vực. Sau đó nhà máy xay lúa thi nhau mọc. Nhưng theo thời gian, nhà máy xay lúa nhiều bụi bặm, không có chỗ chứa trấu, nên đã di dời đi nơi khác, chủ yếu qua bên kia sông An Cư.
Hiện nay, chợ gạo Bà Đắc chỉ còn vựa gạo, nhà máy lau bóng, tách màu hiện đại. Cũng cần nói thêm, giữa năm 1993 nhà máy lau bóng gạo đầu tiên xuất hiện ở Bà Đắc, do ông Năm Sương chủ doanh nghiệp Cửu Long hợp tác với người khác xây dựng", ông Tám Tèo nhớ lại.
Ông Tám Tèo- Ngô Quang Hà- một trong những người tiên phong “khai sinh” chợ gạo Bà Đắc - Ảnh HÙNG ANH
Đến chợ gạo nổi tiếng ngày nay
Qua từng năm chợ gạo Bà Đắc ngày càng nở nồi, hoạt động suốt ngày đêm. Từ khu chợ gạo ban đầu, hiện nay các vựa gạo, nhà máy lau bóng, tách màu đã mọc lên san sát phía bên kia quốc lộ 1, mở rộng về phía bắc cầu Bà Đắc, lấp đầy cụm công nghiệp An Thạnh bên phía nam cầu An Cư (thuộc địa phận xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè).
Dưới sông An Cư, những ngày cao điểm suốt chiều dài gần 3.000m từng đoàn ghe trọng tải lớn chở gạo nguyên liệu từ các nơi tụ về, nối nhau đậu san sát, khiến con sông chật hẹp đến mức ghe phải hết sức khó khăn nếu muốn quay đầu.
Theo thống kê của địa phương, ngày bình thường chợ gạo Bà Đắc có khoảng 200-300 xe tải loại lớn, xe container từ Sài Gòn và các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ, miền Trung về ăn hàng.
Những thời điểm hút hàng như trước Tết Nguyên đán và lúc các tỉnh miền Tây Nam Bộ vào vụ thu hoạch lúa, số lượng xe tải về chợ gạo Bà Đắc ăn hàng nhiều gấp đôi, gấp ba. Nếu tính một xe tải vận chuyển bình quân 15 tấn thì ngày bình thường chợ gạo tung ra thị trường hơn 4.000 tấn gạo, ngày cao điểm 8.000 - 9.000 tấn.
Từ những vựa gạo xập xệ hồi thập niên 1990, hiện nay chợ gạo Bà Đắc đã hình thành chuỗi cung ứng lúa gạo hoàn chỉnh: thu mua, chế biến, lau bóng, tách màu, đóng bao, vận chuyển sản phẩm lúa gạo từ bình dân đến đặc sản đi khắp nơi. Ngoài sản phẩm chủ yếu là gạo, chợ còn cung cấp các phụ phẩm như tấm, cám phục vụ ngành chăn nuôi.
Ông Tám Tèo kể khoảng 5 năm nay cung cách làm ăn của chợ gạo Bà Đắc có nhiều thay đổi lạ lùng. Hồi trước khu chợ gạo này hoạt động suốt ngày đêm, làm ăn mua bán 24/7. Nhưng bây giờ mỗi chiều khoảng 16 - 17h là các doanh nghiệp, chủ vựa đóng cửa, ngưng hoạt động đến 6 - 7h sáng hôm sau mới mở cửa trở lại.
Các doanh nghiệp buộc hoạt động ban đêm phần lớn là đang kẹt đơn hàng, phải mở máy lau bóng, tách màu để kịp có hàng giao vào ngày hôm sau. Riêng ngày chủ nhật, các vựa, nhà máy đều đóng cửa nghỉ xả hơi như… công sở nhà nước.
Một thay đổi khác là hiện nay số công nhân trong các vựa, nhà máy ít hơn trước. Ngày trước chuyển gạo từ ghe lên kho, từ kho lên xe đều phải dùng những cây đòn dài bằng gỗ làm cầu dẫn, nên cần nhiều công nhân bốc xếp.
Nhưng bây giờ chủ doanh nghiệp đều trang bị những băng tải chạy suốt chiều dài hàng chục mét của kho, nên mỗi băng tải chỉ cần 2 công nhân trên xe hoặc dưới ghe, 4 công nhân đỡ bao, vác gạo cho lên băng tải trong kho.
"Trang bị băng tải lúc đầu rất tốn kém. Tải đứng giá 5 - 6 triệu đồng/m, còn tải nằm giá 4 triệu đồng/m, lại tốn điện để vận hành. Nhưng tính ra vẫn có lợi hơn sử dụng nhiều công nhân vác bao đi đòn", ông Tám nói.
Nhưng điều khiến người ta lạ lùng nhất là ngoài việc cung cấp hạt gạo của Đồng bằng sông Cửu Long đi miền Đông, miền Trung, chợ gạo Bà Đắc còn giữ vai trò "chở củi về rừng". Ông Tám Tèo giải thích: "Vào vụ thu hoạch lúa, chợ gạo Bà Đắc thu mua gạo từ vùng An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang.
Đến mùa nước nổi thì thu mua gạo từ Campuchia. Do lúc nào các kho cũng đầy ắp gạo nên chợ gạo này còn giữ vai trò "cứu nguy" cho các doanh nghiệp kinh doanh gạo ở vùng Cần Thơ, Sóc Trăng hoặc các nơi khác ở miền Tây.
Họ thiếu gạo, chỉ cần gọi điện đặt hàng chủng loại, số lượng thì xe tải, sà lan từ Bà Đắc lại ùn ùn chở gạo quay về miền Tây để giao hàng, nên chuyện… chở củi về rừng là có thật".
Vựa gạo đầu tiên của ông Hai Đức đến nay vẫn hoạt động - Ảnh HÙNG ANH
Có người từ anh bốc xếp gạo lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi một thời nay đã trở thành ông chủ lớn…
Kỳ tới: Bến gạo của những tỉ phú
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận