28/07/2020 11:39 GMT+7

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam - Kỳ 1: Xây móng 'chợ tiền'

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Hội trường lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán VN khá yên ắng, bỗng tất cả đứng dậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước vào trân trọng bắt tay người đàn ông lớn tuổi, TS Lê Văn Châu, người góp công lớn xây móng cho chứng khoán VN.

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam - Kỳ 1: Xây móng chợ tiền - Ảnh 1.

Bảng giao dịch điện tử chốt phiên chứng khoán đầu tiên ngày 28-7-2000 - Ảnh: T.T.DŨNG

Ông vốn là nguyên chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước đầu tiên, từng đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành tại Ngân hàng Thế giới ở Hoa Kỳ, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước...

Vẫn mở dù có lời bàn lùi

Gặp ông Châu vào một buổi trưa tại trung tâm TP.HCM, vị "lão tướng" tuổi 90 mắt vẫn sáng, đầu óc minh mẫn, mở từng hồi ức thuở đầu tạo lập TTCK VN. Ông kể bên cạnh ý kiến ủng hộ, cũng có không ít lời bàn ra ngay cả khi giờ "G" sắp điểm.

"Chúng tôi chuẩn bị khoảng 15 doanh nghiệp, nhưng hôm nay mở cửa thì hôm kia chỉ có hai doanh nghiệp đồng ý niêm yết. Lúc bấy giờ cũng có ý kiến ít quá, không nên mở thị trường" - ông Châu nhớ lại. 

Ngoài không hiểu về chứng khoán, thời buổi đó nhiều doanh nghiệp cũng "đề phòng" vì nghĩ ai cũng ở trong tối, mình đưa thông tin tài chính, hoạt động kinh doanh ra ánh sáng sẽ dễ bị săm soi.

Ông Châu nói: "Đảng, Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho tôi thì dầu ít cũng phải mở. Từ đó rút kinh nghiệm, làm từng năm một, để phát triển thêm". 

Với quyết tâm cao độ, ngày 27-8-2000 bảng giao dịch điện tử chứng khoán lần đầu tiên chính thức sáng đèn tại tòa nhà số 45-47 Bến Chương Dương (trước là Hội trường Diên Hồng), nay đổi thành số 16 đại lộ Võ Văn Kiệt, Q.1, TP.HCM, trở thành thị trường giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của VN.

"Chợ" đã mở, song hàng hóa khan hiếm, cổ phiếu Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và Công ty cổ phần SAM Holdings trở thành ngôi sao sáng, ai cũng săn mua, không muốn bán. 

Trước sức ép lớn, Ủy ban Chứng khoán nhà nước lập tức báo lãnh đạo công ty niêm yết bán ra, tạo nguồn cung. 

Phiên giao dịch đầu tiên khép lại trong tiếng vỗ tay, cười nói, nhà đầu tư tràn ngập hi vọng khi chứng kiến cổ phiếu đang nắm giữ đồng loạt tăng giá chỉ sau vài tiếng mua. 

Trong đó, 1.000 cổ phiếu REE và 3.200 cổ phiếu SAM sang tay ngày đầu, tổng số tiền 70,4 triệu đồng, tổng giá trị cổ phiếu niêm yết 270 tỉ đồng.

Từ chỗ lặn lội đến từng doanh nghiệp vận động, chỉ vài tháng sau nhiều doanh nghiệp thấy lợi ích, chủ động đăng ký xét niêm yết. 

Đến phiên cuối năm Canh Thìn 2000, có 5 cổ phiếu và 4 trái phiếu được niêm yết với tổng giá trị niêm yết hơn 320 tỉ đồng và hơn 1.180 tỉ đồng, chỉ số VN-Index vút cao như "rồng" khi tăng hơn 106% so với phiên giao dịch đầu tiên.

Chuyện chưa kể 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam - Kỳ 1: Xây móng chợ tiền - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay ông Lê Văn Châu trong lễ kỷ niệm 20 năm TTCK VN - Ảnh: BÔNG MAI

Rời Ngân hàng Thế giới về giúp nước nhà

Để gặt niềm vui Việt Nam có TTCK, ông Châu đã "ngụp lặn" nhiều thăng trầm. Từ những năm 1962, ông trải nghiệm quá trình phát triển TTCK Hong Kong. 

Sau ngày thống nhất đất nước, ông công tác tại Washington D.C (Mỹ). Từng trải nhiều vị trí, hiểu biết TTCK thế giới từ rất sớm, ông Châu được tin tưởng giao nhiệm vụ tạo lập nền chứng khoán VN.

Ông nhớ lại: "Khi đang làm giám đốc điều hành phủ quyết tại Ngân hàng Thế giới, thì tại quê nhà Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười gọi tôi ở Mỹ về cải cách kinh tế, cải cách hệ thống, suy nghĩ chuyện cho nước ngoài vào làm kinh tế, làm thế nào có vốn".

Ông hồi hương trước bối cảnh mở cửa hội nhập, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển kinh tế VN, song vốn hệ thống ngân hàng lại không đủ đáp ứng. 

Một số ngân hàng nước ngoài đã hoạt động tại VN, nhưng quy định mỗi chi nhánh ngân hàng này có vốn điều lệ đôla cũng hạn chế.

Doanh nghiệp cần vốn trung và dài hạn, ngân hàng không làm nổi, ngân sách eo hẹp, bội chi, trái phiếu quốc gia phát hành không bao nhiêu. "Không có cách nào khác là phải mở TTCK Việt Nam", ông Châu đề xuất và lần lượt thuyết phục các lãnh đạo như ông Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt tin tưởng giao trọng trách, xây dựng đề án.

Bắt tay làm, ông Châu gặp khó ngay: "Lúc bấy giờ hiếm ai hiểu chứng khoán là gì đâu. Có người còn nói xây dựng chứng khoán tốt thì làm cho mỗi tỉnh... một thị trường. Người ta không hiểu nhưng người ta muốn. Mình phải tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động".

Sau bước đi này, ông Châu còn giúp doanh nghiệp hiểu tham gia TTCK là để huy động vốn cho bản thân họ hoạt động. "Lúc đầu chẳng có doanh nghiệp nào muốn làm vì không hiểu, khi người ta hiểu rồi thì đổ xô vào làm. Giai đoạn đầu rất quan trọng" - ông Châu nói.

Việc ươm mầm, đào tạo các "hạt giống" quản lý thị trường cũng quan trọng không kém. Ngoài tận dụng nguồn lực có sẵn là cán bộ chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước, còn tổ chức thi tuyển cán bộ trẻ, tuổi chừng đôi mươi, có trình độ đại học và cao học.

Đồng thời, nhiều "hạt giống" được ông Châu đề cử đi du học, vùng vẫy trong thị trường tài chính Phố Wall (Mỹ) sôi động nhất thế giới. Hầu hết những người này về sau trở thành lãnh đạo trong hệ thống chứng khoán, ngân hàng, kiểm toán... "Học ở Mỹ, từng việc một, rồi mới về làm" - ông Châu chia sẻ.

20 năm ròng tưởng chừng dài, nhưng thật ra chỉ là con số non trẻ khi nói về TTCK. Nhìn về tương lai, ông Châu tâm sự: "TTCK đã chuyển biến tốt rồi, nhưng cố gắng làm vài chục năm nữa cho hoàn chỉnh hơn, đi đúng quy luật phát triển của nền kinh tế. 

Thị trường vốn của VN gắn bó với thế giới". Muốn được việc này, người góp công "kiến tạo" TTCK VN kiến nghị cần tiếp tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển bền vững. Các chính sách, biện pháp thị trường cần linh hoạt, cải thiện để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tâm huyết với nghề, ở tuổi cao 90, ngày ngày ông Châu vẫn cần mẫn làm việc, cập nhật tin tức trong nước, thế giới. 

Trong chuyến xe đưa ông ra sân bay Tân Sơn Nhất để về Hà Nội, vị "lão tướng" của nền chứng khoán VN tâm sự: "Tôi chưa bao giờ nghỉ, vẫn cố gắng làm để đóng góp cho nước nhà".

Sau hai thập kỷ, từ vỏn vẹn hai doanh nghiệp tiên phong đến nay có hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán VN với tổng giá trị vốn hóa hơn 4 triệu tỉ đồng, tương đương 65% GDP, dự tính tăng lên 120% GDP trong 5 năm tới.

Phong vũ biểu nền kinh tế

"Thị trường chứng khoán là phong vũ biểu của nền kinh tế, là bộ phận quan trọng của thị trường, với vai trò là kênh huy động vốn quan trọng hiệu quả của nền kinh tế, là một cửa sổ hội nhập, liên quan với thị trường tài chính, thị trường quốc tế...

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đóng góp quan trọng, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn cùng hệ thống tín dụng ngân hàng giúp nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng, đây cũng là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp trong huy động nguồn lực để phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động chứng khoán Việt Nam.

********************

Có thời sàn giao dịch chứng khoán luôn đông nghẹt người ngồi trong nhà, kẻ đứng ngoài cổng. Cứ mua cổ phiếu là trúng đậm, sau một đêm nhiều người bỗng bước lên bậc giàu sang.

Kỳ tới: Những ngày "ngây thơ, ngây ngất"

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Tìm điều đáng tin Thị trường chứng khoán Việt Nam: Tìm điều đáng tin

TTCT - Chỉ số chứng khoán sẽ chỉ tốt lên một cách vững bền khi nền kinh tế thật sự phát triển, chứ không phải là ngược lại như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Những lời đồn đại có thể kéo giá cổ phiếu trong ngắn hạn, nhưng chỉ có báo cáo tài chính mới có thể giữ được nó ở đẳng cấp thích hợp.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên