10/07/2019 10:36 GMT+7

Chuyện chép trên chuyến xe xuyên miền Tây

DUY KHÁNH
DUY KHÁNH

TTO - Người đàn ông không quen ngoài 50 chủ động nhường chỗ trên chuyến xe giường nằm cho bà cụ hơn 80 tuổi một mình lên xe dọc đường và ân cần chăm sóc bà cụ suốt chặng đường dài...

Chuyện chép trên chuyến xe xuyên miền Tây - Ảnh 1.

Người đàn ông tốt bụng chăm sóc cho bà cụ như người thân suốt hành trình dài của chuyến xe - Ảnh: DUY KHÁNH

Sáng sớm 10-7, chuyến xe chạy từ thị xã Gò Công (Tiền Giang) đi TP Hà Tiên (Kiên Giang) đông nghẹt khách. Mọi người mệt mỏi tranh thủ chợp mắt vì đã phải dậy sớm đón xe từ 5 giờ sáng. 

Gần đến cầu Mỹ Thuận thì xe đón thêm người. Khách mới lên xe là một bà cụ trên 80 tuổi. Bà đi một mình và dường như đang bị bệnh vì trông rất mệt mỏi. 

Không còn ghế trống, nhà xe trải tấm đệm cho bà cụ ngồi giữa lối đi. Bà cụ ngồi dựa vào thành ghế thở dốc, tay cầm bọc nước mía đưa cặp mắt mờ đục nhìn xung quanh như muốn tìm ghế trống nhưng dường như mọi người đều ngủ say nên không hay biết. 

Tôi ngồi ghế phía sau quan sát, lúng túng vì không biết xử trí sao khi muốn nhường ghế cho cụ nhưng kẹt là hai đứa con nhỏ đang ngủ, nhất là thằng lớn nằm ghế trên sợ nó ngủ quên lăn té thì nguy. 

Chưa được 5 phút thì người đàn ông nằm ngay chỗ bà cụ ngồi tỉnh giấc. Ông vội vàng bước ra nhường ghế cho cụ. Nắm tay bà cụ, ông dìu bà ngồi vào ghế, bật ghế thẳng ra để cụ nằm cho thoải mái. Bà cụ cảm động nằm vào ghế và ngủ thiếp đi. 

Lát sau mặt trời lên chiếu vào chỗ cụ nằm, người đàn ông vội kéo rèm cửa che nắng cho cụ. Tôi ngồi sau nên không thấy được gương mặt ông, chỉ nghe giọng miền Tây chân chất. 

Xe đến TP Sa Đéc thì dừng để hành khách đi vệ sinh và ăn uống. Người đàn ông chờ mọi người xuống hết rồi mới dìu bà cụ từ phía sau xuống xe. 

Nhà xe không đủ dép cho khách mang, cậu thanh niên đi trước lập tức nhường dép cho cụ và đỡ cụ tiếp người đàn ông tốt bụng. 

Lúc này tôi mới thấy rõ gương mặt của người đàn ông và chủ động bắt chuyện. Ông cho biết mình tên Võ Văn Tân, 54 tuổi, quê ở Gò Công nhưng ra Phú Quốc sinh sống đã hơn 30 năm. Ông về quê giỗ cha xong nên bắt xe ra Phú Quốc trở lại. 

Xe lại lăn bánh tiếp tục hành trình dài, tôi xin phép chụp tấm hình nhưng ông xua tay từ chối. Anh bảo bà cụ già yếu đáng tuổi cha mẹ mình ở nhà nên nhường ghế cho bà cụ là điều tất nhiên thôi chứ có gì đâu mà chụp. Phải nói thêm vài câu ông mới đồng ý để tôi chụp ông và bà cụ 1 tấm. 

Từ hàng phía sau, người thanh niên lúc nãy nói với lên bảo người đàn ông: "Chú ơi lên ghế con nằm cho khỏe, con xuống ngồi dưới cho!". Người đàn ông quay lại mỉm cười bảo thôi chú ngồi đây với bà cụ được rồi. 

Lúc này mọi người trên xe đều đã thức và nghe hết câu chuyện. Ai cũng nhìn người đàn ông và cậu thanh niên đầy trìu mến. Xe cũ, khách đông nên rất nóng nực nhưng dường như hành khách ai cũng thấy vui vẻ lạ thường. 

Cùng "Chuyến xe văn minh" xây dựng văn hóa giao thông

Hãy tham gia chương trình "Chuyến xe văn minh" do Tuổi Trẻ phối hợp các sở ngành TP.HCM phát động với sự đồng hành của Grab để cùng nhau nâng cao ý thức cộng đồng và lan tỏa những hành vi đẹp khi tham gia giao thông, giảm thiểu những câu chuyện buồn và những hậu quả không mong muốn như các trường hợp ở trên.

Không những thế, bạn còn có thể chung tay trao tặng nón bảo hiểm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn qua 2 hình thức đơn giản sau:

• Cách 1: Lan tỏa câu chuyện việc tốt

1. Nhấn thích hoặc chia sẻ các bài viết về "Chuyến xe văn minh".

2. Thay đổi khung chương trình "Chuyến xe văn minh" cho ảnh đại diện.

3. Đồng ý tham gia lan tỏa câu chuyện việc tốt.

• Cách 2: Gởi bài viết/hình ảnh/video về câu chuyện văn minh giao thông mà bạn chứng kiến, ý kiến của bạn để xây dựng văn hóa giao thông

1. Truy cập website: và gửi bài/hình ảnh/video theo hướng dẫn.

2. Tham gia từ Facebook cá nhân: đăng tải câu chuyện/ảnh chụp /video mà mình chứng kiến và quan sát được lên trang Facebook cá nhân ở chế độ công khai và gắn kèm hashtag #chuyenxevanminh.

3. Gửi đến email của chương trình tại địa chỉ [email protected]

Đặc biệt, khi tham gia chương trình theo cách 2, bạn sẽ có cơ hội được nhận quà tặng hằng tuần có giá trị 1 triệu đồng. Xem thêm thông tin tại

Người khách nữ và chuyến xe buýt khó quên

TTO - Tôi vẫn thường hay đi xe buýt từ nhà lên cơ quan làm việc và ngược lại. Một sự cố không mong muốn và ứng xử của người phụ nữ trung niên trên chuyến xe hôm ấy làm tôi nhớ mãi.

DUY KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên