TTCT - Ghi chép về một cuộc chuyển đổi thành công sang bệnh án điện tử - bước đầu tiên quyết định của quá trình chuyển đổi số - ở Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang, thành phố Châu Đốc. Trong lúc theo chân bác sĩ Nguyễn Tấn Huy xuống kiểm tra một bệnh nhân đang nằm ở khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang tại thành phố Châu Đốc (Bệnh viện Châu Đốc), cô y tá đưa cho chúng tôi coi một cái iPad nhỏ gọn rồi tếu táo: “Giờ gọn nhẹ thế này thôi là đủ, chớ trước đây, nữ y tá nào cũng ôm cả chồng hồ sơ đi khám bệnh đến mức bắp tay cuồn cuộn luôn”.Thân nhân và bệnh nhân ở Bệnh viện Châu Đốc và các vùng lân cận hơn một năm nay đã quen với cảnh các bác sĩ, y tá đi thăm khám chỉ cần đem theo một cái iPad mà không cần hồ sơ bệnh án giấy.Những người từng đi khám bệnh ở đây một lần cũng đều biết lần sau quay trở lại khám không cần đem theo giấy tờ, bởi tiền sử khám bệnh và chi tiết diễn biến sức khỏe của họ qua lần khám trước đều đã được lưu trong dữ liệu bệnh án điện tử của bệnh viện. Bác sĩ Huỳnh Phúc Hậu khẳng định phim X-quang bây giờ bác sĩ đều xem trên máy hết. Ảnh: BỬU ĐẤU Đó là một hành trình dài của Bệnh viện Châu Đốc. Hơn 10 năm trước, TS.BS Lữ Quang Trạng, giám đốc bệnh viện, đã bắt đầu triển khai chương trình bệnh án điện tử ở đây. Dù chỉ là bệnh viện tỉnh, “Châu Đốc đã trở thành bệnh viện công lập đầu tiên, cùng Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng, được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử tại Việt Nam” - theo lời bác sĩ Huy, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện.Việc số hóa dữ liệu này, tất nhiên, mới là một phần của công cuộc chuyển đổi số, nhưng là một bước đi tất yếu và đã cho thấy hiệu quả. Êkip bệnh viện tính toán, nếu trước nay một phòng có 20 giường bệnh, cần triển khai 20 hồ sơ bệnh án sẽ phải mất khoảng 1,5 giờ đồng hồ để lập bệnh án mới hoặc lục hồ sơ cũ mới bắt đầu khám được, thì nay chỉ cần chưa đầy 30 phút.Với người tới khám bệnh, sự làm quen dần với hệ thống số hóa cũng đã mang lại lợi ích. “Tôi thích nhất là không còn phải xếp hàng, bệnh trở nặng muốn chuyển viện cũng chỉ mất tí xíu thủ tục chờ bệnh viện in hồ sơ ra đưa mình cái rẹt là xong, không như trước đây chờ làm thủ tục chuyển viện muốn bệnh nặng thêm luôn” - ông Trần Văn Tiến, 60 tuổi, ở xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, An Giang, nói.Đường từ nhà ông Tiến đến thành phố Long Xuyên, tỉnh lỵ của An Giang, không xa, nhưng cũng như rất nhiều người, từ ngày thấy Bệnh viện Châu Đốc “ngon lành” đã lựa chọn đến đây khám thường xuyên.Bệnh viện Châu Đốc hiện có 1.050 giường, tương ứng hơn 1 triệu hồ sơ được bệnh án điện tử cập nhật và lưu trữ mỗi năm. Một ví dụ cụ thể: bác sĩ Huỳnh Phúc Hậu - trưởng khoa chụp X-quang - cho biết trước đây phòng của anh sau khi chụp X-quang xong phải in ra phát cho người bệnh, còn nay toàn bộ dữ liệu đã được liên thông qua phần mềm của bệnh viện đến tận các khoa, phòng, được bác sĩ xem trên máy tính.“Trong phần mềm này, các bác sĩ xem được bệnh án từng người và công việc đã diễn ra ở từng khoa, phòng, nhưng không được tác động chỉnh sửa gì hết. Đáng chú ý là phần mềm có tiện ích là nếu bệnh nhân chỉ bệnh nhẹ mà cho thuốc liều nặng và sai danh mục thuốc bảo hiểm y tế có thể thanh toán thì không được. Hoặc người bệnh chỉ bệnh về tay mà cho thuốc uống bị bệnh ở chân là không chấp thuận. Đây là tính ưu việt mà tôi nghĩ ai làm trong bệnh viện cũng thích hết”, bác sĩ Hậu nói.Người bệnh và thân nhân khi đến thăm khám cũng thấy thoải mái hơn do không phải mang giấy tờ bệnh án, không phải bỏ tiền mua hồ sơ giấy, không sợ bị “hạch” các hồ sơ tiền sử bệnh khi nhỡ quên như trước nay, mà còn yên tâm không sợ mất kết quả xét nghiệm, có thể tự quản lý thông tin về sức khỏe liên tục đến suốt đời.Vào khám bệnh, chỉ cần chờ trước màn hình khai báo thông tin của bệnh viện nhấp vào lấy số là xong. Với những người già hoặc không rành về công nghệ, có nhân viên y tế trực hỗ trợ.Sau khi giải thích cặn kẽ nhiều ưu thế của bệnh án điện tử, thấy chúng tôi rất quan tâm đến chi phí đầu tư ban đầu, bác sĩ Huy nói chắc nịch: “Vấn đề không nằm ở kinh phí”.Sau khi đã được tỉnh chấp thuận chủ trương, vấn đề đầu tiên của đội ngũ triển khai là tìm một đơn vị đáp ứng được về công nghệ ở mức giá vừa phải. Hai phía đã rất kiên trì và mất tới hai năm để đưa bệnh án điện tử vào triển khai, cùng quá trình mua mới thiết bị, dùng thử, sửa chữa sai sót…“Nhiều bệnh viện khi nghe Bệnh viện Châu Đốc làm được đề án điện tử, cũng ngạc nhiên đến tham quan và hầu hết đều bất ngờ khi thấy mức chi phí chuyển đổi số rẻ đến vậy”, bác sĩ Huy cười kể. Anh cũng không ngại tiết lộ con số cụ thể: khoảng 5 tỉ đồng.Vậy vấn đề nằm ở đâu? Theo bác sĩ Huy: “Cái khó nhất mà chúng tôi từng khắc phục để đưa vào hoạt động bệnh án điện tử thành công chính là sự đồng thuận của tất cả nhân viên y tế”. Họ mất rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng sự tiếp nhận của cán bộ y tế với quy trình mới. Nhiều bác sĩ, y tá đã quen công tác theo lối hồ sơ giấy, quy trình cũ, nên ban đầu, những ý kiến bất đồng với quy trình số hóa là không ít. Họ viện nhiều lý do để từ chối cập nhật được những kỹ năng mới cần thiết. “Ban giám đốc đã phải rất quyết liệt, buộc đào tạo, buộc thay đổi, những người phản đối mới dần dần chấp nhận, chịu khó làm quen và thay đổi. Có người bao nhiêu năm, giờ mới lần đầu biết iPad là cái gì, giờ sử dụng được mới thấy sướng”, bác sĩ Huy kể.Một trở ngại khác với Bệnh viện Châu Đốc đến từ bên ngoài: ngành bảo hiểm lúc đầu không chấp nhận hồ sơ điện tử.“Họ quen với việc xác lập pháp lý trên hồ sơ giấy nên không đồng ý. Sau đó phải có sự can thiệp của Bộ Y tế, của ngành Bảo hiểm Việt Nam… và thông tư xác lập bệnh án điện tử có chức năng pháp lý thì mới giải quyết được. Mấy bệnh viện triển khai bệnh án điện tử sau thì không gặp phải chuyện này nữa”, bác sĩ Huy cười.■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Chuyển đổi số: không có lựa chọn khác Tiếp theo Tags: An GiangChuyển đổi sốBệnh án điện tửBệnh viện Châu Đốc
Bão số 7 tác động như thế nào đến đất liền Việt Nam? CHÍ TUỆ 08/11/2024 Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 19h tối nay 8-11, tâm bão số 7 (bão Yinxing) đang cách quần đảo Hoàng Sa hơn 600km về phía đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17.
Giá vàng giảm, vàng nhẫn từ chỗ khan hiếm lại dồi dào ÁNH HỒNG 08/11/2024 Giá vàng tăng giảm loạn xạ khiến người nắm giữ vàng chọn giải pháp an toàn là bán ra. Nguồn cung vàng trên thị trường lại trở nên dồi dào.
Kết quả điều tra ban đầu: Công ty GFDI nợ 7.500 khách hàng số tiền 3.700 tỉ đồng TRƯỜNG TRUNG 08/11/2024 Công an TP Đà Nẵng bước đầu xác định Công ty GFDI nợ 7.500 khách hàng, với số tiền nợ gốc hơn 3.700 tỉ đồng.
Trường đầu tiên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM công bố phương án tuyển sinh năm 2025 TRẦN HUỲNH 08/11/2024 Tối 8-11, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 với 3 phương thức xét tuyển.