Chuyện cây bút chì và triết lý kinh doanh kiên định

LÊ QUANG 04/03/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Mấy ai hôm nay còn biết đến nghề đốt đèn đường dùng gas, còn ai nghe đĩa hát bằng bột than ép hay băng cassette thu âm? Vậy trong thời đại của laptop, computer và smartphone này, nhà sản xuất bút chì lớn nhất thế giới còn sống bao lâu nữa? Nhưng gần 260 năm kiên định với giá trị cốt lõi đơn giản của một vật tí hon như cây bút chì lại là một câu chuyện sản xuất và kinh doanh đáng trọng.

 

 

Có hẳn một Ngày Quốc tế bút chì: ngày 30-3. Và ngày nay, ai vào cửa hàng văn phòng phẩm cũng sẽ chắc chắn thấy một kệ bán toàn bút viết. Những thương hiệu danh tiếng nhất trong mảng này, như Staedtler, Faber-castell, Schwan-Stabilo... đều từ các nhà sản xuất tập trung quanh vùng Nuremberg của nước Đức.

Lần lại dấu bút “chì”
5.000 năm trước, người Ai Cập khi đúc chì đã nhận ra có thể dùng nó vẽ lên nền đá màu sáng. Họ đổ chì lỏng vào ống tre hay ống sậy, mài nhọn một đầu: đó là tiền thân của bút chì hôm nay. Tùy theo độ pha trộn vào hợp kim mà điều chỉnh độ mềm của chì, tương tự dòng B hay H của bút chì ngày nay.

Cái tên “chì” cũng hợp lý, bởi theo sử gia La Mã Plinius, người ta dùng vật liệu chì đến tận 3.000 năm sau. Những nghệ sĩ đầu tiên ở thế kỷ 12 còn bọc bạc lên ngòi nhọn để dùng làm đục hay dao khắc cho một loại hình nghệ thuật riêng, do đó còn xuất hiện cái tên “bút bạc” – nay bị lãng quên hẳn.    

Người Anh góp phần viết ra lịch sử bút chì khi tìm được ở vùng Borrowdale một lượng lớn đất mỡ bẩn thỉu, khi khô có thể viết và vẽ đơn giản hơn là dùng bút lông ngỗng và cũng dễ tẩy xóa hơn. Vì có màu xám chì nên 200 năm sau đó người ta vẫn cho rằng vật liệu này là quặng chì loại mềm. 

Ta phải đợi đến thế kỷ 18, khi kỹ nghệ hóa học đã tiến bộ hơn và một nhà hóa học đức phân tích được cấu trúc carbon kết tinh. Carl Wilhelm Scheele - dược sĩ yêu môn hóa - đã gọi vật liệu này là graphit, từ gốc tiếng Hi Lạp graphein nghĩa là “viết”. Nhưng người đời vốn dễ tính hay lười tư duy đã tiếp tục gọi graphit là than... chì.

 Cây bút chì cổ nhất thế giới được tìm thấy trong một ngôi nhà gỗ xây dựng năm 1630 (Ảnh: Faber-Castell)

Bút chì ở dạng giông giống hiện nay được sản xuất ở vùng Nuremberg và phụ cận từ 130 năm trước. Khác với người ai cập quấn dây gai hoặc bọc tre quanh ruột chì cho đỡ bẩn tay, người Đức nghĩ ra cách kẹp ruột chì vào giữa hai thanh đóm. Luật thủ công vùng Nuremberg chỉ cho phép thợ mộc có chứng chỉ mới được sản xuất vỏ bút chì kiểu đó.

Luật Đức vốn nổi tiếng nghiêm, song như ta biết, luật sinh ra cũng để có người lách luật. Friedrich Staedtler, cụ kỵ của Sebastian Staedtler là người sáng lập ra công ty làm bút chì Staedler hồi năm 1835, không thèm đếm xỉa đến quy định của Hội đồng thành phố Nuremberg. Cụ tự in một tấm bằng là “Nhà sản xuất bút bằng hợp chất chì (lại chì!)” đầu tiên ở Đức và đi vào lịch sử từ ngày 14-7-1662. 

Để tránh chế tài, cụ Staedler thoạt tiên phải tránh ra ngoài cổng thành để sản xuất, sau đó chuyển lậu sản phẩm vào bán ở các phiên chợ nội thành.    

 

 Một hộp đựng bút chì cổ xưa.

Bút chì phong thánh

Bước đột phá diễn ra vào năm 1790, khi kiến trúc sư thành Vienna (Áo) là Joseph Hardtmuth nhào đất sét ướt với bột than chì, nặn thành hình que rồi nung cho cứng trong lò than. Bây giờ người ta có thể điều chỉnh tỉ lệ đất sét để tạo độ cứng cho cây bút lịch sử.

 Kiến trúc sư người Áo Joseph Hardmuth - ông tổ của bút chì hiện đại.

Mấy năm sau, ông Nicolas-Jacques Conté - người Pháp - nghĩ ra cách lọc được graphit từ mấy loại đất tạp nham trong mỏ than chì ở Đức và Áo. 

 Ông Nicolas Jacquez Conte

Giờ thì, với chút thiên vị, có thể gọi Joseph Hardtmuth và Nicolas-Jacques Conté là ông tổ của bút chì hiện đại.

Nhưng để cái dụng cụ thần thánh đó trở nên thân thiết như ngày nay thì phải kể đến công lao một người Mỹ: năm 1830, Josef Dixon dán ruột chì vào giữa hai nửa vỏ tiện tròn. Và để cái dụng cụ quý giá đó không lăn lông lốc từ mặt bàn xuống đất, người Đức Lothar Von Faber mài cái vỏ tròn thành sáu cạnh.  

 

Cái tên Faber cũng nằm trong tên Hãng bút chì Faber-Castell (sáng lập năm 1761), một trong những điểm sáng của công nghệ bút chì bên cạnh Staedtler (1835) và Schwan-Stabilo (1855), đều từ Nuremberg.

 Người Đức nghĩ ra việc mài thân cây bút chì thành 6 cạnh để nó khỏi lăn long lóc.

Với đầu ra khoảng 2 tỉ bút chì đen và màu vỏ gỗ mỗi năm, nhà sản xuất đức Faber-Castell đứng số 1 thế giới trong lĩnh vực này. Công ty này nói rằng họ tạo công ăn việc làm cho 8.000 người ở 10 nước và có văn phòng đại diện tại 120 quốc gia. Nhà máy bút chì màu của Faber-Castell ở São Carlos (Brazil) là nhà máy bút chì màu lớn nhất thế giới.

Hãng này có tên tuổi xán lạn ở Đức không chỉ vì quy mô kinh doanh mà vì nhờ đóng góp lớn lao vào lĩnh vực nghề. Lothar Von Faber, người nghĩ ra thân bút chì lục lăng, cũng viết ra quy chuẩn về bút chì mà đến hôm nay cả thế giới vẫn tuân thủ hầu như ở dạng ban đầu. Nhờ công lao này mà năm 1881 ông được phong tước hiệu quý tộc. Lâu đài Faber mà dòng họ của ông cho xây thế kỷ 19 sát Nuremberg có tên dân gian là Lâu đài Bút chì. 

 Lâu đài Bút chì

Năm 1874, Lothar Faber viết một thư thỉnh nguyện lên Quốc hội Đức đề nghị tạo ra đạo luật về bảo vệ thương hiệu, vì thế ông được coi là người tiên phong cho đạo luật được Đức ban hành một năm sau.

 Faber-Castell nổi tiếng không chỉ với bút chì mà còn làm các loại bút phớt, bút đánh dấu, phấn bảng, thước tính... chất lượng cao. Đến khi có máy tính, bút chì vẫn là số 1 trong giới vẽ kỹ thuật.

 

Tiên phong cho kinh doanh lối mới

Ở Lothar von Faber, nói một cách đơn giản hóa, người ta có thể đọc lại cách tiến hóa của kinh doanh kiểu kinh tế thị trường có trách nhiệm xã hội - từ một thợ thủ công lên vị trí dẫn đầu lĩnh vực. 

Khi thừa kế sự nghiệp của ba đời đi trước, hoạt động lớn đầu tiên là Faber mua một mỏ grafit ở Siberia băng giá để thay cho nguồn nguyên liệu thô kém chất lượng tại quê nhà. Nên nhớ thời điểm đó là năm 1856, khi các phương thức thông tin và dịch chuyển trên thế giới này còn ở trình độ xe ngựa. 

Khi đã có sản phẩm được sản xuất công nghiệp nhờ sự trợ lực của động cơ hơi nước, hãng của ông là doanh nghiệp đầu tiên trong lịch sử nước Đức nuôi một đội tiếp thị mang mẫu sản phẩm đi quảng cáo trong nước và nước ngoài, phân phát một ấn bản hấp dẫn mà hôm nay ta quen gọi là catalog. 

Nhận được hưởng ứng mạnh mẽ, năm 1849 Faber mở đại lý ở New York, tiếp đến là London, Paris, Vienna, St. Petersburg… cho đến tận Cận Đông và Trung Hoa. 

Với gia đình thông gia Castell, công ty đổi tên Faber-Castell và tiếp tục phát triển về Viễn Đông và Nam Mỹ. Việc lập chi nhánh lớn ở Brazil không chỉ để khai thác nguồn gỗ địa phương: với dự án 10.000 ha rừng ở Minas Gerais, Faber-Castell tạo ra 20 mét khỗi gỗ mỗi giờ và là một trong số hi hữu các doanh ngiệp nhận chứng chỉ quốc tế FSC (Forest Stewardship Council) cho lâm nghiệp bền vững. 

Bút chì “kỹ thuật số”

Như báo trực tuyến đe dọa báo giấy, công nghệ làm bút chì cũng lao đao khi người tiêu dùng hôm nay thạo gõ phím hơn viết tay. Nhưng Faber-Castell hay Staedtler thuộc về những doanh nghiệp không quá bị bất ngờ trước sự chuyển đổi đến kỹ thuật số. Các loại bút stylus của họ cho phép viết và vẽ cũng như lưu trực tiếp trên màn hình điện thoại di động, notebook hay tablet.

Sau một thời gian lưỡng lự quá dài, nay các ông lớn như Apple cũng phải mở đường cho các loại bút kỹ thuật số vào iPhone hay iPad. Chúng không chỉ để nhập dữ liệu và điều khiển trò chơi game mà còn để viết và vẽ tự nhiên.

 

 Bút Stylus của Faber Castell

Nhưng ông chủ tịch tài chính và giám sát Michael Boy của Faber-Castell lạc quan tuyên bố: “Sẽ không có văn phòng không giấy”. So với năm tài chính vừa qua, năm 2020 khép lại với 19% tăng trưởng trước thuế của hãng ông, tính thành tiền tươi là đạt tổng cộng 538 triệu euro, trong khi dự tính mong muốn chỉ là 500 triệu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đi đầu với tổng doanh thu 96,8 triệu euro, Nam Mỹ thậm chí tăng 21%.

Qua định hướng đầu tư của Faber-Castell, có thể nhận ra rằng tương lai của các loại bút vật lý không ngại tương lai số: năm ngoái họ đầu tư 25,4 triệu euro (năm trước đó: 19,5 triệu euro) để hiện đại hóa cơ sở sản xuất ở Đức, Brazil và Indonesia.

Đại dịch COVID-19 khiến các dự tính có vẻ thấp xuống, nhưng tăng trưởng doanh thu dự đoán ở mức 5%. Sự kiên định bám thật chắc những giá trị đơn giản thiết yếu và vững bền, trong khi cuộc sống không phải lúc nào cũng phải xoắn lên với kỹ thuật số hay công nghệ tân kỳ gì, thế mà lại tốt. Hoặc còn hơn cả tốt.■

Khác với xu thế thuê thế giới thứ ba gia công với giá rẻ để tránh né luật trong nước, Faber-Castell là một công ty mang nặng trách nhiệm xã hội. Từ năm 2000, Faber-Castell có một quy định tự nguyện là tuân thủ khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về điều kiện lao động ở mọi chi nhánh nước ngoài.

Hãng Faber von Castell lập ra một trong những cơ chế bảo hiểm y tế doanh nghiệp đầu tiên ở Đức và xây nhà ở, trường học, nhà trẻ và nhà thờ riêng cho nhân viên. 

Ở Đức, ai cũng biết đến Công ty bảo hiểm nhân thọ Nürnberger Lebensversicherung mà Lothar Von Faber là thành viên sáng lập.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận