25/10/2018 17:45 GMT+7

Chuyện 'cầm nhầm' kịch bản cứ tiếp diễn

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Câu chuyện làm nghề chưa chuyên nghiệp dẫn đến những kiện tụng về bản quyền khá ồn ào ở lĩnh vực âm nhạc, còn trong lĩnh vực sân khấu, tình trạng này cũng không kém nhưng ít được chú ý.


Đăng ký tác quyền không phải là cách duy nhất để bảo vệ tác phẩm nhưng theo tôi, đó là cách tốt nhất để khi có tranh chấp chúng ta sẽ làm thủ tục tố tụng tốt hơn. Cũng có người ngại đăng ký rắc rối, mất thời gian. Nhưng tôi đã làm vài lần, thấy không có gì khó khăn.

Tác giả Xuyên Lâm (tác giả vở kịch Người vợ ma)

Các vụ tranh chấp ở lĩnh vực sân khấu chỉ dừng lại là những ồn ào trên mặt báo hoặc mạng xã hội, hiếm có vụ kiện nào chính thức nên những vụ việc "cầm nhầm" dường như vẫn không ngừng lại...

Chuyện cầm nhầm kịch bản cứ tiếp diễn - Ảnh 2.

Sân khấu Idecaf từng phản ứng khi kịch bản Tía ơi, má dìa! - một vở diễn hay của sân khấu bị một thí sinh tự tiện lấy đi thi game show - Ảnh: Linh Đoan

Nỗi buồn... ứng xử

Mới đây, một tác giả, đạo diễn khá có tiếng ở TP.HCM ngao ngán chia sẻ: "Tôi có tác phẩm viết gần 20 năm trước, cách đây khá lâu, một đơn vị tự tiện lấy dựng và bôi luôn tên tác giả của tôi. Nhờ bạn bè phát hiện báo cho tôi mới biết. 

Tới năm ngoái họ mới mời tôi lên nhận tiền tác giả. Rồi nghe đâu, họ đem ra ngoài Bắc dựng, tác phẩm tôi viết nhưng lại để tên đạo diễn và tác giả ngoài đó luôn. Thông tin loan ra trên báo, tôi biết được lại phải gọi hỏi cho ra chuyện, cuối cùng họ mới in lại tờ rơi có để tên tôi".

Bà Mỹ Phượng - chánh văn phòng Hội Sân khấu TP.HCM - cho biết: "Chuyện vi phạm tác quyền ở lĩnh vực sân khấu không ít. Gần đây, tác giả trẻ Phạm Tân có bày tỏ nỗi buồn về cách ứng xử của đồng nghiệp. Anh được một đạo diễn trẻ nhờ viết giúp tiểu phẩm dự thi game show về kịch trên truyền hình. 

Khi nhờ, cô ấy hứa sẽ trả tác quyền đàng hoàng. Nhưng trong cuộc thi, cô không được vào sâu các vòng trong và thế là cũng lờ tịt chuyện tác quyền. Khi được nhắc nhở, sau vài lần thoái thác, cô ấy đã nhắn một cái tin lạnh lùng: Anh mở YouTube lên xem em xài của anh (tiểu phẩm) bao nhiêu? 

Phạm Tân nói với tôi thật ra tiền tác quyền không đáng là bao nhưng anh thất vọng vì cách ăn nói trịch thượng, cách cư xử không đàng hoàng của đồng nghiệp!".

Thưa kiện, sao nhìn mặt nhau?

Là đạo diễn quen thuộc ở các game show trên truyền hình, Chánh Trực tâm sự: "Đồng ý là sau tác giả, đạo diễn như một tác giả thứ hai, bởi họ phả không khí, tư tưởng vào vở diễn, chuyện đạo diễn sửa tác phẩm từ kịch bản giấy lên sàn diễn là bình thường. 

Tuy nhiên, có đạo diễn sau khi dựng đứng tên đồng tác giả hoặc đẩy tác giả ra chỉ để tên mình. Khi làm game show, tôi thấy việc vi phạm này nhiều lắm".

Chánh Trực cho rằng xảy ra tình trạng này do chúng ta chưa chuyên nghiệp, anh em làm việc nhiều khi chỉ thỏa thuận miệng chứ không có hợp đồng ràng buộc. 

Khi có chuyện xảy ra, nghệ sĩ cũng ít có thói quen đi thưa kiện vì tâm lý thưa kiện rắc rối, mất thời gian mà chẳng biết có được gì không. Rồi đưa nhau ra tòa thưa kiện, sau này làm sao còn nhìn mặt nhau? Vì những lý do đó nên tất cả vẫn chỉ trông chờ vào lòng tự trọng, ý thức của người làm nghề.

Đạo diễn Hoàng Duẩn kể hồi tên tuổi anh chưa được nhiều người biết đến, có những đàn anh đàn chị lấy tác phẩm của anh đi diễn rồi lờ luôn tiền tác quyền. Bây giờ vẫn có nhiều đài PT-TH tỉnh lấy tác phẩm của anh mà cũng chẳng hỏi xin. 

Anh buồn rầu nói: "Thật ra tiền bạc chỉ là một phần, không quá quan trọng nhưng tôi thấy buồn vì có những người làm văn hóa mà không tử tế, không đàng hoàng, thản nhiên biến của người khác thành của mình. Mình làm ra sản phẩm văn hóa mà cư xử thế là không có văn hóa!".

Làm nghệ thuật mà đi "cóp nhặt" thì không phải là nghệ sĩ!

TTO - Vụ việc ca sĩ Noo Phước Thịnh gần đây bị kiện vi phạm bản quyền với MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi trở thành tiếng chuông cảnh báo về cách làm chưa chuyên nghiệp của giới nghệ sĩ giải trí trong nước.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên