TTCT - Chưa hết bàng hoàng vì vụ cả một làng đổ ra đánh chết kẻ trộm chó, lại còn chặn xe cấp cứu khiến nạn nhân chết ở Nghệ An, mọi người lại sững sờ trước vụ kẻ trộm chó khi bị phát hiện đã quay lại bắn chết người chủ chó ở Bắc Ninh. Cái ác điềm nhiên xảy ra ở những vùng quê vốn dĩ thanh bình ấy không chỉ đặt ra câu hỏi cho mỗi người mà còn đặt ra cho hệ thống luật pháp những chất vấn mới. Sử gia Eric Hobsbawm từng nói: lịch sử nhân loại bắt đầu từ khi người ta áp đặt luật lệ quy định người không được ăn thịt người. Thời nay luật hình sự các nước văn minh, trong đó có Việt Nam, cấm người giết người. Hai hệ thống tôn giáo tiêu biểu ở ta là đạo Phật và đạo Thiên Chúa đều khuyên nhủ con người hãy sống thiện với nhau và tránh xa cái ác. Vậy do đâu mà những chuyện tương tự ở Nghệ An hay Bắc Ninh ngày càng nhiều? Liệu ta có trách nhiệm gì không vì đã để cái ác xảy ra ngay bên cạnh mình, trong làng mình, khu phố mình, quận mình, thành phố mình và nước mình? Không theo kịp thực tế Phổ cập giáo dục pháp luật và những phiên tòa răn đe là giải pháp dễ thực hiện nhất để lan tỏa bộ luật từ trung ương ra khắp mọi miền đất nước. Quan tòa và kỷ cương phép nước cũng chính là bộ mặt của nhà nước nơi thôn dã Trước hết, tội ác theo cách hiểu của luật pháp là tội phạm, mà theo thuật ngữ chuyên môn tiếng Latin thì nullum crimen sine lege (no crime without law) - không có luật thì chả có tội phạm nào cả. Tức là, để ngăn ngừa một điều ác trong xã hội ta cần đặt ra luật cấm điều đó, và từ nay trở đi thì tất cả những hành vi nào như vậy sẽ bị coi là phạm tội và bị trừng phạt. Đi theo lối suy nghĩ này, lực lượng tri thức trong cộng đồng có trách nhiệm phải vận động tạo ra luật để ngăn chặn những hành vi không thể chấp nhận được trong xã hội văn minh. Một loạt các định chế cơ bản đã được hệ thống luật pháp từ thời La Mã hoàn thiện dần cho đến thời Napoleon và sau này là luật hình sự các nước. Dưới ảnh hưởng của hai triết gia Đức là Immanuel Kant (1724-1804) và Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831), luật pháp châu Âu mà đặc biệt là bộ luật của Anselm Feuerbach (1775-1833) bắt đầu chú ý đến yếu tố luân lý đạo đức, tức là lồng ghép yếu tố xã hội vào giữa các tính toán pháp lý khô khan, mà ở Việt Nam thường được hiểu qua những nguyên tắc đơn giản như là “có lý có tình” hay “đúng người đúng tội”. Trong hệ thống đó, hai phương pháp cơ bản nhất để ngăn chặn tội ác là giáo dục và răn đe. Người nắm vững những nguyên tắc này nhất chính là quan tòa. Ngày nay, ở nhiều nơi, ta vẫn thấy những vị quan tòa lưu động vi hành các nơi để xử án hay tìm đến những nơi hẻo lánh không chỉ để thực thi pháp luật mà còn giải thích cho các bên biết đâu là điều phải trái. Kế tiếp là hệ thống giáo dục phổ cập cộng đồng mà một số bộ luật ở Việt Nam được làm rất tốt với băngrôn biểu ngữ tuyên truyền luật giao thông, hay nhắc nhở việc đóng thuế. Khi áp dụng những bộ luật xây dựng trên hệ thống tư tưởng châu Âu như vừa kể vào hoàn cảnh Việt Nam, nhiều người luôn nhắc đến câu “phép vua thua lệ làng”. Phổ cập giáo dục pháp luật và những phiên tòa răn đe là giải pháp dễ thực hiện nhất để lan tỏa bộ luật từ trung ương ra khắp mọi miền đất nước. Quan tòa và kỷ cương phép nước cũng chính là bộ mặt của nhà nước nơi thôn dã. Nếu chính quyền đủ sức mạnh để kêu gọi toàn dân đội mũ bảo hiểm thì cũng cần thể hiện trách nhiệm cao hơn qua việc nhắc nhở cộng đồng, ngăn chặn đám đông đánh chết người trộm chó hay tài xế gây tai nạn - một hành vi chưa chắc đã là cố ý và nếu đem ra xử không phải lúc nào cũng phải là án tử hình. Theo cách nhìn như vừa trình bày, một phần khiến hệ thống luật pháp hiện nay không bảo vệ nổi tính mạng cho một công dân phạm tội trộm chó là vì không theo kịp các thay đổi của xã hội. Có thể tham khảo nơi đây một giải thích của GS Katarzyna Sójka-Zielinska trong quyển giáo trình nhập môn cho sinh viên khoa luật Trường đại học Tổng hợp Warszawa, do hệ thống luật pháp của nhiều nước được xây dựng xuất phát từ quan điểm coi tổ chức sản xuất tư bản chủ nghĩa (bóc lột, đặt lợi nhuận lên trên hết) là mầm mống tạo ra mọi loại hình tội phạm trong xã hội, kinh doanh mua bán khiến cho xã hội phân cấp giàu nghèo, tạo ra khác biệt trong sở hữu tài sản, bất bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà, làm suy giảm hệ giá trị gia đình... mà ít hoặc chưa chú ý tới các dạng tội phạm khác được sinh ra một cách đơn giản hơn, có thể do thiếu học vấn, do kém nhận thức hoặc do lòng tham nhất thời… Và thực tế lại cho thấy chính những dạng tội phạm này lại dễ và thường xảy ra, gây ra những hậu quả tức thời không phải là không nghiêm trọng trong từng cộng đồng dân cư. Việt Nam đang định hướng xã hội chủ nghĩa với cơ chế thị trường, cho nên hệ thống luật pháp cần phải nhanh chóng định nghĩa những hành động bị coi là phạm tội trong cơ cấu xã hội mới đó. Ví dụ đơn giản nhất là khi so sánh giữa hệ thống luật pháp của Ba Lan và Việt Nam, người ta có bộ luật về những vi phạm nằm ở dưới mức xử lý hình sự, nhưng vượt khỏi khuôn khổ gia đình và cộng đồng: kodeks wykroczen (toàn văn tiếng Ba Lan được lưu trên trang mạng của Quốc hội ở địa chỉ sejm.gov.pl). Nội dung của luật này có những phần mà hiện Việt Nam cũng có như các nghị định về xử phạt hành chính hay trật tự xã hội, nhưng chưa xây dựng đầy đủ thành một hệ thống hành pháp khép kín bao gồm cả huấn luyện cho cơ quan công an. Một hệ thống pháp lý cập nhật Khi chính quyền nhanh chóng ủng hộ và quy chế hóa hoạt động của các “hiệp sĩ” như tỉnh Bình Dương đang đi đầu thì chắc chắn vũ lực sẽ được sử dụng đúng mức khi truy bắt tội phạm và việc trừng phạt được giao vào tay Nhà nước. Còn nếu không, hành động tự phát của một đám đông thiếu kiểm soát như ở Nghệ An sẽ dễ dàng bùng phát thành án mạng, như quy luật mà Gustave Le Bon (1841-1931) từng trình bày trong quyển sách nổi tiếng về tâm lý đám đông. Việc chính quyền nhanh chóng đưa những tội danh mới vào hệ thống pháp lý cũng sẽ đánh vào tâm lý của những kẻ định phạm tội vì biết rõ với tỉ lệ thương tật và mức độ giá trị chưa đủ vào khung hình sự thì sẽ thoát được sự trừng phạt của luật pháp, như các đám trộm cắp giật đồ đang lộng hành khắp nơi ngày càng nhiều. Nếu hành hạ một con chó sẽ bị tù vài năm như quy định ở nhiều nước phương Tây thì có lẽ sẽ không còn mấy người dám đi trộm chó nữa. Nếu trộm cắp sẽ phải trả giá bằng lao động công ích và chụp ảnh đăng báo, thì có lẽ nhiều thanh niên sẽ không dám “nhàn cư vi bất thiện” phóng xe ra đường giật đồ nữa. Nếu hệ thống bảo hiểm xe cộ nhận bồi thường cho cả người bị nạn, thì sẽ không còn cảnh tài xế dạy nhau khi gây ra thương tích thì tốt nhất là cán cho nạn nhân chết luôn để khỏi bị trả tiền nuôi dưỡng thương tật cả đời. Cần phải phân biệt rõ giữa quyền tối thiểu của người phạm tội mà nhiều quốc gia trên thế giới có quy định cụ thể, không giống với chuyện đứng về phía ủng hộ tội phạm. Nhìn rộng hơn từ góc độ xã hội như tư tưởng của Franz von Liszt (1851-1919) thì các nhà làm luật còn phải suy nghĩ xem các loại hình tội phạm đó sinh ra trong hoàn cảnh nào và cần làm gì để đấu tranh hạn chế và tiêu diệt. Những kẻ bắt chó liều mạng vì cái gì, nạn hôi của khi xe chở hàng bị tai nạn có thể chống bằng cách ban hành quy định và tăng mức hình phạt hay tăng cường cảnh sát tuần tra nhanh chóng xử lý sự vụ... Và có cả những cách đơn giản hơn mà các cư dân trên mạng Internet hay kể cho nhau nghe về một cậu bé, khi thấy người ta hôi của thì móc điện thoại cầm tay ra và cảnh báo mọi người rằng cậu sẽ quay phim để làm bằng chứng kết tội ai lấy đồ của chiếc xe tải bị nạn. Đó chính là ý thức làm người mà cậu bé đã được dạy ở trường, nay thức tỉnh những con người bất ngờ bị u mê trong cơn sốc tiền của. Biết đặt ra giới hạn rõ ràng cho mình và cộng đồng xung quanh mình, đó là thái độ mà người tri thức cần phải thể hiện khi chung sống với cái ác luôn hiện hữu và có xu hướng ngày càng nhiều trong thời buổi cơm áo gạo tiền ngày càng khó khăn và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng như hiện nay. Tags: Trộm chóTiêu điểmBắt chóCái ác
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Đạo diễn Việt Tú: Có 3 việc cần làm ngay để vươn đến nền công nghiệp giải trí ĐẬU DUNG 23/12/2024 Chỉ một, hai concert đơn lẻ như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thành công thì chưa thể gọi là công nghiệp biểu diễn.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).