Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:
Phóng to |
Các “mẹ” trong một hoạt động thúc đẩy quyền cho người đồng tính - Ảnh: ICS cung cấp |
Hành trình dài...
N.N.Khoa là con trai đầu của bà Châu. Năm Khoa học lớp 8, bà phát hiện con mình có điều gì đó khác thường, cậu bé có nhiều cử chỉ và điệu bộ như con gái. Khoa vốn là một đứa trẻ rất ngoan. Thế nhưng năm Khoa học lớp 8, lớp 9, bà thấy con mình thường xuyên bị phạt mà không rõ vì lý do gì.
Năm 2010, cô giáo gọi bà Châu lên nói chuyện về Khoa. Cô giáo nói: “Con bà có vấn đề về giới tính”. Bà đã sững sờ không tin đó là sự thật. Hè năm Khoa học lớp 10, bà cho con đi du lịch Singapore sau một năm học căng thẳng. Ban ngày bà thấy con trai đi chơi rất vui, nhưng đêm về Khoa thường bứt rứt đứng ngồi không yên, trên tay luôn cầm chiếc điện thoại. Đợi con ngủ, bà lén lấy điện thoại của con ra xem và chết lặng người khi thấy những tin nhắn yêu đương, nhớ nhung của con trai bà dành cho... một thầy giáo. Đó là thầy giáo thực tập năm Khoa học lớp 9 mà bà biết. Dù rất tức giận nhưng bà vẫn giữ trong lòng bí mật của con.
Về VN, bà vẫn giữ điều ấy trong lòng, càng giữ càng bị ức chế. Thế nên cứ nhìn thấy con là bà bức bối, tức giận. Bà thường kiếm cớ la mắng và giận dỗi vô cớ dù Khoa vẫn là cậu bé ngoan như ngày nào. Đến lúc không chịu đựng được nữa, bà hét vào mặt con: “Mẹ chỉ có mình con là con trai thôi. Mẹ không chấp nhận được chuyện con là gay. Không bằng con giết mẹ đi còn hơn”. Và bà cầm dao đưa lên ngực mình. Trong tích tắc ấy, Khoa đã quỳ xuống dưới chân mẹ và khóc: “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. Con hứa lúc nào con cũng sẽ làm mẹ thấy tự hào về con”.
Từ đó, Khoa vẫn lớn lên từng ngày nhưng dường như cậu bé co lại, tách biệt với thế giới của mẹ. Khoa không tâm sự với mẹ bất cứ điều gì nữa, ăn cơm xong là đóng cửa phòng. Cả một năm hai mẹ con bà Châu “làm khổ” nhau như thế.
Năm 2011, bà Châu được một tổ chức mời ra Hà Nội tham dự hội thảo “Giúp con sống thật với chính mình”. Ở đó, bà được nghe tâm sự của nhiều bạn trẻ là người đồng tính. Bà cũng nghe nhiều câu chuyện của các mẹ có con là gay, mỗi người một kiểu, có đau khổ, có miệt thị, có chấp nhận. Và từ đó, bà Châu bảo mình “đã bước sang một thế giới khác”. Bà biết Khoa cần tình yêu thương, sự cảm thông chấp nhận của bà hơn ai hết. Bà về lại TP.HCM, cứ ôm con mà khóc.
Khi bà chấp nhận được việc mình có một đứa con đồng tính cũng là lúc bà phải đối diện với chồng và anh em nội ngoại. Bà tìm cách thuyết phục chồng, nhưng thuyết phục thế nào ông vẫn cương quyết: “Nó học xong đại học thì phải lập gia đình rồi muốn sống ra sao thì sống”. Nghe chồng nói thế, bà quyết định ly hôn mà không còn cách nào khác. Dù không muốn mất đi một gia đình nhưng hơn ai hết, bà hiểu nỗi đau của con khi không được nhìn nhận và thấu hiểu.
Bà gửi email cho chồng. Trong lá thư ấy bà viết: “Nếu bố xem mục đích duy trì nòi giống của dòng họ là duy nhất khi lập gia đình thì bố có thể tìm giải pháp ở một người phụ nữ khác. Bố có bao giờ nghĩ đến điều này? Có bao giờ tự hỏi con sẽ ra sao khi phải sống cô đơn? Có bao giờ thử đặt mình vào cái thế bị dồn ép, bị kỳ thị đầy bất công như con đang chịu hay chưa? Em không có lỗi khi sinh ra con, và con trai mình lại càng không có lỗi khi được chúng ta tạo ra như thế. Cho nên, chỉ có một con đường là cùng song hành bên con mà không có sự lựa chọn nào khác”.
Sau khi đọc email của bà xong, bà thấy chồng khóc. Ông nói những câu làm bà đau nhói: “Anh là người đau khổ nhiều hơn, anh là đàn ông, anh phải có trách nhiệm với gia đình, dòng tộc”. Bà nói với chồng những thứ đó đều không hề quan trọng, Khoa đã thiệt thòi hơn bạn bè, thế nên Khoa phải được sống trong một môi trường an toàn và thanh thản. Chồng bà sau khi nghe vợ tâm tình thì đã hiểu ra tất cả. Ông dần chấp nhận sự thật rằng con mình là một người đồng tính. Ông không còn bắt Khoa lấy vợ, sinh con theo ý mình nữa.
Bà Thủy - một tình nguyện viên tích cực cho các hoạt động của người đồng tính - Ảnh: ICS cung cấp |
Muốn thay đổi cả thế giới vì con
Từ ngày chấp nhận và hiểu con, bà Châu tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền cho quyền của người đồng tính. “Tôi thấy sự kỳ thị còn ghê gớm quá! Bất cứ người mẹ nào khi hiểu ra vấn đề cũng muốn thay đổi suy nghĩ của cả thế giới vì con” - bà nói.
Với sự kết nối của Trung tâm ICS, bà Châu cùng các mẹ khác có con là người đồng tính thường xuyên gặp gỡ để trao đổi với nhau. Người mẹ nào mới phát hiện con mình đồng tính thì được các mẹ khác chia sẻ câu chuyện của mình để không bị sốc.
Anh Huỳnh Minh Thảo (nhân viên truyền thông của ICS) cho biết: “ICS chỉ làm cầu nối cho các mẹ gặp nhau. Các mẹ rất nhiệt tình. Lần đầu tiên gặp nhau các mẹ kể chuyện chấp nhận con ra sao, thuyết phục gia đình như thế nào. Những lần gặp tiếp theo các mẹ nói nhiều đến tương lai của con, nói về đám cưới của con. Lần gần đây nhất, các mẹ bàn nhau làm thế nào để thay đổi suy nghĩ của những cá nhân, tổ chức có suy nghĩ sai về người đồng tính. Việc làm của các mẹ không chỉ dừng lại ở việc đấu tranh cho quyền lợi của con, mà còn đấu tranh cho cả cộng đồng người đồng tính”.
“Các mẹ” là cách gọi thân thương mà các bạn đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) gọi bà Châu, bà Thúy, bà Ly... Cùng với các mẹ khác, bà Châu đi khắp nơi, tham gia các hoạt động tuyên truyền cho quyền của LGBT. Họ kể câu chuyện của mình, hành trình chấp nhận con của mình tại các hội thảo do ICS tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy từ một cô bán nước mía đã tích cực tham gia việc đấu tranh cho quyền của nhóm LGBT. Bà kể chuyện của mình cho các mẹ nghe, động viên họ vượt qua cú sốc để nâng đỡ tinh thần cho các con trong cuộc sống. Bà nhờ con gái lập Facebook rồi mày mò sử dụng. Không biết đánh máy, bà viết sẵn những ý muốn nói ra giấy rồi nhờ con gái đánh máy lại. Đó là những dòng trạng thái kiến nghị về việc sửa đổi Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, về quyền của cộng đồng LGBT... Khi tôi kết thúc buổi trò chuyện, “mẹ” Châu, “mẹ” Thủy và các “mẹ” khác đều nhắn nhủ: “Có bố mẹ nào có con đồng tính mà muốn được chia sẻ thì cứ cho họ số điện thoại của các cô để chia sẻ nhé! Tất cả các mẹ đều sẵn sàng...”.
Kỳ tới: “Mẹ ơi, con là gay...”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận