Một du học sinh người Việt làm thêm bằng việc hái dâu ở Úc - Ảnh tư liệu của Tuổi Trẻ |
Khoảng một năm nay, trên diễn đàn sinh viên Việt Nam ở Melbourne thường có những phàn nàn về một số chủ nhà hàng Việt Nam bắt du học sinh làm việc cật lực nhưng sau đó lại bị “xù” lương với lý do "thử việc". Những sinh viên này cũng kể ra tình trạng bị đối xử tệ, bị hù dọa, bị giữ lương.
Tình trạng này xảy ra đã lâu và người ta đã mặc nhiên chấp nhận như một sự hiển nhiên của quy luật cung - cầu.
Bài phóng sự điều tra về tình trạng bóc lột của những người chủ nhà hàng Việt Nam đối với đồng hương (trên Đài SBS Australia) mấy ngày vừa qua đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều nhau.
Những ý kiến, những quan điểm tưởng chỉ là cá nhân nhưng thực ra đã phản ánh phần nào sự khác nhau trong nhận thức về việc tôn trọng luật pháp giữa người Việt và người Úc.
Người Úc bất bình
Đa số người Úc thấy bất bình về tình trạng bóc lột nhân công và cho rằng luật pháp cần phải nghiêm minh để bảo vệ người làm công. Như bình luận của John Healy trên trang Facebook của SBS News: “Những chủ nhân nô lệ này cần phải bị tống khỏi Úc ngay nếu họ trả ít hơn 20 đôla Úc (AUD)/giờ”. Hoặc như của Ester Cibasek: “Tôi không khoan dung với lòng tham và thiếu tôn trọng đối với những người đồng hương. Bao giờ họ mới tỉnh ra đây?”...
Ở chiều ngược lại, không ít ý kiến của người Việt tại Úc lại chấp nhận tình trạng này. Họ cho rằng SBS làm phóng sự này là bôi xấu người Việt, vì thực tế không chỉ có cộng đồng Việt Nam mới như vậy, hầu hết những nhà hàng châu Á đều có tình trạng này.
Chị N.D., một người định cư ở Úc trên 20 năm, phân tích: “Tình trạng này đâu phải chỉ có du học sinh mới bị. Hơn chục năm trước tôi cũng có đến làm cho một cửa tiệm bán áo quần của người Việt Nam. Chị chủ không hề nói trước với tôi là làm thử việc không được trả lương.
Tôi đến làm ngày đầu, làm việc cật lực cả ngày, thậm chí khuân vác dọn dẹp những thứ không thuộc công việc theo thỏa thuận. Sau đó hỏi lương thì chị chủ bảo: làm thử việc đâu có được trả lương.
Tôi hỏi sao chị không báo trước thì chị ấy nói chị đã bảo tôi làm tới 14h chiều là ý muốn tôi thử việc thôi, ai bảo tôi ráng làm đến 17h, tôi thích thì cứ làm chứ chị đâu có ép!”.
Thậm chí nhiều người than thở rằng sau phóng sự này thì du học sinh sẽ càng khó kiếm việc, sẽ khiến sở di trú và sở thuế chú ý gây bất lợi cho cộng đồng. Họ cũng cho rằng lỗi do sinh viên muốn làm nhiều giờ, muốn lấy tiền mặt để trốn thuế nên phải chịu thiệt thòi.
Từ một thiện ý tốt, muốn đòi hỏi công bằng cho người làm công, bài phóng sự đã trở thành “sự khó chịu” dưới mắt một số không ít người Việt, dù rất nhiều người đã định cư ở Úc khá lâu.
Luật là luật
Trong khi đó một bình luận trên báo ở Việt Nam được nhiều người "like" viết như sau: “Cái này nhà báo Úc cố tình bôi xấu cộng đồng người Việt núp dưới vỏ bọc bảo vệ sinh viên. Theo luật, lương tối thiểu là 17 AUD/giờ, nếu chủ trả theo luật, nhân công hay sinh viên phải đóng thuế thu nhập cá nhân (thông thường là 30%) cộng bảo hiểm sức khỏe, thất nghiệp, hưu trí... Tối đa mang về 55 - 65% lương hay chừng 8 - 9 AUD/giờ là cùng.
Cũng theo luật, nếu trả lương đúng cách cho công nhân, chủ phải chi trả thêm cho phần bảo hiểm sức khỏe, hưu trí, thất nghiệp, tai nạn lao động... Vì vậy trả tiền mặt 10 AUD/giờ là khá cao, công bằng cho người đi làm và tiết kiệm nhiều chi phí cho người chủ”.
Phân tích trên nghe đầy "hữu lý", có thể vì ở Việt Nam không hiểu rõ về luật thuế ở Úc. Chính phủ Úc quy định một người được miễn thuế cho mức thu nhập từ 18.200 AUD trở xuống. Nếu làm theo dạng nhân viên không thường xuyên, không làm trọn giờ thì chủ không cần đóng bảo hiểm sức khỏe, hưu trí ...
Bạn đọc trên cũng thản nhiên nhận xét: “Ở đây không ai bóc lột ai, chỉ có chính phủ mất tiền thuế thôi. Đó là lý do họ làm phóng sự này nhằm tận thu thuế và bôi xấu cộng đồng người Việt, tất cả cộng đồng khác đều như vậy nhưng tại sao là người VN!”.
Cần biết nước Úc được vững mạnh đến ngày hôm nay là nhờ ý thức thượng tôn pháp luật của người dân Úc. Nếu ai cũng vì nghĩ cho cá nhân, người nào cũng nghĩ “chỉ có chính phủ mất thuế thôi” thì không biết rằng nước Úc sẽ đi về đâu.
Úc lập lực lượng chuyên trách Vào tháng 10-2016, Chính phủ Úc đã thành lập The Migrant Workers Taskforce (MWT), một lực lượng đặc nhiệm mới nhằm bảo vệ lao động di dân trước sự bóc lột sức lao động của những người chủ vô lương tâm. Lực lượng đặc nhiệm mới này sẽ xem xét và áp dụng một loạt biện pháp nhằm bài trừ nạn bóc lột sức lao động của những công nhân dễ bị lạm dụng như công nhân có tay nghề cao đến Úc làm việc và du học sinh đi làm thêm ở Úc. Một trong số đó là tăng hình phạt đối với các chủ nhân có hành vi bóc lột công nhân và gian lận sổ sách. Nhóm đặc nhiệm mới này sẽ tham vấn chính phủ những biện pháp để bảo vệ người lao động nước ngoài tốt hơn. Bộ trưởng việc làm của Úc, bà Michaelia Cash, cho biết nhóm đặc nhiệm này sẽ tăng cường những nỗ lực của chính phủ để xóa bỏ tình trạng các chủ nhân lạm dụng công nhân di dân và mang đến sự bảo vệ tốt hơn cho tất cả người lao động nói chung. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận