Tôi nhớ lần chuyên gia người Đài Loan cho chúng tôi tập đổ xuống một dốc đứng năm 2002. Lúc đó chân tay tôi bủn rủn khi chạy đến đỉnh dốc và nhìn xuống. Nhiều buổi sau, là “chị cả” của đội, tôi đứng nhìn đàn em thử nghiệm để rút kinh nghiệm. Ngày ấy, cô bé dũng cảm đóng vai quân xanh ấy vừa chuyển sang tập địa hình vài tháng đã té ngay lần đổ đầu tiên. Cú té khiến xương của cô lởm chởm lồi ra ở mắt cá... Cả đội vẫn tiếp tục tập, hơn tháng sau tôi mới vượt qua bài đổ dốc đó. Tôi hiểu không có họ, tôi sẽ không bao giờ làm được điều đó.
Hai tháng tập huấn ở Trung Quốc trước SEA Games 2007. Trong những thời khắc hụt hơi trên những con đường đèo dài cả trăm cây số, thấy đàn em miệt mài “đeo bám” mình, tôi cũng nghiến răng cho tới khi họ rớt lại hết. Lại có khi trong một tích tắc muốn buông xuôi, đồng đội lại lơi chân chờ “kéo” và bắt tôi đi tiếp. Mỗi người, mỗi ngày “kéo” tôi một đoạn. Họ không có huy chương, nhưng chiếc huy chương của tôi in bóng hình của họ.
Thể thao luôn chinh phục đỉnh cao mới. Nhưng VĐV không thể vượt qua giới hạn của bản thân nếu thiếu động lực cạnh tranh từ đồng đội. Tôi có huy chương, tôi có tiền thưởng. Còn VĐV đóng vai quân xanh hộ tống, họ có cái gì? Câu trả lời: khi chúng tôi nghỉ tập tháng trước, tháng sau mọi chế độ chính sách đã không còn.
Với tôi, đấy là một kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” đắng lòng đối với các quân xanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận